Song song với tiếng Anh, Bộ GD-ĐT thí điểm dạy tiếng Nga, Trung Quốc, Nhật Bản như ngoại ngữ thứ nhất. Bộ sẽ xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung 10 năm, từ lớp 3 đến lớp 12 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam vào năm 2017.
Bộ cũng sớm thẩm định và ban hành chương trình này để làm cơ sở biên soạn, lựa chọn sách giáo khoa và học liệu phục vụ việc dạy và học trong trường phổ thông.
Năm học 2016-2017, Bộ GD-ĐT đã cho thí điểm dạy tiếng Nhật từ lớp 3 tại 5 trường ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.
Từ năm học 2016 - 2017, Bộ GD-ĐT cũng sẽ chuẩn bị triển khai dạy học thí điểm chương trình tiếng Đức như ngoại ngữ 2, để tới năm sau triển khai dạy tiếng Đức từ lớp 6 ở các địa phương đang tiến hành giảng dạy môn này (Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng), sau đó lần lượt mở rộng tới các địa phương khác.
Tiếng Hàn, tiếng Pháp được thí điểm giảng dạy như ngoại ngữ thứ hai. Năm học này, tiếng Hàn được thí điểm ở lớp 6 và lớp 10 tại một số trường có nguyện vọng ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Giai đoạn 2017-2025, ngoại ngữ này sẽ lần lượt được triển khai ở các lớp tiếp theo của cấp THCS và cấp THPT.
Sau thí điểm, các trường có đủ điều kiện và nhu cầu thì có thể tiếp tục duy trì việc dạy tiếng Hàn như ngoại ngữ thứ hai.
Môn tiếng Pháp cũng được xác định giảng dạy như ngoại ngữ 2 theo hướng điều chỉnh, đổi mới chương trình song ngữ tiếng Pháp từ cấp tiểu học đến THPT theo hướng tinh giản và hiện đại hoá.
Bộ sẽ hoàn thiện bộ sách tiếng Pháp ngoại ngữ 2 quyển 1 với sự hợp tác của tổ chức quốc tế Pháp ngữ phù hợp với bối cảnh Việt Nam; tiếp tục củng cố và phát triển 4 chương trình giảng dạy tiếng Pháp: ngoại ngữ 1, ngoại ngữ 2, chuyên ngữ và song ngữ...
Video: Trình tiếng Anh của hot girl Tú Linh khiến nhiều người ngỡ ngàng
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng và cho rằng tiếng Nga đã "lỗi thời" nên không nên cho học sinh học từ lớp 3. Trong khi đó, tiếng Trung và tiếng Nhật là những ngôn ngữ tượng hình nên việc giảng dạy ngay từ lớp 3 cũng khiến cho học sinh gặp nhiều khó khăn.
Nhiều phụ huynh bày tỏ mong muốn Bộ GD-ĐT có những chính sách để giảng dạy môn tiếng Anh có hiệu quả ngay từ bậc tiểu học.
"Tôi cho rằng hãy để các cháu thành thạo một thứ tiếng thay vì mỗi loại tiếng biết một chút và sau này sẽ không làm được việc gì", một phụ huynh chia sẻ.
Trong khi đó, một số giáo viên còn cho rằng hiện nay đội ngũ giáo viên tiếng Anh dù đã được đào tạo nhiều nhưng vẫn chưa đạt chuẩn. Trong khi đó, việc giảng dạy tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Nhật "không chuẩn" sẽ ảnh hưởng nhiều đến khả năng cảm thụ ngôn ngữ của học sinh tiểu học.
"Các nước trên thế giới hiện nay đang tiến tới toàn cầu hoá và tiếng Anh đang là ngôn ngữ chính. Ngay cả các nước như Nhật, Trung Quốc, Nga... cũng dùng giáo trình tiếng Anh để giảng dạy thì tại sao chúng ta lại đi ngược lại xu thế của thế giới", một phụ huynh băn khoăn.
Bình luận