Chiều 14/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội.
Bỏ đứa con tinh thần này, Quốc hội có buồn không?
Góp ý vào nội dung thảo luận, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng 3 lý do đưa vào trong đề án thí điểm không thuyết phục.
"Nếu dựa vào mệnh lệnh của Ủy ban thành phố, cấp huyện chuyển xuống không nhanh, phải kiểm điểm cơ quan hành chính chứ không thể coi đây là lý do để bỏ HĐND cấp xã, cấp phường. Đề án nói chính quyền phường chỉ là chính quyền thừa hành nên không cần cơ quan dân cử. Vậy cơ quan dân cử sinh ra để làm gì. Chúng tôi gọi cơ quan dân cử là “Quốc hội nhỏ cùa địa phương”, có trách nhiệm giám sát việc thực hiện, tránh trường hợp chính quyền một mình một ngựa, tự tung tự tác.
Nguyên tắc của chúng tôi nói quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, mà bây giờ chúng ta không cho nhân dân bầu ra người đại diện cho mình, bầu ra cơ quan hành pháp thì liệu chúng ta đã tôn trọng nhân dân chưa.
Một lý do khác là đô thị phát triển càng nhanh, văn minh thì nên bỏ HĐND cấp dưới. Như thế có nghĩa càng văn minh chúng ta bỏ sự tham gia của người dân, còn HĐND chỉ cần ở các vùng xa xôi, vùng núi, nông thôn?", ông Nhưỡng phân tích.
Vị Phó Trưởng ban dân nguyện đề nghị cấp ủy chính quyền thành phố Hà Nội cần tìm cách nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, tổng kết Luật thủ đô, xem xét vấn đề tổ chức chính quyền ở Hà Nội thế nào.
Ông Nhưỡng thắc mắc vì sao Luật Thủ đô còn đang bỏ ngỏ mà lại nảy ra đề án bỏ HĐND phường, xã.
Đại biểu Nhưỡng khẳng định nếu được ví, có thể coi HĐND cấp xã, phường như Quốc hội nhỏ của địa phương.
"Nếu bỏ đứa con tinh thần này, người đại diện cho nhân dân cấp cơ sở này thì Quốc hội có đau lòng không, Quốc hội có gánh trách nhiệm được trước nhân dân về vấn đề chúng ta chưa cân nhắc đầy đủ các vấn đề của Hiến pháp để sau này giả sử có một hệ lụy nào đó đối với đời sống của nhân dân với sự lãnh đạo của đảng ở cấp cơ sở, Quốc hội có chịu trách nhiệm được vấn đề này không", ông đặt vấn đề.
Quốc hội cần hết sức thận trọng
“Theo tờ trình thì phường sẽ không có HĐND, tức chỉ có một nửa chính quyền, mà một nửa chính quyền thì không gọi là chính quyền”, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) nêu quan điểm.
Ông cũng dẫn Điều 114 của Hiến pháp quy định UBND ở cấp chính quyền địa phương do HĐND cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước HĐND và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.
“Nay bỏ HĐND thì không thể gọi UBND là cơ quan nhà nước theo đúng nghĩa chính quyền địa phương. Lãnh đạo UBND phường lại do Chủ tịch UBND quận, thị xã quyết định để hợp thành một số chức danh của UBND thì mất ý nghĩa chế độ tập thể làm theo nguyên tắc đa số”, đại biểu Lê Thanh Vân nói.
Theo vị đại biểu này, điều quan trọng là cần làm rõ nguyên nhân vì sao hoạt động của HĐND phường không phát huy hiệu quả. Đó là do trao quyền nhưng không đảm bảo cho họ thực hiện, do cơ cấu đại biểu HĐND nặng về hình thức hay chính đại biểu chưa tương xứng và làm hết trọng trách nhân dân giao cho.
“Tôi rất ủng hộ chủ trương cải cách bộ máy, tinh giảm theo hướng tập trung vai trò cá nhân nhưng phải có kiểm soát mạnh mẽ. Do đó Quốc hội cần hết sức thận trọng khi xem xét việc không tổ chức HĐND” – ông Lê Thanh Vân đề nghị.
Bình luận