Mặc dù đã xác định trên hồ Đồng Mô có cá thể rùa Hoàn Kiếm, nhưng cụ thể có bao nhiêu cá thể thì chỉ còn cách tổ chức bẫy, bắt. Vì hồ rất rộng, xấp xỉ 1.400 ha, nên các nhân viên của Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP) phải chia hồ ra từng phân khu để tiến hành các biện pháp đánh bẫy.
Hy vọng mới
“Bẫy, bắt để xác định khu vực đó có bao nhiêu cá thể đang tồn tại, bao nhiêu cá thể là đực, bao nhiêu cá thể cái, rồi còn gắn chip vệ tinh theo dõi, để biết được tập tính di chuyển, phục vụ công tác ghép đôi sinh sản sau này”, anh Nguyễn Tài Thắng, quản lý dự án bảo tồn rùa Hoàn Kiếm của ATP nói.
Từ tháng 6/2020, nhóm của ATP đã tiến hành bẫy rùa mai mềm cỡ lớn ở hồ Đồng Mô và đến tháng 10/2020 thì bắt được một cá thể. Tuy nhiên, vẫn chưa thể khẳng định được cá thể này có phải là cá thể xổng ra khỏi hồ hồi tháng 11/2008 hay là một cá thể khác. Người ta dùng phương pháp siêu âm buồng trứng và xác định cá thể bắt được tháng 10/2020 là con cái và còn khá non. Xét nghiệm gien, các chuyên gia khẳng định 100% đây là loài Rafetus Swinhoei, tức rùa Hoàn Kiếm.
Tôi hỏi: Cá thể tháng 11/2008 là con cái hay đực? Anh Thắng cho hay: Ở thời điểm đó, công nghệ còn hạn chế, trong khi con rùa đã bị bắt lên khỏi hồ 1 ngày (tức là cần phải thả sớm lại hồ). “Chúng tôi có chụp phần đuôi, lỗ hậu môn. Nhiều người, trong đó có các nhà khoa học, cho rằng đó là cá thể đực. Nhưng chỉ dựa vào mặt hình thái thì không thể khẳng định 100% được. Đến cá thể năm 2020 thì khẳng định đó là cá thể cái có trọng lượng 86kg”, anh Thắng nói. Con rùa bắt được hồi tháng 11/2008 nặng 68 kg.
Đến đây, rõ ràng chúng ta mới chỉ khẳng định được một điều: Hồ Đồng Mô có “ít nhất” một cá thể rùa Hoàn Kiếm và đó là cá thể cái.
Nhưng sau đó, bằng các phương pháp hiện đại, các nhà nghiên cứu đi đến kết luận trên hồ Đồng Mô “ngoài những cá thể đã bắt được, còn một số cá thể khác có đặc điểm hình thái giống hệt”. “Tuy nhiên, vì chưa bắt được nên chúng tôi cẩn trọng, chưa công bố”, anh Thắng nói.
Rùa nổi trên hồ Đồng Mô
Các nhân viên của ATP đã chụp được những hình ảnh hai cá thể rùa mai mềm có đặc điểm giống nhau trên cùng một bức ảnh. Các cá thể này có kích thước khác nhau. Có cá thể nặng khoảng 150 kg (chưa được công bố), cá thể khác nặng khoảng 40 kg, hoa văn rất giống nhau. Tuy nhiên, để xác định chúng có chính xác là loài Rafetus Swinhoei hay không, có bao nhiêu cá thể tất cả, thì cần phải có thời gian bắt bẫy, xét nghiệm và nhiều biện pháp khác.
Bẫy rùa ở Đồng Mô
Cái khó đối với các cán bộ làm công tác bảo tồn là thực hiện các biện pháp bẫy, bắt rùa phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho chúng, trong khi đó phải tổ chức thực hiện ở một vùng hồ rộng tới 1.400 ha.
Nhóm của ATP phải sử dụng đồng thời 3 phương pháp: lưới vét, bẫy nước sâu và lưới 3 lớp. Tuy nhiên, hồ quá rộng, trong khi nhóm đã xác định được các cá thể ở những khu vực nào, do vậy ban đầu nhóm dùng lưới chắn phân thành những khu vực nhỏ hơn, dựa vào thế hồ, thế đảo.
