(VTC News)- Vác-xa-va (thủ đô của Ba Lan- một trong 8 thành phố được chọn để tổ chức Euro 2012) được kì vọng sẽ 'thay da đổi thịt' giống như hình mẫu Barcelona tại thế vận hội mùa hè 1992.
Vác-xa-va sẽ là Barcelona thứ hai...
Thuật ngữ 'hiệu ứng Barcelona' được các chuyên gia kinh tế ám chỉ những lợi ích lâu dài, mang tính chiến lược từ việc đăng cai một sự kiện thể thao lớn. Nó giống như chiếc cầu nối nước chủ nhà với thế giới bên ngoài.
Thế vận hội mùa hè 1992 tại Barcelona, người Tây Ban Nha đã chuẩn bị một đại kế hoạch xây dựng nhằm đáp ứng trang thiết bị, điều kiện thi đấu cho hàng nghìn vận động viên từ khắp nơi trên thế giới tụ hội về.
Chính phủ Vác-xa-va đầu tư 2,8% GDP cho Euro 2012. |
Hiệu quả truyền thông và du lịch góp phần biến thành phố trung tâm xứ Catalan trở thành 'cục nam châm' thu hút hàng triệu người hâm mộ. Kết quả là Barcelona đã giảm 44% số người thất nghiệp (từ 127 nghìn xuống 61 nghìn người) chỉ trong vòng 6 năm 1986-92. Chất lượng sống của người dân thành phố này tăng lên hạng 5 châu Âu.
Dĩ nhiên, Vác-xa-va rất hy vọng có thể thực hiện được điều tương tự giữa bối cảnh nền kinh tế thế giới suy thoái giống như cách đây hai thập kỷ. Lượng cổ động viên khổng lồ khoảng 700 nghìn người sẽ đổ về đất nước Đông Âu trong thời gian diễn ra Euro. Dự kiến, họ sẽ chi tiêu một khoản tiền lên tới 844 triệu zloty - tương đương 193 triệu euro.
Theo tính toán, lượng du khách nước ngoài hiện nay của Ba Lan vào khoảng 10 triệu người/năm. Con số ấy có thể tăng lên 13,6 triệu người vào năm 2013 và tiếp tục tăng thêm nửa triệu mỗi năm tới hết 2020.
"Điều tuyệt diệu nhất của việc đầu tư vào Euro 2012 không phải những sân bay, sân bóng bề thế, những con đường, nhà ga, tòa nhà khổng lồ. Đó là thương hiệu và dấu ấn Ba Lan trong lòng hàng triệu triệu người theo dõi giải đấu qua sóng truyền hình. Họ sẽ thấy Ba Lan chúng tôi không chỉ có thể thao", thủ tướng Donald Tusk tuyên bố chắc nịch.
Đây là quốc gia duy nhất trong 27 thành viên EU giữ nhịp tăng trưởng GDP hàng năm ở con số dương. |
Hay đi theo vết xe đổ Athens?
Năm 1997, Hy Lạp giành quyền đăng cai thế vận hội mùa hè 2004. Tiến độ xây dựng chậm và chi phí bạo tăng (tổng chi 13 tỷ euro) ngay lập tức ảnh hưởng tới nền kinh tế xứ sở các vị thần.
Quan trọng hơn, việc tái sử dụng những công trình phục vụ Olympic đều bị bỏ ngỏ. 21/22 công trình lớn xây dựng năm 2004 đều không hoặc ít được sử dụng sau khi Olympic kết thúc - một sự lãng phí vô cùng lớn.
Đáng chú ý, đó đều là những sân vận động, nhà thi đấu mới. Tuyệt nhiên không có sân bay hoặc hệ thống giao thông nào mới - những thứ có thể tận dụng trong nhiều năm sau. Tiêu tốn khoản tiền thuế khổng lồ chỉ trong vòng vài tuần mà không thu lợi tức thời, Hy Lạp đã phải trả giá.
Tháng 3 vừa qua, Athens phải tuyên bố vỡ nợ khi không có khả năng chỉ số nợ lên tới 300 tỷ euro.
Những khoản chi tiêu quá tay ở Olympic 2004 góp phần khiến kinh tế Hy Lạp suy thoái. Tháng 3/2012, nhiều nhà băng tuyên bố quốc gia này đã vỡ nợ. |
Vác-xa-va đầu tư gấp đôi số tiền chính phủ Athens đã chi cách đây 8 năm: 22,8 tỷ euro (90% là tiền thuế của dân). Đáng chú ý, sự kiện họ đăng cai không thể sánh bằng World Cup chứ chưa nói đến Olympic.
Mặc dù các nhà lãnh đạo cam kết chỉ có 4% số tiền trên được sử dụng vào 4 sân vận động tổ chức Euro, phần còn lại được đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hiện đại hóa đất nước, vẫn xuất hiện rất nhiều cuộc biểu tình nổ ra.
Ba Lan, quốc gia duy nhất trong EU giữ được nhịp tăng trưởng GPD hàng năm ở con số dương đã và đang dốc toàn lực cho 'vận hội lớn nhất trong 15 năm qua'. Chính nước chủ nhà cũng khẳng định đây là một cuộc đầu tư hay nói cách khác là 'đánh bạc' vào tương lai.
Liệu sự kiện này sẽ là đòn bẩy cho nền kinh tế năng động bậc nhất và lớn thứ 6 EU, hay sẽ đẩy quốc gia Đông Âu vào vòng xoáy suy thoái chung của thế giới?
Liệu sự kiện này sẽ là đòn bẩy cho nền kinh tế năng động bậc nhất và lớn thứ 6 EU, hay sẽ đẩy quốc gia Đông Âu vào vòng xoáy suy thoái chung của thế giới?
Phá Hoàng (còn tiếp)
Bình luận