Sáng 6/12, Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tiếp tục diễn ra.
Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kết quả công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên cả nước
Truyền đạt chuyên đề Nghị quyết số 29 về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, để thực hiện các mục tiêu, Trung ương đề ra 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu, trong đó có nhóm giải pháp đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Trung ương xác định nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 2021 - 2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để tạo ra sự bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế.
Giai đoạn 2031 - 2045, tập trung nâng cao chất lượng công nghiệp hoá và đẩy mạnh hiện đại hoá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội.
Từ đó, Nghị quyết đặt ra 4 yêu cầu: Nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người dân; cụ thể hoá các quan điểm, gắn kết các mục tiêu, nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước với luật pháp, chính sách, hệ thống quy hoạch quốc gia và các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan.
Thực hiện phân công, phân cấp triệt để trong quản lý nhà nước về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Nâng cao năng lực dự báo; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kết quả công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên phạm vi cả nước, từng vùng và địa phương.
"Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ và chính quyền các ngành, các cấp trong tổ chức thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa", ông Trần Tuấn Anh đồng thời cho biết, nghị quyết cũng tiếp tục đặt ra nhiệm vụ đổi mới chính sách đất đai, tín dụng, tài chính, khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực; có chính sách đột phá để thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn.
Nhấn mạnh giải pháp phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao là then chốt, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Trung ương đề ra nhiệm vụ ưu tiên đầu tư cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo đi trước một bước, phát triển các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn với các chuỗi giá trị nội địa, khu vực và toàn cầu…
“Phát triển hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, các trung tâm đổi mới sáng tạo ngành, vùng, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; triển khai mạnh mẽ các vườn ươm công nghệ, nền tảng đổi mới sáng tạo mở, mạng lưới đổi mới sáng tạo mở. Khuyến khích doanh nghiệp thành lập các trung tâm nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo. Thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách mới, đặc thù về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại một số địa phương, trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp được giao các nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển các công nghệ lõi, công nghệ nguồn”, ông Trần Tuấn Anh nêu rõ.
Xây dựng chương trình đào tạo chuyên gia, nhân lực chất lượng cao
Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Nghị quyết 29 xác định cần phải rà soát, hoàn thiện các chiến lược về giáo dục, đào tạo, phát triển nhân lực quốc gia phù hợp với yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ. Hình thành các chương trình cấp quốc gia và cấp địa phương, ngành, lĩnh vực về đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, lao động có kỹ năng, chuyên môn cao.
Đồng thời xây dựng và triển khai chương trình đào tạo chuyên gia, nhân lực chất lượng cao, lao động kỹ thuật trong các lĩnh vực công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn. Quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ lao động nông thôn; tăng số lượng lao động kỹ thuật có tay nghề; phát triển nhân lực nghiên cứu, chuyên gia trong nông nghiệp.
Nhấn mạnh giải pháp xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường, ông Trần Tuấn Anh cho biết, Trung ương đã phân tích, đánh giá và thống nhất cao cần tập trung xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045 (Make in Vietnam 2045); Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2030.
Trung ương cũng chỉ rõ các ngành, lĩnh vực cần ưu tiên nguồn lực và có các cơ chế, chính sách khuyến khích và ưu đãi đủ mạnh để phát triển, tránh dàn trài như đối với ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn gồm: Công nghiệp sản xuất robot, ô tô, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa; công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp; công nghiệp sinh học; công nghiệp dệt may, da giày ở các khâu tạo giá trị gia tăng cao dựa trên quy trình sản xuất thông minh, tự động hoá...
Nghị quyết 29 Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII đặt mục tiêu đến năm 2030: Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của Nhân dân được nâng cao.
Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD; GNI bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt trên 7.000 USD. Ðóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 50%; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới.
Hình thành được một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn; xây dựng và phát triển được một số cụm liên kết ngành công nghiệp trong nước có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế; làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp....
Bình luận