Sáng 21/2, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với UBND TP Đà Nẵng về việc thực hiện thí điểm xây dựng chính quyền đô thị.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo UBND TP Đà Nẵng và các ngành liên quan nên nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện đề án xây dựng chính quyền đô thị và lộ trình thực hiện để trình trung ương.
Việc xây dựng chính quyền đô thị là một bước phát triển nhằm quản lý, điều hành đô thị trong thời kỳ mới.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc thí điểm thực hiện chính quyền đô thị là vinh dự của Đà Nẵng
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết: Đà Nẵng là một đô thị trung tâm của miền Trung, là trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của khu vực, vì vậy cần có cơ chế quản lý, điều hành phù hợp để tạo điều kiện cho thành phố phát huy hết tiềm năng, nguồn lực.
"Đà Nẵng được chọn là địa phương thí điểm thực hiện xây dựng chính quyền đô thị là một vinh dự. Việc thực hiện đề án sẽ rất phức tạp và rất mới, được thành phố chuẩn bị công phu và trách nhiệm.
Tại cuộc họp, các cơ quan thành phố nên có những ý kiến thảo luận, đóng góp với tinh thần trách nhiệm cao nhất để sớm hoàn thiện Đề án", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Bí Thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ, Đà Nẵng có nhiều lợi thế để thực hiện chính quyền đô thị khi có quy mô đô thị nhỏ, bộ máy quản lý gọn
Tại buổi làm việc, Bí Thư Thành Ủy Đà Nẵng Trần Thọ cho biết, sau khi có chỉ đạo về việc Đà Nẵng thí điểm thực hiện Đề án xây dựng Chính quyền đô thi, Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo và thành lập ban chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu, lắng nghe ý kiến của chuyên gia và chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đến nay, Dự thảo Đề án đã hình thành và được Ban chấp hành Đảng bộ thành phố thống nhất, chính thức trình xin được thông qua.
“Từ bài học của TP.HCM, Đà Nẵng cũng đã tiếp thu nhiều nội dung. Đặc biệt là chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về mô hình tổ chức quản lý các cấp và đã thống nhất dự thảo.
Đà Nẵng có số lượng dân cư ít, quy mô đô thị và bộ máy quản lý gọn, nên việc thực hiện có nhiều lợi thế. Tuy vậy, Dự thảo vẫn còn một số điểm còn chưa phù hợp, nhất là đối với các quy định pháp luật hiện hành nên chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng trong buổi làm việc hôm nay để Đề án được hoàn thiện”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ nói.
Trình bày Đề án tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cho biết, Dự thảo Đề án thí điểm Chính quyền đô thị tại Đà Nẵng bao gồm 4 phần, với mục tiêu xây dựng chính quyền đô thị nhằm nâng cao chất lượng sống của dân cư đô thị, chất lượng phục vụ của chính quyền, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo hiệu lực quản lý của các cơ quan nhà nước trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Mô hình tổ chức chính quyền đô thị Đà Nẵng được thực hiện qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ khi Trung ương cho phép Đà Nẵng thực hiện xây dựng chính quyền đô thị sẽ thực hiện theo 2 bước: Bước thứ nhất là không tổ chức mô hình quản lý hành chính cấp huyện.
Thành phố chỉ có mô hình HĐND và UBND 2 cấp là HĐND, UBND cấp thành phố và mô hình HĐND, UBND cấp xã phường; bước 2: trên cơ sở tiền đề của bước 1, Đà Nẵng sẽ chuyển 11 xã thuộc huyện Hòa Vang sang mô hình tổ chức quản lý phường như đô thị nhằm thống nhất quản lý trên toàn thành phố là 1 cấp HĐND thành phố và UBND cấp thành phố, UBND phường.
Giai đoạn 2 là xây dựng mô hình Thị trưởng Đà Nẵng trên cơ sở chính quyền đô thị ở giai đoạn 1 vận hành thông suốt.
Khi đó, HĐND thành phố sẽ có vai trò quản lý, giám sát hoạt động của chính quyền tại địa phương cũng như huy động và tổ chức các nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội, ban hành các chính sách điều chỉnh những vấn đề mới, riêng có của thành phố.
Bình luận