• Zalo

Thi quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp nhiều hơn dự kiến: Cánh cửa phân luồng đã mở toang?

Giáo dụcThứ Hai, 11/05/2015 11:46:00 +07:00Google News

Kỳ thi THPT quốc gia: Số lượng học sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2015 với mục đích chỉ xét tốt nghiệp vượt ngoài dự kiến.

(VTC News) – Qua khảo sát ban đầu, số lượng học sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2015 với mục đích chỉ xét tốt nghiệp vượt ngoài dự kiến khiến nhiều chuyên gia tin tưởng vào việc phân luồng hiệu quả.

Cuối tháng 2/2015, sau khi Bộ GD-ĐT công bố chính thức quy chế kỳ thi THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015, nhiều người lo lắng việc hầu hết thí sinh sẽ lựa chọn kỳ thi này với cả hai mục đích.

Tuy vậy, sau khi kết thúc việc đăng ký dự thi, số lượng thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2015 chỉ với mục đích xét tốt nghiệp không hề nhỏ.
Kỳ thi THPT quốc gia 2015
Số lượng học sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia với mục đích chỉ xét tốt nghiệp không hề nhỏ 
Trao đổi với VTC News, ông Dương Đình Hoán, quyền Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Thanh Hóa) cho biết Thanh Hóa sẽ tổ chức 2 cụm thi.

Cụm thứ nhất, dành cho thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ của 2 tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình, do Trường ĐH Hồng Đức chủ trì phối hợp Trường ĐH Y Hà Nội. Cụ thi này sẽ có khoảng 24.000 thí sinh của Thanh Hóa và hơn 5.000 thí sinh tự do. Ngoài ra, còn 6.200 thí sinh của tỉnh Ninh Bình cũng dự thi tại Thanh Hóa.

Cụm thứ 2 dành cho các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT do Sở GD-ĐT Thanh Hóa chủ trì với số lượng khoảng 16.000 thí sinh dự thi ở 32 điểm thi.

Như vậy, số lượng học sinh phổ thông đăng ký tham gia kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp chiếm tới 40%.

Tỉ lệ học sinh Thanh Hóa tham gia kỳ thi THPT quốc gia chỉ để xét công nhận tốt nghiệp khá cao nhưng theo ông Hoán số liệu này hoàn toàn hợp lý.

“Địa bàn Thanh Hóa có nhiều huyện miền núi khó khăn, giao thông không thuận lợi và nhiều vùng trình độ không cao nên việc học sinh chỉ lựa chọn thi để xét tốt nghiệp là hợp lý”, ông Hoán lý giải.
Trong lần khảo sát gần đây nhất, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết thành phố có khoảng 13.000 thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp trong kỳ thi THPT quốc gia 2015.

Những thí sinh này có thể dự thi tại cụm thi liên tỉnh do các trường đại học chủ trì hoặc thi tại cụm do Sở GD-ĐT Hà Nội chủ trì.

Tại hội nghị triển khai công tác thi THPT quốc gia, ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lí thi & Kiểm định chất lượng (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết qua thăm dò có trường 100% học sinh đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, thông tin này chỉ là "thăm dò" của trường, chưa phải thông tin chính thức.

Ông Chất cho biết, hiện tại Sở GD-ĐT Hà Nội đang thống kê chính xác số lượng học sinh. Dự kiến, trong tuần này, Sở GD-ĐT sẽ có thông tin cụ thể về số lượng học sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia chỉ với mục đích xét tốt nghiệp.

Trước đó, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đã tính đến phương án không tổ chức cụm thi riêng nếu lượng thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp quá ít.

Tuy nhiên, với con số khoảng 13.000 thí sinh đăng ký chỉ thi để xét tốt nghiệp, Hà Nội chắc chắn sẽ phải tổ chức hội đồng thi do Sở chủ trì để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh.
Nhiều tỉnh miền núi, số lượng học sinh chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp chiếm tới 30%-50%
Thông tin từ Sở GD-ĐT Quảng Trị cho biết trong hơn 10.000 thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia 2015, có khoảng khoảng 3.000 thí sinh tham gia thi tuyển tại 8 cụm cơ sở trên địa bàn tỉnh chỉ với mục đích xét tốt nghiệp.

3.000 thí sinh này sẽ được đánh số báo danh chung và thi tuyển tại một địa điểm duy nhất, phân theo từng địa bàn là trung tâm huyện thị nơi thí sinh cư trú.

Kỳ thi tại địa bàn tỉnh được đặt dưới sự quản lý của một hội đồng thi duy nhất do Sở GD-ĐT phối hợp với Đại học Quảng Nam chủ trì.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT Đà Nẵng, toàn thành phố có 14.408 thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia 2015. Trong đó, có 1.209 thí sinh chỉ dự thi để lấy kết quả xét tốt nghiệp.

Số thí sinh dự thi để vừa xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ là 9.772 thí sinh và 3.427 thí sinh ĐKDT để chỉ thi tuyển sinh ĐH, CĐ.

Ở hệ THPT, Trường THPT Phạm Phú Thứ có số lượng thí sinh đăng ký dự thi chỉ để lấy kết quả xét tốt nghiệp đông nhất, với 120 thí sinh.
Đề thi tốt nghiệp THPT 2015 sẽ được ra như thế nào?

VTC14

Theo ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở GD - ĐT Điện Biên, hiện tại, Sở đã hoàn tất việc thống kê hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh thi tốt nghiệp THPT và đã có kế hoạch sắp đặt phòng thi cũng như bố trí các điều kiện coi thi…

Thống kê cho thấy, tổng số thí sinh đăng ký dự thi của Điện Biên là 6.214 thí sinh, trong đó có 2.871 thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp.

Theo thông báo của Sở GD - ĐT Cao Bằng, trong số 5.998 thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia trên địa bàn thì có gần 50% thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp.

Thí sinh định hướng tốt hơn

Trước số lượng học sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2015 chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp rất lớn, nhiều chuyên gia cho rằng tỷ lệ này là hợp lý và thể hiện thí sinh đã có sự cân nhắc nhiều hơn so với các năm trước.

Một chuyên gia giáo dục cho rằng đa số những thí sinh đăng ký dự kỳ thi THPT quốc gia 2015 chỉ với nhu cầu xét tốt nghiệp đã có sự định hướng rõ ràng hơn. Các thí sinh này sẽ thường lựa chọn việc học nghề sau khi kết thúc quá trình học phổ thông.

Bên cạnh đó, việc nhiều thí sinh đăng ký không xét tuyển ĐH, CĐ do lường trước lực học của mình.
kỳ thi thpt quốc gia
Thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã có sự định hướng tốt hơn phù hợp với điều kiện và lực học của bản thân
Cũng có cùng quan điểm này, ông Hoàng Đức Thắm, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị cho rằng việc tổ chức thi theo quy định hiện hành đã giảm bớt gánh nặng về nhiều mặt cho bản thân thí sinh và gia đình.

Trong khi đó, lý giải cụ thể về tỷ lệ dự thi ở Điện Biên, ông Lê Văn Quý – Giám đốc Sở GD-ĐT Điện Biên cho rằng Điện Biên là một tỉnh miền núi, điều kiện đi lại khó khăn. Trong khi đó chất lượng giáo dục giữa thành phố, thị xã và vùng sâu vùng xa không đồng đều.

Vì vậy, việc thí sinh lựa chọn thi tại cụm địa phương chỉ xét công nhận tốt nghiệp cũng là hợp lý.

Bên cạnh đó,  việc kết hợp với tấm bằng tốt nghiệp, các em vẫn có thể nộp hồ sơ để xét tuyển vào một số trường ĐH, CĐ hoặc trường nghề chỉ xét học bạ cũng khiến nhiều thí sinh tự tin hơn với quyết định lựa chọn tại cụm thi địa phương.

Hiện nay, nhiều trường ĐH, CĐ đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt phương án tuyển sinh riêng  với yêu cầu chỉ cần thí sinh tốt nghiệp THPT và kết hơp xét học bạ.

Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng việc thí sinh lựa chọn thi ở cụm địa phương do được coi dễ hơn ở cụm thi do đại học chủ trì.

Ông Hoán cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh ở xa, sở đã tham mưu UBND tỉnh ưu tiên các điểm thi ở huyện Hà Trung; các cơ sở gần trung tâm TP.Thanh Hóa cho cụm thi số 1, để học sinh ở tỉnh Ninh Bình hoặc các huyện miền núi trong tỉnh đi lại, ăn ở thuận tiện hơn.

Trường hợp những học sinh quá khó khăn, khi có phản ánh tỉnh sẽ chỉ đạo các sở ngành, địa phương có điểm thi hướng dẫn, tìm nhà trọ cho các em ăn ở.

Tuy nhiên, ông Dương Đình Hoán, quyền Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Thanh Hóa) lại cho rằng hiện nay nhiều tỉnh đều kết hợp với các trường ĐH khác để tổ chức coi thi, thanh tra ngay tại cụm thi địa phương nên sẽ đảm bảo việc tổ chức thi nghiêm túc.

“Có thể ở một nơi nào đó có tình trạng coi thi lỏng lẻo nhưng nếu thanh tra phát hiện ra sẽ bị kỷ luật nghiêm”, ông Hoán cho hay.

Trước đó, trong cuộc họp với lãnh đạo Bộ GD-ĐT vào cuối tháng 1/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhất mạnh quan điểm đổi mới trong thi cử, tổ chức kỳ thi đạt mục đích, yêu cầu, chất lượng nhưng phải tạo thuận lợi nhất cho người dân.

“Các đồng chí phải bàn kỹ, tính toán hết trong mọi trường hợp và lãnh đạo Bộ GD-ĐT cần làm việc trực tiếp với lãnh đạo các tỉnh về phương án tổ chức, đưa đón học sinh đến các cụm thi sao cho thuận lợi, an toàn bởi khi đưa học sinh từ tỉnh này đi tỉnh khác có không ít rủi ro…”, Thủ tướng nói.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn