>> Lật tẩy chiêu thức dùng sổ đỏ giả để lừa đảo |
Một trong những cách phổ biến nhất để hack nick của người khác là gửi một đường link lạ, rồi yêu cầu đăng nhập bằng tài khoản yahoo. Chị Huệ Chi, phóng viên một tờ báo ở Hà Nội chia sẻ về việc bị hack nick của mình, trong một lần chat với một người bạn, chị không ngờ nick của người bạn này đã bị hack, nên không ngần ngại làm theo các chỉ dẫn từ nick này.
“Do thấy người dùng nick đã hack biết khá nhiều thông tin về những người bạn chung (vì trong nick hack có nhiều nick chat là bạn bè chung) nên tôi không mấy nghi ngờ người dùng không phải là người bạn của tôi”, chị Chi cho biết.
Sau khi tạo được sự tin tưởng của đối phương, người bạn của chị Chi liền hớn hở khoe là có bộ ảnh gia đình mới chụp rất đẹp. Sau đó gửi 1 đường link rất lạ cho chị Chi. Khi kích vào, thì đường link không hiển thị thông tin gì, mà bắt người xem phải đăng nhập nickname và password vào.
Đăng nhập xong thì chị Chi mới phát hiện ra nick của mình đã bị hack. Giống như chị Chi, rất nhiều người dùng Yahoo khác cũng bị hack bằng cách này.
Trên diễn đàn Voz, nickname thuhuongsan chia sẻ: “Bạn em (thực chất là hacker) bảo đang down tài liệu nhưng đã down quá số lượng giới hạn 5 file/ngày rồi nên muốn mượn yahoo của e để down.
“Bạn thân quen ai tính toán làm gì. Em cho mượn luôn và khi đăng nhập lại thì không được nữa”, nickname này chia sẻ.
Nhiều "con mồi" đã bị sập bẫy vì thế giới ảo. (Ảnh mang tính chất minh họa) |
Một thành viên có nickname Khoai…cho biết, cách đây vài hôm, Khoai…chat với 1 cô bạn thân, với lý do mail bị lỗi, không vào được, cô bạn này nhờ mượn mail của Khoai…để gửi gấp một tài liệu quan trọng cho đối tác.
“Thấy cô bạn nài nỉ và hứa là gửi xong mail sẽ thoát ngay, nên tôi đồng ý cho cô ấy mượn mail của mình. Ai ngờ, khi vừa cung cấp thông tin xong, thì cũng là lúc tôi bị mất luôn nick yahoo”, thành viên Khoai…chia sẻ.
Thời gian gần đây, những kẻ lừa đảo còn thực hiện thêm một số chiêu trò như gửi đường link có chứa mã độc đến Yahoo của người dùng, cùng với đó là những thông điệp nghe rất hấp dẫn hoặc những cảnh báo về nguy cơ an toàn khi sử dụng dịch vụ của Yahoo.
Ngay khi người dùng click vào đường link, mã độc sẽ nhanh chóng được phát tán, và người dùng sẽ bị hack mất nick Yahoo.
“Con mồi” sập bẫy
Sau khi đã hack được nick, hacker sẽ dùng nick của người quen chat và dùng các chiêu để lừa tiền các đối tượng.
Chị Yến (Ba Đình, Hà Nội) đã mất đến 3 thẻ cào điện thoại mạng Mobifone, mỗi thẻ 100.000 đồng cho "người quen" mà không thấy hồi âm.
"Ban đầu, thấy nick của một người bạn nhảy vào cửa sổ chat, tôi vui vẻ trả lời. Sau khi hỏi han những thông tin thông thường như: Khỏe không, dạo này thế nào, có gì mới không,..nick chat kia bắt đầu cung cấp thông tin quan trọng”, chị Yến cho biết.
Tiếp đó, người bạn chat khoe mạng Mobiphone đang có chương trình tri ân đối với những nhân viên làm việc lâu năm của mình. Theo đó, mỗi người sẽ được 10 mã số ưu tiên, tức là nạp 300.000 đồng, được 3 triệu đồng, số tiền này có thể được bắn cho tất cả các mạng. Vì vậy, dù chị Yến đang dùng mạng Viettel nhưng vẫn có thể sử dụng mã số ưu tiên này.
Không mảy may nghi ngờ, chị Yến liền đi mua 3 card điện thoại của mobiphone và thông báo số serie cho người bạn chat.
"Ngay sau đó, nick của người bạn tôi out luôn và không thấy trả lời gì nữa. Tôi chờ mãi không thấy tiền về tài khoản của máy mình, gọi điện cho chị bạn kia mới biết là nick của chị đã bị hack”, chị Yến cho biết.
Một chiêu lừa tương tự nữa nhưng số tiền cao hơn, là các hacker giả vờ làm bạn bè quen thân, sau đó nhờ đi mua thẻ điện thoại với mệnh giá cao do đang có việc gấp hoặc đang ở xa, không có chỗ mua thẻ.
Chị Thắm (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) kể, cách đây không lâu, một người bạn thân của chị dùng nick chat để nhờ vả chị mua giúp thẻ Viettel, tổng giá trị lên tới 3 triệu đồng. Theo lời giải thích của người bạn này, do đang đi công tác ở vùng sâu, vùng xa không có nơi bán thẻ điện thoại, mà máy điện thoại lại hết sạch tiền, công việc giao dịch đang rất cần phải liên lạc với đối tác, nên bí quá mới nhờ chị mua hộ.
“Tôi thấy người bạn đang cần quá, lại hứa là khi nào về sẽ mang tiền qua cơ quan trả ngay. Là bạn thân bao nhiêu năm, không lẽ lại từ chối”, chị Thắm cho biết.
Sau khi nhắn mã số thẻ nạp xong, chị Thắm vẫn tin đó là bạn của mình. Đến tận hơn 1 tuần sau, không thấy người bạn kia trả tiền, chị Thắm mới gọi điện nhắc nhở cô bạn. Lúc này, chị mới tá hỏa biết mình bị lừa tiền từ nick Yahoo bị hack kia.
Tuy câu chuyện bị lừa tiền qua nick Yahoo không phải là chuyện mới, song thời gian gần đây, theo phản ánh của nhiều cư dân mạng, tình trạng này đang diễn ra khá phổ biến và vẫn có không ít người dùng bị sập bẫy.
Anh Châu
Bình luận