Nhóm thường quây thành các khu vực rộng 40 - 50 ha rồi thu hẹp dần, khi quan sát thấy cá thể rùa trong vùng lưới quây mới bắt đầu sử dụng đến 3 phương pháp lưới vét, bẫy nước sâu và lưới 3 lớp. “Như cá thể bé này, quây từ tháng 6 đến tháng 10 mới bắt được”, anh Thắng chỉ vào tấm ảnh chụp một cá thể rùa mai mềm. Tuy nhiên, thực hiện hết tháng 12, nhóm không bắt thêm được con nào.
Bẫy rùa phục vụ công tác bảo tồn và nghiên cứu trên hồ Đồng Mô
Có thời điểm, nhóm đã “nhốt” được cá thể rùa to vào một khu vực chỉ rộng mấy trăm mét vuông, nhưng “nó cứ nằm ì trong đó không chịu nổi”. “Hoặc cũng có lúc nó ló đầu lên, nhưng chúng tôi vẫn không bắt được, vì nước thời điểm đó sâu tới 12,6 m”, anh Thắng kể. “Sống đến tuổi này, chúng rất khôn, rất khó bắt được”.
Đội “săn” rùa của ATP đã phải dùng đến những tấm lưới dài hàng cây số, nặng vài tấn. Kết hợp với thiết bị là kinh nghiệm gần 20 năm theo dõi, ghi nhận ở Đồng Mô, biết được rùa mai mềm khổng lồ hay nổi ở khu vực nào, hay lui tới khu vực nào.
Trong tương lai, các hoạt động của dự án bảo tồn rùa Hoàn Kiếm do nhóm của ATP sẽ tiếp tục tập trung vào các hướng: duy trì việc nghiên cứu, bảo tồn các cá thể đã phát hiện, ví dụ như ở hồ Xuân Khanh, hồ Đồng Mô. Thứ hai là tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm, xác định cá thể mới ở khu vực đó và các khu vực khác. Thứ ba là phối hợp với các cơ quan chức năng, cụ thể là UBND TP Hà Nội, Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản Hà Nội, Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) tiến hành nghiên cứu bảo tồn ở khu vực Đồng Mô - Suối Hai - Xuân Khanh, xúc tiến các bước đi để xây dựng khu bảo tồn loài Rafetus Swinhoei ở khu vực hồ Đồng Mô.
Về sự kiện công bố kết quả xét nghiệm gen để khẳng định cá thể rùa cái được bẫy bắt vào tháng 10/2020 chắc chắn là loài rùa Hoàn Kiếm, ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội nói sở xác định khôi phục và bảo tồn loài rùa mai mềm nguy cấp quý hiếm này là nhiệm vụ rất quan trọng, cần phải thực hiện hiệu quả.
"Sở NN&PTNT đã tham mưu với UBND thành phố để ban hành các văn bản chỉ đạo và phối hợp với các tổ chức quốc tế bước đầu thực hiện kế hoạch bảo tồn và phát triển các cá thể giải Sin-hoe. Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Thủy sản tiếp tục thực hiện Kế hoạch 200 của UBND TP Hà Nội để khôi phục và bảo tồn loài rùa mai mềm nguy cấp quý hiếm trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới”, ông Đăng phát biểu ngày 18/12/2020.
Ông Andrew Walde, Giám đốc điều hành Tổ chức Turtle Survival Alliance (TSA) cho rằng đây là tin tốt nhất đối với hoạt động bảo tồn rùa toàn thế giới trong năm 2020, và thực sự là cơ hội cho nỗ lực bảo tồn rùa một thập kỷ qua. "Việc khẳng định mẫu của cá thể rùa này là cái giúp chúng ta có lý do để chúc mừng tất cả các cá nhân và tập thể đã cố gắng không mệt mỏi giúp duy trì sự sống còn của loài rùa này”, ông Walde nói.
>Theo dấu ‘thuồng luồng’: Đi tìm loài giải quý hiếm
>Theo dấu ‘thuồng luồng’: Bí ẩn đầm Ao Châu
>Theo dấu ‘thuồng luồng’: Ký ức của thợ săn giải khổng lồ
>Theo dấu ‘thuồng luồng’: Những chuyện chưa kể về loài rùa ‘mỗi nơi gọi mỗi kiểu’
Nội dung: NGUYỄN XUÂN THỦY
Thiết kế mỹ thuật: HUY MẠNH
Bình luận