• Zalo

Theo dấu chân Người: Ghi lại hành trình 30 năm Bác Hồ bôn ba ở nước ngoài

Tin nhanh 24hThứ Năm, 29/08/2024 20:30:38 +07:00Google News
(VTC News) -

Tác phẩm “Theo dấu chân Người” là cuốn sách gần 600 trang, ghi lại hành trình 30 năm Bác Hồ hoạt động ở nước ngoài.

Ngày 29/8, tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, Giáo sư, Tiến sĩ, nhà văn Trình Quang Phú đã có buổi giới thiệu tác phẩm “Theo dấu chân Người”. 

Tác phẩm “Theo dấu chân Người” là cuốn sách gần 600 trang, ghi lại hành trình 30 năm Bác Hồ hoạt động ở nước ngoài. Từ khi rời bến Nhà Rồng ngày 5/6/1911, Bác đã trải qua hành trình bôn ba qua năm châu bốn bể, tìm hiểu các phong trào đấu tranh cách mạng ở nhiều quốc gia như Pháp, Mỹ, Anh, Liên Xô, Trung Quốc... và trở về Pác Bó (Cao Bằng) vào ngày 28/1/1941 để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Tác phẩm "Theo dấu chân Người" của GS.TS, Nhà văn Trình Quang Phú.

Tác phẩm "Theo dấu chân Người" của GS.TS, Nhà văn Trình Quang Phú. 

Theo ông Trình Quang Phú, cách đây 28 năm (năm 1996) khi xuất bản tác phẩm “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng”, ông đã mang đến tặng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và được sự gợi ý của cố Thủ tướng về cuốn sách hành trình 30 năm Bác Hồ tìm đường cứu nước. Từ đó, ông bắt đầu tìm tòi, sưu tập tư liệu, đi đến những nơi Bác Hồ từng đến để thu thập tư liệu.

Suốt một phần tư thế kỷ, ông Trình Quang Phú đã đi đến những nơi Bác Hồ từng ở là Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Liên Xô ngày trước và nước Nga ngày nay, Trung Quốc...

GS.TS, Nhà văn Trình Quang Phú giao lưu cùng khách mời.

GS.TS, Nhà văn Trình Quang Phú giao lưu cùng khách mời.

Những nước như Pháp, Nga, ông đến hàng chục lần để sưu tập, ghi chép, đối chiếu rồi viết những câu chuyện dưới góc nhìn mới, truyền tải sinh động về cuộc sống, sự nghiệp của Bác khi Người ở nước ngoài. Điều xúc động và thôi thúc ông là cả thế giới dù thể chế chính trị nào cũng đều tôn trọng, dành sự trân quý với Bác, họ tự hào khi đất nước họ in dấu chân Người...

Bằng bút pháp truyện ký, tác giả dẫn dắt người đọc vào các câu chuyện về Bác thật sinh động mà nhẹ nhàng, sâu lắng, dễ cảm thụ, dễ nhớ. Qua đó, góp phần giáo dục thế hệ trẻ cùng toàn thể người dân sống, học tập, lao động theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM.

Ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM.

Phát biểu tại toạ đàm, ông Nguyễn Ngọc Hồi, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đánh giá cao sự kiên trì của GS.TS, Nhà văn Trình Quang Phú trong việc đi đến những nơi mà Bác Hồ đã từng đặt chân, tìm kiếm nhiều tư liệu quý, bao gồm cả những bức ảnh chưa từng được công bố.

Một kỷ niệm đáng nhớ mà ông Hồi chia sẻ là tác giả đã đến Siberia vào tháng 11 mùa đông, nơi nhiệt độ xuống dưới 0 độ C, với mong muốn cảm nhận thời tiết khắc nghiệt và hiểu thêm về cuộc sống của Bác Hồ trong hoàn cảnh đó.

Ông Hồi cũng cho biết, tác phẩm này sẽ được bổ sung vào kho tư liệu của Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh mà TP.HCM đang xây dựng. Đồng thời, các đơn vị, địa phương có thể bổ sung tác phẩm vào kho sách, tài liệu của Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh tại đơn vị mình, nhằm lan tỏa những câu chuyện về Bác Hồ.

Bình luận
vtcnews.vn