• Zalo

Băng rừng, theo chân người Chill săn nòng nọc giữa đại ngàn Tây Nguyên

Thời sựChủ Nhật, 23/07/2017 16:45:00 +07:00Google News

Đầu mùa mưa cũng là thời điểm người dân Tây Nguyên bắt đầu đi dọc theo những con suối săn nòng nọc để chế biến món ăn đặc sản của người bản địa.

Theo chân thợ săn vào rừng

Vào những ngày mưa ở Tây Nguyên, nhóm chúng tôi được anh Cill K’ Sét (người dân tộc Chill, trú huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) dẫn vào rừng săn nòng nọc.

Chúng tôi được anh Cill K’Sét mách nhỏ: "Ở đây sau những cơn mưa, nước sẽ đọng lại tạo nhiều vũng sình nên nòng nọc sẽ xuất hiện rất nhiều. Tý nữa, chúng ta vào rừng dọc theo các con suối nhỏ sẽ thấy những con nòng nọc to bằng cả ngón tay".

Sau cuộc trò chuyện cùng chóe rượu cần gần đến sáng. Khi tiếng gà giữa buôn làng bắt đầu cất tiếng gáy, cũng là lúc anh Cill K’ Sét và những người bạn khác cùng tôi chuẩn bị chuyến hành trình săn nòng nọc.

1 (1)

Hành trình đi săn nòng nọc của anh Cill K’ Sét. 

Dụng cụ mà nhóm mang theo rất đơn giản, gồm một cái cuốc, 2 chiếc xà gạc, một cái nơ để bắt nòng nọc và đồ đựng. Khoảng 4 giờ sáng, nhóm gồm 5 người bắt đầu cưỡi trên lưng những con “ngựa sắt”, chạy dọc theo quốc lộ. Đến điểm cách buôn làng gần chục km, cả nhóm bắt đầu rẽ vào đường mòn, luồn sâu vào cánh rừng thông bạt ngàn. Đến khu rừng già, anh Cill K’ Sét ra hiệu cho cả nhóm tấp xe vào bìa rừng.

Bỏ những chiếc xe máy lại bìa rừng, anh Cill K’ Sét hướng dẫn cả nhóm đi bộ về hướng có con suối nhỏ, bắt đầu hành trình săn nòng nọc.

Theo anh Cill K’ Sét, vào mùa mưa, ngoài đi bắt nòng nọc, con suối này còm là nơi cung cấp thưc phẩm tươi sống như ếch, cá... cho người dân địa phương.

Video: Kỳ thú theo chân người dân Tây Nguyên săn nòng nọc

Hơn 30 phút vượt rừng, trước mắt chúng tôi là con suối nhỏ, nước trong vắt, có đoạn nhiều ghềnh đá, có đoạn nước chảy rất êm.

Anh Cill K’ Sét  cho biết, tại vị trí nước êm, có thể bắt được nòng nọc suối, to bằng ngón tay trỏ, đây là loaị khó kiếm nhất. Trong chuyến săn lần này, chúng tôi bắt đầu tìm nòng nọc ở các vũng nước đọng giữa rừng. Đang mải mê nghe anh Sét nói thì một người trong nhóm ra hiệu đã phát hiện vũng nước có nòng nọc.

Vũng nước lớn, có đến hàng nghìn con nòng nọc đang bơi qua lại và hầu như là loài nòng nọc nhỏ, chúng có màu đen sẫm.

Theo người Chill, để bắt được nòng nọc đòi hỏi người phải có kinh nghiệm. Vì khi dùng nơ để xúc nếu không có kinh nghiệm sẽ làm nòng nọc lẩn trốn dưới bùn và làm màu nước thay đổi.

"Để đi bắt nòng nọc nhiều thì phải xác minh khu rừng nào có nhiều vũng nước, ít người đi bắt. Khi bắt nòng nọc, người bắt phải dùng cuốc đào rãnh nước cho nước chảy và dùng cái nơm hứng sẵn, lúc này, nòng nọc sẽ theo dòng chạy bơi xuống và nằm gọn trong nơm", anh Cill K’ Sét chia sẻ.

2 (1) 5

Người trong nhóm phát hiện vũng nước có hàng nghìn con nòng nọc.

