• Zalo

Thi học kỳ tại nhà: 'Thử thách' sự trung thực của học sinh và phụ huynh

Tin tức - Sự kiệnThứ Ba, 04/01/2022 11:23:33 +07:00Google News
(VTC News) -

Khi học sinh làm bài kiểm tra tại nhà, phụ huynh có dám trung thực với bài làm của con em mình trước áp lực thành tích?

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Đà Nẵng vừa có công văn hướng dẫn đánh giá học sinh tiểu học thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ứng phó với dịch COVID-19. Theo đó, tùy theo điều kiện thực tế, các trường xây dựng lịch kiểm tra học kỳ 1 và hoàn thành trước ngày 15/1.

Cụ thể, các trường in đề kiểm tra các môn, tập hợp đề của các môn (mỗi học sinh một tập đề) theo từng lớp. Phụ huynh nhận đề cho học sinh làm bài và nộp bài làm tại trường. Giáo viên chủ nhiệm các lớp liên hệ, thống nhất với phụ huynh về cách thức nhận đề, có thể nhận đề tại trường hoặc chuyển file để phụ huynh in đề cho học sinh.

Cách làm này khiến nhiều người lo lắng kết quả kiểm tra có đánh giá đúng thực lực và kiến thức học sinh tiếp thu được trong suốt 1 học kỳ học online.

Thi học kỳ tại nhà: 'Thử thách' sự trung thực của học sinh và phụ huynh - 1

Sau thời gian ngắn học tập trung, học sinh tiểu học ở Đà Nẵng chuyển sang học online.

Ý kiến trái chiều 

Anh Nguyễn Văn Việt, có con học lớp 4 Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hải Châu) cho biết, kế hoạch ôn tập và làm bài kiểm tra học kỳ 1 đã được giáo viên gửi để các em ôn tập. Tuy nhiên, anh Việt lo lắng vì quá trình theo dõi con học online, thực sự trẻ tiếp thu không được như học trực tiếp nên kết quả làm bài khó đạt kết quả tốt.

Điều tôi phân vân nhất là khi các em làm bài ở nhà có phản ánh đúng thực chất 100% là do các con tự làm như kiểm tra trên lớp không. Ví như một bài tập làm văn, một bài toán mà các con không làm được thì phụ huynh can thiệp không. Đặt vai trò là con tôi, nếu cháu không giải được bài toán, tôi không thể đưa bài làm sai lên nộp cho giáo viên được. Tất nhiên là tôi không làm thay con mà phải hướng dẫn để con hiểu và làm đúng. Vậy cũng có nghĩa là kết quả bài kiểm tra không đúng với thực tế của học sinh”, anh Việt nói.

Chung suy nghĩ, chị Nguyễn Bích Thủy (trú Khuê Mỹ, Ngũ Hành Sơn) phân vân khi con gái học lớp 1 bắt đầu ôn tập, làm kiểm học kỳ 1. “Điều kiện dịch bệnh, học sinh phải học online và làm bài kiểm tra tại nhà là hợp lý nhưng tôi cho rằng kết quả bài kiểm tra chỉ nên là một trong số tiêu chí tham khảo để đánh giá kết quả chứ khó chính xác được. Tâm lý chung là không phụ huynh nào muốn kết quả của con em mình bị đánh giá thấp nên không dám chắc rằng tất cả phụ huynh đều để con tự làm”, chị Thủy băn khoăn.

Anh Trần Thạch cũngcùng quan điểm khi con trai chuẩn bị kiểm tra học kỳ 1 của lớp 4 vì kết quả học online là không thể tốt như học tập trung nên khó mà hoàn thành tốt bài được.

Học online quá lâu đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý của học sinh và kết quả làm bài cũng tác động không nhỏ. Nếu tự con em làm, kết quả không tốt, bị đánh giá thấp thì tâm lý các em sẽ càng bị tác động tiêu cực. Còn nếu phụ huynh tác động, hướng dẫn, thậm chí làm thay thì lại càng nguy hiểm. Thực sự tôi rất phân vân”, anh Thạch lo lắng.  

Tuy nhiên một vài phụ huynh cho biết sẽ không can thiệp vào bài làm của con em mình, cứ để con “học được đến đâu thì làm đến đó”.

Chị Nguyễn Thị Bình (trú quận Cẩm Lệ) nêu quan điểm của gia đình là con học, tiếp thu được gì thì sẽ để cháu tự lực làm bài vì chỉ như vậy mới phản ánh đúng những gì của 1 học kỳ học online.

