Phút 23 trên sân Cẩm Phả, thủ môn Bùi Tiến Dũng chuyền ngắn cho Đỗ Văn Thuận. Mạc Hồng Quân của Than Quảng Ninh đoán trước ý đồ, băng lên cắt bóng, sút chân trái đưa bóng đi sát sạt cột dọc khung thành CLB TP.HCM.
Đó chỉ là một trong số nhiều tình huống nguy hiểm của Than Quảng Ninh. Nhưng hãy xem cách nó diễn ra. Tiến Dũng thực hiện đường chuyền trực diện cho tiền vệ trung tâm (Văn Thuận), mục đích là để CLB TP.HCM triển khai bóng từ vòng cấm đội nhà. Đội bóng của Chung Hae Seong muốn thiết kế pha tấn công với điểm xuất phát là thủ môn.
Đây là xu thế ở nhiều đội lớn trên thế giới: lựa chọn những đường tấn công ngay từ vị trí người gác đền có bộ kỹ năng chơi chân tốt. Thay vì đá bóng dài, nhiều đội muốn triển khai lối chơi bài bản từ dưới lên trên. So với bóng dài, thứ bóng đá ngắn, nhuyễn, giàu tính tổ chức là dấu hiệu đặc trưng của một đội mạnh.
Nhưng ý tưởng đẹp đẽ của CLB TP.HCM sụp đổ từ phút 23. Sau tình huống "chết hụt", Bùi Tiến Dũng thường xuyên ra hiệu cho đồng đội dâng lên để anh đá bóng dài. Thể thức mới khiến CLB TP.HCM không dám mạo hiểm. Mọi sai lầm đều phải trả với cái giá đắt gấp đôi những mùa trước.
Các trận đấu căng thẳng hơn khi các đội phải lao vào cuộc chiến sinh tử và sau mỗi vòng, bảng xếp hạng luôn thay đổi chóng mặt như đồ thị hình sin. Mỗi cuộc so tài là một trận bán kết hoặc chung kết. Đâu còn chuyện nhàng nhàng đá rồi đợi lượt về toan tính, bởi thành tích lượt đi sẽ quyết định cuộc đua các đội tham gia ở lượt về.
Hà Nội FC là minh chứng. Đội bóng Thủ đô có nguy cơ thành cựu vương ngay sau lượt đi nếu đứng thứ 9 trở xuống, điều chưa từng xảy ra trong một thập kỷ. Nếu lượt về theo thể thức cũ cho Hà Nội FC cơ hội sửa sai (đội này rất giỏi bứt tốc lượt về), thì thể thức mới sẽ chấm dứt hy vọng của Hà Nội FC nếu họ tiếp tục lún sâu.
Đôi chân các cầu thủ đang lâng lâng vì no nê thành tích, bỗng bị kéo tụt xuống mặt đất với thực tại nghiệt ngã. Các đối thủ lao vào tử chiến, khiến nhà vô địch "trày da tróc vảy". Không chỉ vì muốn hạ bệ nhà vô địch, mà họ muốn thắng để tự định đoạt tương lai. Giữa thứ 8 và thứ 9 không phải một bậc. Đó là thiên đường và địa ngục.
Vị trí của SLNA hiện tại cũng cho thấy sự khốc liệt của V-League. 5 vòng đầu, thầy trò ông Ngô Quang Trường còn đang trên mây thì hiện tại, SLNA loay hoay ở nhóm cuối. Nhìn SLNA hay Hà Nội FC, CLB TP.HCM không thể không sợ. Trước vòng này, Công Phượng cùng đồng đội đứng nhì, nhưng chỉ hơn SLNA đứng thứ 9 khoảng cách 3 điểm.
Sài Gòn FC là biểu tượng của bóng đá Việt đổi thay thời dịch bệnh. Họ không cần hay hơn đối phương để thắng. 3 bàn vào lưới Thanh Hóa từ 3 sai lầm của đối thủ cho thấy đội mắc ít sai sót hơn sẽ là đội chiến thắng. Đội đứng đầu bảng hiện tại chính là đội mắc ít sai lầm nhất.
Một ví dụ khác là CLB Viettel. Trận gặp Hà Nội FC, Viettel cũng phối hợp ngắn ở sân nhà giống CLB TP.HCM, kết thúc bằng một pha đá phạt đền cho đối thủ. HLV Trương Việt Hoàng nói cầu thủ kinh nghiệm còn mắc sai lầm, thì tốt nhất cả đội đá an toàn cho xong.
Sau 9 vòng, HLV Việt Hoàng chưa xây dựng bản sắc cho Viettel, nhưng đâu có sao. Đội bóng áo lính vẫn đứng thứ 3, ghi bàn nhiều nhất giải. Nhà đầu tư chỉ nhìn vào kết quả để xuống tay chi tiền.
HAGL sau 5 mùa theo đuổi lối đá tấn công đã phải thay đổi, chấp nhận đá chân phương, nhàm chán hơn vừa để thích ứng với thể thức mới, vừa chấp nhận bóng đá đẹp không còn chỗ đứng sau 5 mùa nỗ lực bất thành. Nhưng họ có điểm số, tràn trề hy vọng đua vô địch lượt về.
Những đội bóng đứng cao ở V-League hiện tại đều chưa, hoặc có những vẫn mù mờ cái gọi là "bản sắc" hay tính cống hiến. Các đội cũng dè dặt hơn khi lựa chọn đá tấn công hay áp đặt, trừ khi thực lực quá chênh lệch. Sự an toàn đặt lên hàng đầu, khiến các đội buộc phải xây dựng và tổ chức tốt hơn, thay vì biểu diễn hay vẽ vời.
Tất nhiên, đã đá an toàn luôn đi với khó hấp dẫn. Một bàn thắng từ 4 hoặc 5 đường chuyền sẽ hấp dẫn hơn tạt cánh đánh đầu. Nhưng các CLB V-League hiện tại không cần hấp dẫn. Họ phải căng mình chiến đấu vì điểm số. Đó là cú hích để tính thực chiến của V-League trở lại, thay cho những trận đấu "thật giả lẫn lộn" hay những đội được cho là liên minh với nhau bắt tay chia điểm, bởi các đội phải tự cứu mình trước khi cứu người.
Áp lực khủng khiếp sẽ đè bẹp những đội bóng yếu ớt, nhưng phải có áp lực mới có kim cương. Các cầu thủ được trui rèn bản lĩnh mỗi tuần ngay trong "lò lửa V-League" sẽ sớm trưởng thành. Tuyển quốc gia hưởng lợi, và khán giả sẽ vui. Nếu nhà điều hành giải định lượng chuyên môn giải đấu cao hơn khi ban hành thể thức mới, việc duy trì đá tranh vô địch - xuống hạng ở lượt về có thể áp dụng ở những mùa giải sau.
Bình luận