• Zalo

Thép Việt Ý lên tiếng sau sự cố cổ phiếu bị cảnh báo

Kinh tế Thứ Hai, 18/03/2019 15:41:00 +07:00Google News

Thép Việt Ý lỗ 326,2 tỷ đồng trong năm 2018, nên theo quy định, cổ phiếu VIS sẽ bị đưa vào diện cảnh báo.

Nội dung trên có trong văn bản giải trình vừa được Công ty cổ phần Thép Việt Ý (Thép Việt Ý, mã chứng khoán VIS) gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE).

Theo VIS, ngày 14/3, doanh nghiệp nhận được công văn của HoSE về việc đưa cổ phiếu VIS vào diện cảnh báo từ 18/3. HoSE cũng yêu cầu VIS giải trình nguyên nhân và phương án khắc phục tình trạng trên.

A1

Biến động giá cổ phiếu VIS trong 30 ngày gần nhất. (Ảnh: VnDirect) 

Việc cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát, theo VIS, do doanh nghiệp lỗ hơn 326 tỷ đồng trong 2018.

Để khắc phục tình trạng bị cảnh báo, Thép Việt Ý cho hay doanh nghiệp sẽ cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, tiết giảm chi phí, đẩy mạnh sản xuất và bán những chủng loại sản phẩm có ưu thế, giá trị cao.

Đồng thời, doanh nghiệp nghiên cứu cải tiến dây chuyền máy móc thiết bị hiện có, đầu tư mới một số thiết bị nhằm đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm và tăng năng suất lao động.

VIS cũng sẽ tính toán chi tiết dòng tiền phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng vòng quay vốn nhằm mục tiêu tiết giảm đến mức thấp nhất các khoản chi phí tài chính.

Cuối cùng, doanh nghiệp dành ưu tiên thiết lập quan hệ với các tổ chức tín dụng có uy tín, có tiềm lực tài chính để thực hiện giao dịch vay vốn với lãi suất hợp lý phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

Báo cáo tài chính cho thấy năm 2018, VIS lỗ 326 tỷ đồng – số lỗ lớn nhất từ trước đến nay, trong đó riêng quý 4 lỗ trên 195 tỷ đồng.

Trong khi đó, năm 2017 VIS vẫn lãi sau thuế trên 43 tỷ đồng. Doanh thu cả năm 2018 vẫn đạt 5.229 tỷ đồng, giảm 14,3% so với năm 2017.

Năm 2019, Thép Việt Ý dự kiến lỗ tiếp khoảng 92,54 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, mã VIS đang giao dịch mức 24.500 đồng/cổ phiếu, giảm 2%.

Theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), 2019 sẽ là năm thách thức cho ngành thép toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Thị trường thép toàn cầu 2 tháng đầu 2019 ảm đạm với nhu cầu sử dụng thép của một số ngành suy yếu.

Nhà sản xuất thép cây lớn nhất Nhật Bản Kyoei Steel (đơn vị đã nắm gần 74% vốn điều lệ VIS) mới đây tuyên bố sẽ tăng giá thép thanh thêm 2.000 Yên/tấn (tương đương 18 USD/tấn) cho các hợp đồng tháng 3 do chi phí đầu vào cao hơn.

Hoà Bình
Bình luận
vtcnews.vn