Kết quả làm bài của các em sẽ là thước đo chính xác nhất. Hãy để các em tự làm bài, qua đó giáo viên mới nắm được học sinh thiếu, hổng kiến thức thế nào để có kế hoạch ôn tập, củng cố. Nếu vì thành tích mà phụ huynh can thiệp vào bài kiểm tra của con em là rất đáng lo”, chị Bình cho biết.

Thi học kỳ tại nhà: 'Thử thách' sự trung thực của học sinh và phụ huynh - 2

Học sinh tiểu học ở Đà Nẵng sẽ làm bài kiểm tra học kỳ 1 tại nhà.

Anh Võ Văn Đạt cho rằng phụ huynh hãy để các con em tự hoàn thành bài làm, không nên tác động vào vì đó là cách tốt nhất giúp các cháu cũng như giáo viên. “Phụ huynh đừng quá lo lắng nếu kết quả của con em chưa tốt. Hãy để các con làm bài, đừng hình thành ở các con tính ỷ lại, điều này còn đáng lo ngại hơn kết quả của 1 học kỳ không như mong muốn”, anh Đạt chia sẻ.  

Đừng quá lo lắng

Theo cô Dương Thị Đồng Bằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ông Ích Khiêm, quận Hải Châu, với trực tuyến việc đánh giá đúng thực lực của mỗi học sinh gặp khó khăn nhất định. Do đó, kiểm tra định kỳ cuối học kỳ 1 là cơ sở để nhà trường xây dựng kế hoạch cho học sinh đi học trở lại vào thời gian tới. Vì thế, phụ huynh nên để con em tự làm bài theo đúng khả năng, không can thiệp vào bài kiểm tra.

Cô Ngô Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Hòa Tiến, huyện Hòa Vang bày tỏ, mục đích của việc kiểm tra cuối học kỳ 1 cùng với kết quả đánh giá thường xuyên nhằm điều chỉnh hoạt động dạy và học của học sinh, giáo viên. Vì vậy, nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm tổ chức họp phụ huynh trước khi kiểm tra, trong buổi họp sẽ trao đổi về mục đích, yêu cầu kiểm tra và kế hoạch phối hợp để đánh giá học sinh thực chất.

Thầy Nguyễn Thái Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu cũng mong phụ huynh không nên quá lo lắng khi các em làm bài kiểm tra tại nhà. “Một kỳ kiểm tra không phản ánh hết năng lực của học sinh. Đánh giá học sinh là công việc xuyên suốt năm học của mỗi giáo viên. Vì vậy, phụ huynh cần phối hợp để con em tham gia kỳ thi trung thực, từ đó có kết quả khách quan, công bằng”, ông nói.

Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, Sở đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch kiểm tra học kỳ linh hoạt, phù hợp với việc tổ chức dạy học từ đầu năm đến nay. Trừ học khối lớp 6, 7, bậc tiểu học và mầm non, các khối khác đã đến trường học trực tiếp nên việc tổ chức kiểm tra không gặp nhiều khó khăn.

Đối với học sinh tiểu học sẽ khó khăn hơn. Dù vậy, khối lớp 3, 4, 5 đã làm quen với việc này từ học kỳ 2 của năm học trước nên thích ứng được phần nào. Những học sinh không thể kiểm tra trực tiếp thì sẽ kiểm tra trực tuyến bằng hình thức trao đổi, qua quá trình học tập sẽ chọn lọc nội dung phù hợp để đánh giá các em.

Thi học kỳ tại nhà: 'Thử thách' sự trung thực của học sinh và phụ huynh - 3

Nhiều phụ huynh lo lắng khi học sinh làm bài kiểm tra học kỳ tại nhà sẽ thiếu công bằng và không đánh giá đúng kết quả học tập của các em. 

Phần lớn các trường sẽ photo đề, chuyển đến phụ huynh để học sinh làm bài trên giấy, sau đó nộp lại theo mốc thời gian quy định. Việc kiểm tra thực hiện trên giấy nhưng học sinh không làm bài tại lớp. Các khu vực cách ly, phong tỏa không thể nhận bài thì các trường sẽ tính toán tổ chức kiểm tra trực tuyến với hình thức phù hợp nhất”, ông Linh nói.

Ông Linh cho hay Sở sẽ tuyên truyền để phụ huynh phối hợp với nhà trường trong việc tổ chức kiểm tra cuối học kỳ 1.

"Phụ huynh không nên can thiệp vào bài làm của các em để chúng ta có thể đánh giá chính xác chất lượng học sinh cũng như giáo dục cho các em bài học về sự trung thực", ông Linh nêu.

XUÂN TIẾN
Bình luận
vtcnews.vn