Cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka đang ngày càng trở nên nghiêm trọng với các cuộc biểu tình hàng loạt kêu gọi Tổng thống Rajapaksa từ chức.
Hôm 12/3, cùng với tuyên bố vỡ nợ, Colombo cho biết họ đang chờ một khoản cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Đây là lần đầu tiên quốc gia Nam Á tuyên bố vỡ nợ kể từ khi độc lập vào năm 1948.
Một ngày sau đó, Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka Ali Sabry gặp Đại sứ Trung Quốc tại Colombo Qi Zhenhong để thảo luận về tình hình kinh tế quốc gia. Ông Qi nói Trung Quốc sẽ luôn hỗ trợ Sri Lanka trong "thời gian thử thách".
Sri Lanka đã yêu cầu Bắc Kinh giúp đỡ, bao gồm khoản vay 1 tỷ USD để trả nợ cho khoản vay Trung Quốc sẽ tới hạn vào tháng 7 và đề nghị hạn mức tín dụng 1,5 tỷ USD để mua hàng hóa Trung Quốc.
Tới nay, Bắc Kinh vẫn chưa cho biết liệu họ có cung cấp các hỗ trợ này không.
Cơ hội gỡ mác "ngoại giao bẫy nợ"
Theo giới quan sát, Trung Quốc, vốn cũng đang phải đau đầu đối phó với bài toán suy thoái kinh tế đã trở nên cẩn thận hơn trong việc chi tiêu cho các dự án trong Sáng kiến Vành đai, Con đường kể từ khi đại dịch bùng phát. Bắc Kinh cũng không muốn nhận về thêm các cáo buộc về "ngoại giao bẫy nợ".
"Trung Quốc không muốn mất tiền. Nếu Trung Quốc cung cấp cho Sri Lanka một gói cứu trợ đặc biệt, các quốc gia khác tham gia Sáng kiến Vành đai, Con đường đang gặp khó khăn tương tự cũng sẽ yêu cầu hình thức hỗ trợ tương tự", Ganeshan Wignaraja, chuyên gia tới từ Đại học Quốc gia Singapore cho biết.
Tuy nhiên, ông Wignaraja tin Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ miễn cưỡng tương trợ.
Các khoản vay Bắc Kinh chiếm 10% nợ nước ngoài của Sri Lanka, bao gồm các cơ sở hạ tầng lớn như cảng Hambantota vốn được Colombo cho đối tác Trung Quốc thuê trong 99 năm để giảm áp lực tài chính.
Một số ý kiến cho rằng Bắc Kinh đang sử dụng các dự án như Hambantota để buộc các nước nghèo như Sri Lanka phải gánh thêm nợ trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng địa chính trị của mình.
Nhưng Đại sứ Sri Lanka tại Bắc Kinh Palitha Kohona khẳng định nước này sẽ không mắc bẫy nợ của Trung Quốc.
Lin Minwang, Giáo sư nghiên cứu về Nam Á tại Đại học Fudan ở Thượng Hải cho biết đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng của nó đối với tăng trưởng kinh tế khiến Trung Quốc trở nên cẩn trọng hơn với việc trong việc cho vay và cấp vốn cho các dự án Vành đai, Con đường.
"Bắc Kinh không muốn cho cộng đồng quốc tế cái cớ để cáo buộc Trung Quốc lợi dụng các các khoản cho vay", ông Lin nhận định.
Theo chuyên gia Wignaraja, giúp đỡ Sri Lanka có thể sẽ là một cách giúp Trung Quốc giải quyết các cáo buộc bẫy nợ.
"Nếu không thì các cáo buộc vẫn còn đó", ông này cho hay.
Khó chấp nhận hạn mức tín dụng mới
Raffaello Pantucci, chuyên gia tới từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore lưu ý, Bắc Kinh trong vài năm qua cân nhắc lại việc cho vay bên ngoài sau khi các ngân hàng của Trung Quốc nhận ra họ đang gánh rất nhiều các khoản nợ từ các quốc gia với triển vọng trả nợ khá hạn chế.
Ngoài ra nền kinh tế đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn của Trung Quốc cũng đòi hỏi hàng loạt các khoản chi. Các đợt phong tỏa dịch liên tục ở Thượng Hải, Thâm Quyến đang gây áp lực lớn với nền kinh tế thứ hai thế giới. Các nhà phân tích cảnh báo mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% của Trung Quốc đang bị đe doạ.
"Vì vậy, Trung Quốc sẽ không còn hứng thú với việc vung tiền bừa bãi", ông Pantucci đánh giá.
Theo Bloomberg, vai trò của Trung Quốc trong việc giúp giải quyết các cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Sri Lanka và các quốc gia khác ở Nam Á có thể bị hạn chế mặc dù nước này là một chủ nợ lớn.
Một học giả ở Thượng Hải nghiên cứu về hoạt động cho vay ở nước ngoài của Trung Quốc cho rằng quốc gia tỷ dân sẽ khó chấp nhận hạn mức tín dụng mới khi mà giới chức nước này nhiều lần nhấn mạnh vào việc quản lý rủi ro tại các tổ chức tài chính, bao gồm cả ngân hàng chính sách.
Trong hội nghị về Sáng kiến Vành đai, Con đường diễn ra vào tháng 11/2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận một cách thận trọng.
“Cần phải triển khai các hệ thống phòng ngừa và kiểm soát rủi ro", ông Tập nói, nhấn mạnh cần "tránh những nơi nguy hiểm và hỗn loạn”.
Meg Rithmire, phó giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard, người chuyên về phát triển chính trị so sánh ở châu Á đánh giá Trung Quốc đang cảnh giác với việc hành động của họ bị hiểu sai hoặc phản tác dụng.
Do đó, không loại trừ khả năng Bắc Kinh đang chờ động thái từ các chủ thể khác, như các tổ chức tài chính quốc tế trước khi nhảy vào cung cấp hỗ trợ tín dụng.
Bình luận