Đây cũng là một thói quen từ nhiều năm qua của gia đình chị H'Nghec KTLa (trú huyện Ea Súp). Theo chân gia đình chị H'Nghec KTLa vào rừng Quốc gia Yok Đôn, huyện Ea Sup, tôi được chứng kiến khung cảnh nhộn nhịp đi "săn" nấm của người dân.
Chị H'Nghec KTLa chia sẻ: “Từ lúc còn nhỏ, tôi đã theo cha mẹ vào rừng tìm nấm về làm món ăn cho gia đình. Nấm thường mọc vào đầu mùa mưa và chỉ có trong 2,3 tháng nên mọi người ở đây đua nhau đi hái”.
Theo người dân, nấm thường mọc dưới tâm cây, dưới đất, có lúc bị lấp bởi những lá cây nên phải tìm và nhìn thật kĩ mới thấy. Đôi khi cùng một cánh rừng nhưng chỉ có một khu có nấm nên số lượng nấm hái được không phải lúc nào cũng được nhiều.
Đặc biệt, nấm chỉ mọc rộ ở một thời điểm nhất định nên việc "săn" nấm ngày càng khó khăn. Một số người dân ở đây cho hay, hái nấm cũng phải đúng cách, khi hái phải cầm thân nấm lắc nhẹ hoặc xoay cẩn thận nhẹ nhàng nếu không nấm sẽ bị vỡ.
Theo kinh nghiệm của chị H’ Nghec KTLa, một điều rất thú vị khi hái nấm đó là không được ngồi hái mà chỉ được cúi xuống hái, nếu ngồi xuống hái thì nấm sẽ không mọc nữa. Khi nấm đang nhú lên nếu có hơi người hoặc có người nhìn thấy, sờ vào thì nấm sẽ mọc chậm lại.
Dân chuyên đi hái nấm vẫn nhắc nhở nhau khi hái phải để lại rễ để nấm tiếp tục mọc vào ngày hôm sau, nếu không rất dễ nhầm với các loại nấm độc khác.
Sau 1 giờ theo chân mọi người, chúng tôi thu được khoảng 3kg nấm với nhiều màu sắc khác nhau.
Chị H’Nghec chia sẻ thêm: “Những loại nấm này chỉ có người dân bản địa mới có thể nhận biết được loại nấm nào có thể ăn được và không ăn được. Chỉ cần không rành các loại nấm mà hái nhầm nấm độc thì rất nguy hiểm”.
Không chỉ "săn" nấm về để chế biến thức ăn, một số người còn hái được nhiều loại nấm quý như linh chi để bán với giá thành rất cao.
Nhiều người dân bản địa cho hay, nấm không chỉ có giá trị về kinh tế cao, là bài thuốc đông y, mà nó còn có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon.
Trước khi chế biến, nấm được trần qua nước sôi và chế biến thành những món ăn đơn giản nhưng đầy bổ dưỡng.
Cơn mưa rào đang phảng phất cùng hơi gió se se lạnh cũng là dấu hiệu cho mùa đi hái nấm. Rủ nhau đi hái nấm, cùng nhau đi nhận món quà của thiên nhiên ban tặng là lời nói trìu mến của người dân bản địa nơi đây, mảnh đất Ea Sup đất sỏi khô cằn.
Bình luận