• Zalo

Thí điểm dạy tiếng Hàn và Đức: Những bất lợi khi học ngoại ngữ hiếm

Diễn đànChủ Nhật, 04/04/2021 10:24:03 +07:00Google News

Hiện nay, ngoài tiếng Anh, các ngoại ngữ còn lại đều gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai đại trà, bất lợi lớn nhất với người học là chương trình học bị cắt khúc.

Hà Nội đang thí điểm dạy tiếng Đức là ngoại ngữ 1 ở 2 trường THCS là Đống Đa và Trưng Vương, 2 trường THPT là Việt Đức và Kim Liên. Những ngoại ngữ khác như tiếng Trung, Nga, Pháp (không kể hệ song ngữ) chỉ được thực hiện là ngoại ngữ 1 theo chương trình 3 năm ở một số trường THPT, tập trung ở các trường THPT chuyên trực thuộc sở GD&ĐT hoặc các trường đại học.

Riêng tiếng Hàn, mới chỉ có duy nhất trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội giảng dạy. Với tiếng Nhật, có 10 trường THCS đưa vào giảng dạy, nên số học sinh của 3 trường tiểu học học ngoại ngữ 1 là tiếng Nhật có thể học tiếp ngoại ngữ này ở cấp THCS có nhiều cơ hội lựa chọn hơn.

Thí điểm dạy tiếng Hàn và Đức: Những bất lợi khi học ngoại ngữ hiếm - 1

Học sinh lớp chuyên tiếng Hàn, trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội trong một giờ học. (Ảnh: Diệp An)

 

Sự cắt khúc không chỉ diễn ra ở bậc phổ thông mà lên đại học, cơ hội cho thí sinh học các ngoại ngữ hiếm cũng rất ít. Hiện các trường đại học mới chỉ tuyển các tổ hợp có môn ngoại ngữ gồm tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Pháp và tiếng Nhật.

Với tiếng Hàn hay tiếng Đức, mới chỉ có các trường đại học chuyên đào tạo ngoại ngữ tuyển sinh như trường Đại học Hà Nội, trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội)... Không những thế, với các ngành ngôn ngữ không phổ biến này, đầu vào các trường đều tuyển cả tổ hợp D01 - có tiếng Anh.

Trong đề án tuyển sinh 2020 của trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), do tiếng Hàn chưa được thi tốt nghiệp THPT nên ngành Ngôn ngữ Hàn tuyển sinh các tổ hợp D01 (Toán, Văn,tiếng Anh), D78 (Văn, Khoa học xã hội, tiếng Anh), D90 (Toán, tiếng Anh, Khoa học tự nhiên). Với các ngành ngôn ngữ khác như Trung Quốc, Pháp, Nga, dù có được thi nhưng vẫn có 3/4 tổ hợp tuyển sinh lựa chọn môn ngoại ngữ là tiếng Anh (D01, D78, D90). Tuy nhiên, ngoại ngữ 1 của sinh viên khi trúng tuyển vẫn là ngành ngôn ngữ đã chọn như Pháp, Nga, Trung...

Như vậy, dù học tiếng Trung là ngoại ngữ 1 ở phổ thông nhưng lên đại học, khi chọn ngành Ngôn ngữ Trung, thí sinh vẫn phải cạnh tranh bình đẳng với những học sinh học tiếng Anh là ngoại ngữ 1.

PGS.TS Hà Lê Kim Anh, Phó Hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, quyết định của Bộ GD&ĐT cho phép tiếng Hàn, tiếng Đức trở thành ngoại ngữ 1 tại Việt Nam đã mở thêm cơ hội cho thí sinh.

Bà nói rằng, ngành ngôn ngữ nào của trường cũng tuyển tổ hợp có môn tiếng Anh và đầu vào đáp ứng được yêu cầu. Nhưng nếu tuyển được bằng chính ngoại ngữ đó thì sẽ có nguồn tuyển chất lượng tốt hơn, thậm chí là tinh hoa để trở thành các nhà ngôn ngữ học. Theo bà, việc đưa thêm 2 ngoại ngữ không gây thêm áp lực, vì người học được lựa chọn.

PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Ngoại thương, cho hay, tiếng Đức và tiếng Hàn hiện vẫn chưa có trong danh mục tổ hợp xét tuyển của trường, thậm chí ngoại ngữ 2 cũng chưa được. Trường mới đang dạy thí điểm tiếng Hàn như một ngoại ngữ bổ sung.

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp