• Zalo

Thêm 10.000 tiến sĩ/năm: Nhiều người gác bằng, chật vật tìm việc

Diễn đànThứ Sáu, 19/05/2023 12:05:35 +07:00Google News

Do dư thừa, nhiều tiến sĩ tại Australia phải chật vật tìm việc làm bên ngoài môi trường học thuật bất chấp tấm bằng danh giá của họ.

Trên tờ The Conversation, nhóm tác giả người Việt đang theo học tiến sĩ và công tác tại các trường đại học ở Australia đã đóng góp cho dự thảo đổi mới giáo dục "Tái định hình và hình dung lại giáo dục đại học, thiết lập trong thập kỷ tới và hơn thế nữa” của quốc gia này.

Nhóm tác giả gồm Cường Hoàng, chuyên viên nghiên cứu tại đại học Victoria; Bình Tạ, giảng viên tại đại học Monash; Hằng Khổng và Trang Đặng, trợ giảng tại Khoa Giáo dục tại đại học Monash.

Các tác giả tổng hợp nhiều nguồn dữ liệu và cho biết tổng số người Australia có bằng tiến sĩ đã tăng từ khoảng 135.000 (vào năm 2016) lên khoảng 185.000 (vào năm 2021).

Một trong những nguyên nhân thôi thúc việc học nghiên cứu tiến sĩ là để theo đuổi sự nghiệp học thuật, làm việc trong các cơ quan nghiên cứu và trường đại học. 

Thêm 10.000 tiến sĩ/năm: Nhiều người gác bằng, chật vật tìm việc - 1

Có khoảng 185.000 tiến sĩ tại Australia tính đến năm 2021, đều đặn tăng mới từ 4.000 - 10.000/năm.

Tuy nhiên, giấc mơ này đang ngày càng trở nên xa vời do sự sụt giảm trong các vị trí học thuật cần tuyển dụng và sự gia tăng ổn định số người Australia theo học tiến sĩ. Cụ thể, trong 2 thập kỷ qua, số lượng tiến sĩ tăng đều đặn từ khoảng 4.000 lên khoảng 10.000 mỗi năm.

Trong khi đó, các trường đại học tinh giảm biên chế do các chi phí, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Đội ngữ giảng viên giảm từ 54.086 vào năm 2016 xuống còn 46.971 vào năm 2021.

Ở một khía cạnh khác, chính phủ liên bang cũng rót một số khoản tài trợ cho các trường đại học dựa trên số lượng nghiên cứu sinh tiến sĩ hoàn tất chương trình. Việc học cũng hoàn toàn miễn phí cho sinh viên trong nước.

Vì vậy, các trường gây áp lực lên đội ngũ giảng viên, buộc họ phải hướng dẫn, giám sát nhằm đảm bảo các nghiên cứu sinh hoàn thành luận án tiến sĩ đúng hạn. Đây cũng là một trong những tiêu chí để đánh giá việc thăng tiến.

Chỉ 25% đúng nghề, còn lại vật lộn tìm việc

Không có dữ liệu chính thức về số lượng tiến sĩ tốt nghiệp làm việc trong ngành học thuật. Chỉ khoảng 25% sinh viên tốt nghiệp tiến sĩ làm đúng nghề, theo một cuộc khảo sát quy mô nhỏ vào năm 2011.

Các ước tính của nhóm tác giả Việt Nam cho thấy con số này không thay đổi nhiều kể từ năm 2021. Nếu có khoảng 185.000 người có bằng tiến sĩ (2021), con số này cao gấp bốn lần so với số vị trí học thuật hiện có (46.971).

Do đó, nhiều tiến sĩ phải chật vật tìm việc làm bên ngoài môi trường học thuật bất chấp tấm bằng danh giá của họ.

Chỉ khoảng 25% sinh viên tốt nghiệp tiến sĩ làm đúng nghề.Cuộc khảo sát năm 2022 của Sáng kiến Chỉ tiêu chất lượng cho việc Học tập và Giảng dạy (QILT) thuộc Bộ Giáo dục Australia chỉ ra rằng, 84,7% sinh viên cao học tốt nghiệp chương trình nghiên cứu (bao gồm thạc sĩ nghiên cứu và tiến sĩ) có việc làm toàn thời gian trong vòng 6 tháng sau khi hoàn thành nghiên cứu, còn sinh viên tốt nghiệp đại học là 78,5%. 

Không phải tất cả nghiên cứu sinh tiến sĩ đều muốn theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực học thuật. Kết quả cuộc khảo sát quốc gia năm 2019 cho thấy 51% nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở Australia muốn tìm việc làm trong lĩnh vực công hoặc doanh nghiệp.

Tuy nhiên, có nhiều sự khác biệt về kỳ vọng tìm việc làm tùy theo lĩnh vực nghiên cứu. Cụ thể, 2/3 nghiên cứu sinh tiến sĩ trong lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) hy vọng được làm việc trong nhiều lĩnh vực ngoài học thuật. Trong đó, ngành ngân hàng, kỹ thuật dân dụng, khai thác mỏ, năng lượng và y tế/dược phẩm là những ưu tiên hàng đầu.

Trong khi đó, 2/3 nghiên cứu sinh tiến sĩ các ngành khoa học xã hội (bao gồm lịch sử, chính trị, giáo dục, xã hội học, tâm lý học, kinh tế học và nhân chủng học) muốn làm việc trong lĩnh vực học thuật.

"Xã hội nên bỏ qua tư duy: Có bằng tiến sĩ là có việc"

Kết quả phỏng vấn chuyên sâu của nhóm tác giả Việt Nam với 23 tiến sĩ đã hoàn thành chương trình từ 5 đại học ở Australia cách đây 5 năm đưa ra 2 kết luận chính: Tiến sĩ khó tìm được công việc ổn định trong lĩnh vực học thuật và họ chưa sẵn sàng cho môi trường làm việc ngoài lĩnh vực học thuật.

"Xã hội nên bỏ qua tư duy rằng bởi vì bạn đã có bằng tiến sĩ, bạn sẽ tự động kiếm được việc làm. Đó không phải là mọi trường hợp. Có rất nhiều tiến sĩ ngoài kia không thể tìm được việc làm hoặc đang làm những công việc mà chúng ta gọi là công việc chân tay hoặc công việc 'kiếm sống qua ngày", một tiến sĩ chia sẻ.

"Nhà tuyển dụng ít ấn tượng hơn với các xuất bản phẩm. Họ quan tâm nhiều hơn đến những kỹ năng mà tôi có được. Vì vậy, tôi đã tham gia một số khóa học về dữ liệu trực tuyến như các khóa học trên LinkedIn, sau đó tôi cố gắng nộp đơn xin một số công việc có những kỹ năng này và đi theo hướng này".

Hiện tại, không có bất kỳ hạn chế nào cho việc đào tạo tiến sĩ tại Australia vì trường có càng nhiều nghiên cứu sinh tiến sĩ, tiền tài trợ của chính phủ liên bang càng tăng lên.

Để cân bằng giữa cung và cầu, nhóm nghiên cứu đề xuất chính phủ Australia nên xem xét hạn ngạch tài trợ cho nghiên cứu sinh trong từng lĩnh vực. Điều này giúp chọn ra những ứng viên tiến sĩ phù hợp nhất theo quy định nghiêm ngặt trong nghiên cứu tiến sĩ.

(Nguồn: Vietnamnet/The Conversation)
Bình luận
vtcnews.vn