VFF ! Đáng sợ thay... !

Thể thaoThứ Ba, 27/12/2011 01:00:00 +07:00

(VTC News) – “Thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ, kỳ nghiêm hồ” – VFF có ai biết câu này? Nói luôn, may ra có Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Trung.

(VTC News) – “Thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ, kỳ nghiêm hồ” – VFF có ai biết câu này? Nói luôn, may ra có Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Trung, hiện là Phó chủ tịch VFF.

1. Anh em đồng nghiệp làm phóng viên thể thao thường trêu đùa gọi tôi bằng cái biệt danh “Người Việt cổ”. Có lẽ tại tôi khi “trà dư tửu hậu” cùng anh em, thường lôi chuyện làng xã ra “chém” thi thoảng là cả chuyện chữ nghĩa hán nôm, kinh dịch, bói toán… Nhưng “chém” cũng chỉ là “chém gió” cho mát, cho vui.

Rồi một dạo, có đồng nghiệp nọ biết tôi Tết đến thường viết thư pháp liền gọi điện nhờ, mai mốt cho anh xin vài chữ đi tặng sếp. Tôi đùa hỏi, sếp ở đâu? Anh này ấp úng hồi lâu, cuối cùng cũng không giấu: Sếp trên Liên đoàn.

Nghe xong, tôi cười: ok!

Đúng hẹn, anh qua nhà tôi lấy chữ. Cầm bức thư pháp, anh ngó nghiêng mãi. Biết anh chả hiểu tôi viết gì, tôi nói luôn, đây là ba chữ: KỲ NGHIÊM HỒ. Và tất nhiên, đọc xong, anh bạn tôi vẫn chưa thể hiểu nổi.

Chuyện dài, tôi mượn lại bức thư pháp từ tay anh bạn, treo lên tường rồi đi pha một ấm trà mời anh ngồi thưởng, trước khi bắt đầu vén ý KỲ NGHIÊM HỒ.

Minh họa: Mục Đồng 

2.
Nhà văn Đỗ Chu từng có một tùy bút viết về ba chữ này. Đại thể tùy bút kể. Năm nhà văn ngoài 20 tuổi, trong một buổi chiều ngồi uống nước ở ngã tư Trần Hưng Đạo – Phố Huế, tình cờ được gặp một ông cụ chính là Nhà văn hóa, nhà nho Hoa Bằng. Sau đó, nhà văn Đỗ Chu và cụ Hoa Bằng cùng nhau xuôi về làng Láng.
Tới một cái cổng gạch thì có một người trạc bốn mươi tuổi, hớt hải gọi tên cụ Hoa Bằng, hàm ý ra đón cụ vào nhà thăm viếng người cha, đồng thời là bạn vong niên của cụ Hoa Bằng đã mất được 3 tháng.

Vào nhà, cụ Hoa Bằng thắp ba nén nhang, khấn vái vong linh người bạn qua cố. Xong xuôi, cụ cứ đứng, ngước nhìn bức hoành phi treo trên cao. Thấy thế, người đàn ông thưa: Lúc ông cháu còn sống thì cháu lại quên không hỏi xem ba chữ ấy là chữ gì, mấy người hàng xóm đến chơi đọc lõm bõm rồi đều lắc đầu, quái lạ, chữ nào cũng đọc được mà vẫn chẳng hiểu nổi nghĩa lý là ra thế nào. Hôm nay cụ qua chơi, xin phép cho cháu mang giấy bút ra rồi cụ giảng giải để cháu ghi lại.

Cụ Hoa Bằng vội xua tay, bảo ba chữ này đơn giản thôi, nói ra là hiểu, ghi làm gì cho mệt. Ba chữ ấy là KỲ NGHIÊM HỒ, tức đáng sợ lắm thay, đáng ngại lắm thay.

Tiếp đến muốn biết sợ cái gì, ngại cái gì thì cụ căn dặn phải nhớ đầy đủ một câu trong sách Đại học của thầy Tăng Tử: “Thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ, kỳ nghiêm hồ” (Mười mắt nhìn vào, mười tay chỉ vào, đáng sợ lắm đấy).

Cụ còn bảo, nếu mà nhà nhà từ thứ dân dến cán bộ cấp cao của ta, đâu cũng để mấy chữ này thì xã hội sẽ nề nếp ngay ngắn hơn nhiều. Cụ nói: “Người xưa chọn ba chữ KỲ NGHIÊM HỒ là muốn dặn dò con cháu lâu dài, phải ngày ngày cố gắng tu thân, phải nhớ sống ở đời cần biết giữ gìn phẩm hạnh. Phải biết sợ dư luận, phải biết xấu hổ, biết nể trọng xung quanh.

Làm người cái cốt yếu là cần tự trọng, thiên hạ người ta luôn nhìn, luôn chỉ vào mình, ngại lắm. Đến quả bầu quả mướp bị người ta chỉ chỏ bàn tán còn thui chột rơi rụng, huống chi là con người. Với người cả đời quanh quẩn trong xóm ấp thì thiên hạ chỉ to bằng cái nón, nhưng với những ông nọ bà kia thì thiên hạ đã to bằng cái đình, mà với các bậc vua chúa đế vương thì thiên hạ là cả thế gian, lúc ấy không phải chỉ có mười mắt, mười tay chỉ vào, nhìn vào nữa.

Các anh chị bây giờ muốn sống thế nào là tùy, riêng tôi lúc nào cũng nhớ "KỲ NGHIÊM HỒ". Hoặc cũng có thể viết là "CHỈ THỊ KỲ NGHIÊM" vậy”.

3. Chuyện tôi kể về anh bạn được tôi viết cho ba chữ KỲ NGHIÊM HỒ đi tặng sếp trên Liên đoàn cách đây đã được 1 năm. Mãi sau này tôi mới biết, cầm bức thư pháp về nhà, anh bạn chẳng dám mang đi tặng nữa.

Hôm rồi, nghe đủ chuyện về cung cách làm việc của VFF, nhớ đến ba chữ KỲ NGHIÊM HỒ còn nằm khư khư đâu đó trong nhà bạn, tôi bốc máy nói với anh ấy: Ê, Tết này mang đi tặng sếp đi, nó đúng là ba chữ “Đáng sợ thay” nhưng chắc gì người ta đã biết sợ!

Người Việt cổ

Bình luận
vtcnews.vn