Bầu Kiên bị bắt: Nhìn lại 11 tháng làm điên đảo bóng đá

Thể thaoThứ Ba, 21/08/2012 01:45:00 +07:00

(VTC News)- Cùng điểm qua những vụ việc gây xôn xao làng bóng Việt của ông bầu máu mặt Nguyễn Đức Kiên.

(VTC News)- Sự kiện bầu Kiên bị bắt giữ thực sự là một cú sốc với người hâm mộ bóng đá nước nhà. Bởi một năm trở lại đây, ông nổi lên như một trong những ông bầu bóng đá thẳng thắn, nhiệt huyết và giàu tính "chiến đấu" nhất làng bóng Việt. 
Bắt đầu từ hội nghị tổng kết mùa giải (8/9/2011) của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, ông bầu tóc bạc Nguyễn Đức Kiên trở thành gương mặt "ăn khách" trên các phương tiện thông tin truyền thông. Hãy cùng VTC News điểm lại những cột mốc chính tạo nên thương hiệu "bầu Kiên" in đậm trong lòng khán giả và người hâm mộ cả nước suốt 11 tháng qua. Cá biệt, có những sự kiện, ông đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam.

>> Xem toàn bộ thông tin bắt giam bầu Kiên
1. Cướp diễn đàn, "hạ gục" VFF
 
Bầu Kiên tham gia bóng đá từ nhiều năm trước, khi câu lạc bộ Hàng Không Việt Nam (tiền thân của Công An Hà Nội) đổi tên thành ACB Hà Nội rồi Hà Nội ACB trước khi chính thức có tên câu lạc bộ bóng đá Hà Nội. Tuy nhiên do bản tính kiệm lời, ông không nổi bật trong giới ông bầu bằng bầu Đức của Hoàng Anh Gia Lai hay bầu Thắng của gạch Đồng Tâm Long An.

Video bầu Kiên đi thẳng vào những "ung nhọt", căn bệnh trầm kha của bóng đá Việt.

Nhiều người đã vô cùng sửng sốt trước sự lên tiếng mạnh mẽ, thẳng thắn và đi thẳng vào những ung nhọt của bóng đá Việt từ bầu Kiên tại hội nghị tổng kết mùa giải 2011 của VFF. Bầu Kiên phê phán năng lực yếu kém của ban chấp hành VFF, không đồng ý với bản tổng kết mùa giải "thành công, tốt đẹp" đặc biệt là công tác trọng tài, đồng thời phản bác cực lực bản hợp đồng vô lý mà VFF đã kí với AVG với câu nói nổi tiếng: "Một nhiệm kì của VFF chỉ kéo dài 3-4 năm mà các anh lại kí hợp đồng độc quyền những 20 năm".

2. Hớt tay trên bầu Hiển vụ Công Vinh
Chuyện mới như ngày hôm qua. Công Vinh hồi đầu mùa vào phút chót đã tuyên bố mình không còn là người của Hà Nội T&T sau khi có một cuộc tiếp xúc với bầu Kiên.

Trước đó, Công Vinh đã nhận lời ở lại với đội bóng của bầu Hiển thêm 3 năm vì “tình cảm”. Bản thân bầu Hiển và chủ tịch CLB Nguyễn Quốc Hồi cũng đinh ninh điều này và xác nhận mối dây tình cảm mà Công Vinh buộc mình với đội bóng. Chỉ đến khi Công Vinh lật lời, phản kèo, mọi thứ mới té ngửa.

 Cú áp phe lịch sử trị giá 13 tỷ Công Vinh về câu lạc bộ bóng đá Hà Nội.

Sự việc gây xôn xao ở chỗ ngoài việc Công Vinh nuốt lời hứa với Hà Nội T&T, bầu Kiên cũng khiến người hâm mộ bị sốc. Sau khi tuyên bố hùng hồn việc các đội bóng phá giá, gây nhiễu thị trường chuyển nhượng, chính ông lại chi ra số tiền không nhỏ để "cướp" trên tay bầu Hiển (ông bầu Hà Nội T&T) chân sút số 1 Việt Nam.

3. Đi vào lịch sử bóng đá Việt: Thành lập VPF, Super League

Một ngày sau cuộc “mổ xẻ” nguyên nhân thất bại của đội U23 VN tại SEA Games 26, sáng 29/11, 25 cổ đông sáng lập công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam VPF (gồm VFF với tư cách cơ quan chủ quản, 14 CLB V-League và 10 CLB hạng Nhất Quốc gia) đã tham gia thảo luận và ký kết các thủ tục theo luật định để gửi Sở kế hoạch đầu tư Hà Nội xin cấp giấy phép hoạt động.

Ngày 14/12, VPF chính thức được thành lập với sự đứng đầu là chủ tịch hội đồng quản trị Võ Quốc Thắng, ba phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên, Đoàn Nguyên Đức, Lê Hùng Dũng. VPF được giao nhiệm vụ tổ chức và điều hành V-League 2012. Thực chất, quyền lực tối cao ở VPF vẫn một tay phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên, tức bầu Kiên nắm giữ. 

 Thời khắc lịch sử: VFF trao giải vô địch quốc gia về tay VPF.

Đây là sự kiện lịch sử của nền bóng đá nước nhà khi lần đầu tiên, giải vô địch quốc gia hai hạng đấu cao nhất không còn nằm trong tay VFF nữa. Nó thúc đẩy tiến trình xã hội hóa thể thao mà Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch định hướng.

VPF đối mặt với muôn vàn thách thức từ kinh nghiệm tổ chức yếu kém, nhân lực hạn chế. Điển hình là qua vụ đổi tên thất bại từ V-League sang Super League.

>> Xem toàn bộ thông tin bắt giam bầu Kiên

4. Đi đến thắng lợi cuối cùng vụ giành thương quyền truyền hình với VFF-AVG

Sau một thời gian dài ganh đua qua đường báo chí và cả công văn trực tiếp, tưởng chừng như có lúc lâm vào thế bế tắc không có lời giải, cuối cùng, kết cục cuộc chiến thương quyền lại diễn ra êm xuôi đến bất ngờ.

 VPF thành công trong việc giành lại thương quyền truyền hình từ tay AVG - chiến công lớn nhất của công ty tính từ thời điểm thành lập.

Ngày 20/4/2012, bầu Kiên và VPF đã đi đến thống nhất với ông Phạm Nhật Vũ - chủ tịch hội đồng quản trị AVG - về hợp đồng chuyển giao thương quyền bóng đá giữa LĐBĐ Việt Nam (VFF) và công ty An Viên (AVG). Theo đó, lãnh đạo AVG chịu nhượng lại toàn bộ thương quyền mà VPF không phải mất bất cứ khoản phí nào.

Người hâm mộ rất kỳ vọng vào những gì các ông bầu ở VPF hứa hẹn có thể mang về cho bóng đá Việt gấp đôi những gì AVG cam kết thông qua việc bán thường quyền truyền hình hai giải vô địch quốc gia.

Phá Hoàng
Bình luận
vtcnews.vn