VFF- "Máy kiếm tiền" hàng đầu Việt Nam

Thể thaoThứ Sáu, 16/09/2011 09:00:00 +07:00

(VTC News)- Với vai trò là Phó chủ tịch phụ trách tài chính, ông Lê Hùng Dũng đã biến VFF trở thành một trong những cỗ máy kiếm tiền hàng đầu Việt Nam.

(VTC News)- Với vai trò là Phó chủ tịch phụ trách tài chính của VFF, ông Lê Hùng Dũng đã giành được những thành tích đáng khen ngợi khi biến VFF trở thành một trong những cỗ máy kiếm tiền hàng đầu Việt Nam.

Cụ thể, với tư cách là chủ tịch hội đồng quản trị Eximbank, ông Dũng đã "mang" về cho VFF bản hợp đồng tài trợ kỉ lục 30 tỷ đồng/ năm.

Ông Lê Hùng Dũng nhận trách nhiệm về mình trong vấn đề quản lý tài chính (Ảnh: Hà Thành) 

Sau đấy, VFF bán tiếp bản quyền truyền hình trong vòng 20 năm của V-League cho Công ty nghe nhìn toàn cầu (AVG). Theo đó, để toàn quyền phát sóng giải vô địch quốc gia, AVG phải trả cho VFF 6 tỷ đồng/ năm, chưa kể tối thiểu 20% giá trị các hợp đồng quảng cáo truyền hình trong các trận đấu tại V-League kể từ mùa bóng 2011. Một nửa số tiền ấy, VFF trả cho các CLB, phần còn lại- ít nhất 3 tỷ đồng- dĩ nhiên chảy vào túi VFF.

Chưa dừng lại ở đây, mỗi CLB tham dự V-League phải nộp lệ phí thi đấu là 500 triệu đồng/ mùa (tăng 200 triệu so với mùa trước), các CLB ở hạng nhất là 200 triệu đồng. Làm một phép tính đơn giản- con số thu được là 9.8 tỷ đồng.

Ngoài ra, với tính bạo lực ngày càng cao, số lượng thẻ đỏ, thẻ vàng tăng vọt cũng mang đến nguồn thu đáng kể cho BTC giải.  Mùa vừa rồi V-League có 794 thẻ vàng, 63 thẻ đỏ; hạng nhất là 825 thẻ vàng, 54 thẻ đỏ, Cúp quốc gia thì ít hơn chỉ... 125 thẻ vàng và 8 thẻ đỏ. Tuy nhiên, khi nhân với mức giá 1 triệu đồng/ thẻ vàng, 3 triệu đồng/ thẻ đỏ (2 thẻ vàng/trận) và 5 triệu đồng/ thẻ đỏ trực tiếp thì cũng cho VFF hòm hòm gần... 2,5 tỷ đồng.

Ấy là còn chưa kể tới tiền phạt các BTC sân, các CLB và cầu thủ vi phạm là tầm 300 triệu đồng.

Tính sơ sơ, trong khoảng 9 tháng mùa giải diễn ra, theo sổ sách VFF thu được khoảng... 45,6 tỷ đồng. Giữa thời buổi kinh tế đất nước khó khăn như thế này, VFF xứng đáng là "máy kiếm tiền" hàng đầu Việt Nam.

Chỉ không rõ, bao nhiêu tiền trong đấy được dành cho công tác tổ chức giải, ĐTQG và trọng tài hay như thổ lộ chân tình của PCT Lê Hùng Dũng: "Tôi cũng quan liêu. Tôi chỉ duyệt kinh phí nói chung, còn phân bổ bao nhiêu, ra sao là do ông Tuấn, ông Khôi làm....Trọng tài nó ăn vào đâu, ăn vào đội bóng chứ đâu ? " (Xem clip hội nghị thượng đỉnh của bầu Kiên, bầu Đức, bầu Thắng)

"Thế này thì trọng tài nó ăn vào đâu" ?

* Bên lề sân cỏ:

Trong danh sách những trọng tài bị VFF "treo còi" có cái tên khá nổi: Đỗ Quốc Hoài. Nhưng không giống như Trần Công Trọng hay Nguyễn Văn Quyết dính "phốt" trên sân cỏ, TT Hoài bị loại với lí do "sai lầm có hệ thống và lối sống không lành mạnh".

Chủ tịch HĐTT Nguyễn Văn Mùi có nhắm mắt làm ngơ cho cấp dưới của mình làm loạn ? (Ảnh: Quang Minh) 

Nếu nhìn về 10 trận đấu mà TT Hoài bắt chính thì lỗi lớn nhất mà trọng tài này mắc phải là không phạt thẻ đỏ trung vệ Chí Công sau pha vào bóng cực kì thô bạo khiến tiền đạo Cantaro của Hà Nội ACB gãy chân và nghỉ thi đấu dài hạn. Hậu vệ B. Bình Dương sau đó nhận án phạt nguội từ VFF nhưng vẫn được triệu tập lên ĐTQG, còn TT Hoài vắng mặt từ ngày đó.

Như vậy, sai sót về nghiệp vụ mà TT Hoài mắc phải cũng không gây quá nhiều ảnh hưởng đến kết quả trận đấu giống như hai đồng nghiệp Công Trọng hay Văn Quyết. Vậy, lí do chính đáng mà VFF thi hành án phạt phải chăng là do "lối sống không lành mạnh" ?

Lật trở lại quá khứ, cuối năm 2010, VFF nhận được lá đơn tố cáo về việc TT Hoài có vay 130 triệu nhưng sau đó trốn tránh không chịu trả. Tìm hiểu sâu hơn thì biết vợ của TT Hoài là một chủ hụi nổi tiếng ở Hải Phòng, nhưng sau vài lần "bể hụi", gia đình đã lâm vào cảnh nợ nần và liên tiếp bị các chủ nợ "truy sát".

Với những tình tiết "nhạy cảm" ấy thì việc TT Hoài tiếp tục được phân công điều hành nhiều trận đấu tới vậy ở V-League (10 trận bắt chính, 10 trận làm trọng tài thứ tư) không khỏi gây ra những cảm giác gờn gợn cho người hâm mộ ?!

N.D

Bình luận
vtcnews.vn