Sau khi đào rãnh và nước chảy cạn dần, anh Cill K’ Sét bắt đầu dùng tay bắt những con nòng nọc rồi bỏ vào đồ đựng. Chưa đầy 30 phút, cả nhóm bắt được khoảng 2 tô lớn nòng nọc.

Sau khi bắt vũng nước đầu tiên, Cill K’ Sét quyết định tìm đến khu vực dòng suối, do thời điểm này, các vũng nước xung quanh có nòng nọc nhưng đa phần là nhỏ. 

Khi đến khu vực suối, anh Cill K’ Sét cầm theo cái nơ để xúc nòng nọc, xúc theo hướng ngược theo dòng chảy. Theo kinh nghiệm của anh, đa phần nòng nọc lớn phát triển ở dòng nước chảy.

Tuy nhiên, anh cũng khó đoán được vị trí vì hầu như nòng nọc xuất hiện ở điểm khu vực có nước bùn lầy, bụi rậm... Đặc biệt, việc xúc tìm nòng nọc ngược theo dòng chảy là để khấy động cho nước đục ngầu, lúc này, cá, tôm, cua và cả nòng nọc sẽ chui từ khe đá, bụi rậm.

11 3

Động tác cầm nớ để bắt nòng nọc dưới suối của người Chill

Hơn 1 giờ đi bắt, với những kỹ năng của mình, anh Cill K’ Sét cũng các thành viên đã bắt được khoảng 1,5kg nòng nọc lớn nhỏ và nhiều cá, tôm, cua, ếch...

Một thành viên trong nhóm cho biết, số lượng nòng nọc bắt như thế là đã đủ và cả đoàn bắt đầu quay về nhà.

Về đến nhà, anh Cill K’ Sét dùng chén để đong nòng nọc chia điều cho mọi người. Nòng nọc bắt được sẽ không bán mà chỉ để chế biến món ăn cho gia đình hoặc để mời khách. 

Ngoài việc bắt nòng nọc tại các con suối, vũng nước trong rừng, người dân vùng cao Tây Nguyên thường ra đồng ruộng săn tìm. Tại các tuyến đường liên xã ở các huyện Đạ Tẻh, Đạ Huoai (Lâm Đồng), hình ảnh người dân đang cặm cụi dưới ruộng xúc nòng nọc không hiếm gặp.

Món ăn độc đáo của người Tây Nguyên

Người Chill, K’ Ho hoặc Mạ sinh sống tại Lâm Đồng đa phần thường rất thích món ăn chế biến từ nòng nọc. Vì vậy, khi đi bắt được nòng nọc từ suối, ao, ruộng.... họ thường mổ bụng và làm sạch. Sau đó, cho nòng nọc vào ngâm vài phút cùng với muối và rửa sạch để ráo nước rồi chế biến thành nhiều món khác nhau như nấu canh với rau rừng.

Điều đặc biệt, người Chill, K’ Ho hoặc Mạ xem món ăn chế biến từ nòng nọc là đặc sản và dùng để mời các vị khách quý khi đến nhà.

8

Nòng nọc su khi bắt về được chia đều cho người đi cùng. 

Theo anh Cill K’ Sét, khi chế biến các loại nòng nọc nhỏ thì không nên mổ bụng, chỉ cần ngâm với muối để rửa sạch, ráo nước thì chế biến tùy món mình thích. 

Món ăn từ con nòng nọc mà nhiều người dân bản địa tại Lâm Đồng thích ăn nhất là nòng nọc ướp với sả, ớt rồi xào, nướng. Món này rất ngọt, giòn, béo và thơm ngậy. Và theo đa số người dân bản địa ở vùng cao, các món ăn từ thịt gà, vịt, cá biển, thịt heo, thịt bò, thịt trâu đều không ngon bằng nòng nọc.

“Đối với tôi, các món nòng nọc quen thuộc từ nhỏ, thậm chí không nhớ nổi đã ăn nó từ bao giờ. Tuy nhiên, tôi được cha ông kể lại, món này đã có từ rất lâu, ăn rất bổ và không bị ngộ độc. Nó là món "siêu" sạch vì nòng nọc ở vùng cao không lo bị ảnh hưởng bởi thuốc bảo vệ thực vật”.

Thanh Hải
Bình luận
vtcnews.vn