Trong đề án tuyển sinh 2022, Đại học Y Hà Nội áp dụng mức học phí mới cho bậc đại học và sau đại học. Khối ngành Y dược (gồm các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng) và Răng Hàm Mặt có mức học phí 24,5 triệu đồng/năm học. So với mức 14,3 triệu đồng đang được áp dụng, học phí mới tăng gần gấp 2 lần.
Các ngành thuộc khối Sức khỏe (Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Khúc xạ nhãn khoa, Kỹ thuật xét nghiệm y học và Y tế công cộng) cũng tăng học phí từ 14,3 triệu đồng lên 18,5 triệu đồng mỗi năm tương đương tăng 29%. Học phí của chương trình tiên tiến ngành Điều dưỡng là 37 triệu đồng.
PGS.TS Lê Đình Tùng, trưởng Phòng Quản lý Đào tạo (Đại học Y Hà Nội) cho biết ,mức học phí mới được xây dựng theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ. Nghị định này quy định về cơ chế thu, quản lý và các chính sách miễn giảm học phí với các trường phổ thông, đại học.
Tại Nghị định, mức trần học phí (năm học 2022-2023) trường đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên là 1,85 triệu đồng/tháng (với khối ngành Sức khỏe) và 2,45 triệu đồng/tháng (khối Y Dược). Đây cũng là mức thu mà trường Đại học Y Hà Nội áp dụng trong năm tới.
Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cũng tăng học phí so với năm học trước. Cụ thể, chương trình đại trà chính quy năm học 2022 - 2023 trung bình từ 22 -24 triệu đồng/năm (tùy từng ngành học). Lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm thực hiện theo Nghị định 81 của Chính phủ.
Năm ngoái, mức học phí của trường dao động từ 19,5 - 21 triệu đồng/năm học (tùy từng ngành học).
Năm học tới, Đại học Luật Hà Nội áp dụng mức học phí mới với tân sinh viên, cụ thể 572.000 đồng/tín chỉ cho hệ đại trà và 1.605.000 đồng/tín chỉ cho hệ chất lượng cao. Mức học phí mới cao gấp 2 lần so với năm học 2021-2022 đối với hệ đại trà - 280.000 đồng/tín chỉ và tăng hơn 60% ở hệ chất lượng cao - 990.000 đồng/tín chỉ.
Trường cũng điều chỉnh học phí đối với các khóa, cụ thể, với sinh viên khoá năm học 2019-2020, mức thu học phí là 438.000 đồng/tín chỉ; khoá năm học 2019-2020 là 426.000 đồng/tín chỉ; khoá năm học 2021-2022 là 429.000 đồng/tín chỉ. Phương thức thu đều là thu theo số tín chỉ mà sinh viên đã đăng kí trong kỳ.
Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tăng học phí đối với khóa tuyển sinh năm 2022. Mức thu cho năm học 2022-2023 là 42 triệu đồng/sinh viên, so với mức 35 triệu đồng/năm/sinh viên cho khóa tuyển sinh năm 2021 đã tăng thêm 24,5%. Trong 3 năm tiếp theo, trường tiếp tục tăng học phí thêm 2 triệu đồng/năm.
Đối với sinh viên đại học chính quy ngành Quản trị kinh doanh dành cho các tài năng thể thao, mức học phí dự kiến áp dụng cho khóa tuyển sinh năm 2022 là 98 triệu đồng/sinh viên/ khóa học (tương ứng 24,5 triệu đồng/năm, 770 nghìn đồng/tín chỉ).
Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng quyết định tăng mức học phí đào tạo đại học, sau đại học năm học 2022 - 2023. Cụ thể, năm học tới các chương trình đào tạo chuẩn, chất lượng cao có mức học phí cao nhất là 715 nghìn đồng/tín chỉ, cao hơn mức cũ 2,26 lần (315 nghìn đồng).
Theo Nghị định 81 về cơ chế thu, quản lý và chính sách miễn, giảm học phí, từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 - 2026, mức trần học phí với cơ sở giáo dục ĐH công lập chưa tự chủ sẽ tăng (trừ khối ngành II, Nghệ thuật). Đặc biệt, khối ngành VI.2 (Y Dược) tăng 71,3% (từ 1,43 triệu đồng/tháng lên 2,45 triệu đồng/tháng).
Các khối ngành còn lại hầu hết đều tăng hơn 20% đến gần 30%, riêng khối ngành IV (Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên) tăng vừa phải hơn, ở mức 15,3%. Đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập được tự chủ mức 1 (tự bảo đảm chi thường xuyên), mức học phí với khối ngành Y dược cao nhất có thể lên đến 4,9 triệu đồng/tháng/sinh viên.
Còn với các trường đã được tự chủ mức 2 (đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư), học phí nhóm ngành Y dược tối đa có thể lên đến trên 6 triệu đồng/tháng.
Bình luận