• Zalo

Thế hệ phụ huynh 'bán con' trên TikTok, bất chấp hiểm nguy

Gia đìnhThứ Ba, 16/08/2022 07:02:47 +07:00Google News

Sức hấp dẫn của tiền tài trợ, quảng cáo khiến nhiều phụ huynh quên đi những hiểm nguy đang rình rập và "bán con" trên TikTok.

Cô bé 3 tuổi tóc vàng Wren là một TikToker hơn 17,3 triệu người theo dõi. Đương nhiên, tài khoản này do mẹ của cô bé, Jacquelyn, quản lý. Cô chia sẻ những video gần như riêng tư nhất về con gái mình.

Trong một số video, Jacquelyn cho con gái mặc bikini, giả vờ dùng băng vệ sinh, hoặc ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau. Đáng chú ý, những nội dung gây tranh cãi như vậy lại thu hút vô số lượt xem, chia sẻ và bình luận hơn các video còn lại.

Người mẹ gặp nhiều chỉ trích, phản đối từ công chúng nhưng vẫn duy trì. Nhiều người đánh giá rằng việc Jacquelyn tiếp tục sáng tạo nội dung bất chấp sự phản đối cho thấy cô đề cao nguồn thu nhập hậu hĩnh hơn sự an toàn của con gái mình.

Thế hệ phụ huynh 'bán con' trên TikTok, bất chấp hiểm nguy - 1

Người mẹ Jacquelyn bị cáo buộc lợi dụng con gái nhỏ để kiếm tiền trên Internet. (Ảnh: @tiktokwren)

Hiện nhiều thương hiệu đang tìm cách sử dụng những người có sức ảnh hưởng cỡ nhỏ có ít hơn 100.000 lượt theo dõi trên nhiều nền tảng mạng xã hội để tiếp cận khách hàng.

Mỏ vàng này đã dẫn đến sự gia tăng của các sao mạng nhí và cả những “sharent” - thế hệ phụ huynh quản lý tài khoản mạng xã hội của con cái họ, liên tục chia sẻ hình ảnh và video của chúng lên mạng xã hội.

Tuy nhiên, hành động này đồng thời dẫn đến sự bóc lột trẻ em hoặc những mối nguy hiểm liên quan khác trong bối cảnh gần như không có quy định nào kiểm soát nội dung đăng tải của các phụ huynh.

Trong khi đó, cha mẹ là người duy nhất kiểm soát lượng công việc, cũng như số tiền con cái kiếm được qua những nội dung có sự xuất hiện của chúng trên mạng xã hội.

“Khi cha mẹ đăng tải về con cái trên mạng, họ vừa đóng vai trò là ‘người gác cổng’ - có nhiệm vụ bảo vệ thông tin cá nhân của đứa trẻ, vừa là ‘người mở cổng’ - được hưởng lợi cả mặt danh tiếng xã hội lẫn tài chính bằng cách tiết lộ thông tin trực tuyến”, Stacey Steinberg, giáo sư ngành luật tại Đại học Florida (Mỹ), cho biết.

Thế nhưng trên thực tế, nhiều phụ huynh đã lơ là nhiệm vụ “gác cổng” và để nhiều người lạ tiếp cận thông tin cá nhân của con cái mà thiếu sự kiểm soát.

Lợi dụng con cái để làm giàu

Gia đình LaBrant đình đám, sở hữu khối tài sản ròng ước tính hơn 10 triệu USD, cũng là một ví dụ điển hình trong việc ngó lơ quyền riêng tư của con cái.

Cặp vợ chồng Cole và Savannah LaBrant chia sẻ gần như mọi thứ về cuộc sống 4 đứa con của mình - lớn nhất 9 tuổi và nhỏ nhất chưa đầy một tháng tuổi.

Thế hệ phụ huynh 'bán con' trên TikTok, bất chấp hiểm nguy - 2
Thế hệ phụ huynh 'bán con' trên TikTok, bất chấp hiểm nguy - 3
Cặp Cole và Savannah LaBrant đăng tải vô số hình ảnh và thông tin về các con trực tuyến. (Ảnh: @cole.labrant)

Ngoài kênh TikTok chung có hơn 21,9 triệu lượt theo dõi của gia đình, mỗi đứa trẻ nhà LaBrant sở hữu một tài khoản mạng xã hội riêng thu hút hàng triệu follower.

Theo Bella Baby, chỉ riêng Everleigh Rose Soutas (sinh năm 2012), vốn là con gái đầu lòng của Savannah và người chồng trước, có thể kiếm 10.119-16.867 USD cho mỗi bài quảng cáo nhờ sở hữu 5 triệu lượt theo dõi.

Gần đây, gia đình LaBrant bị cáo buộc lợi dụng cơn co giật của con trai Zealand (2 tuổi) để câu view.

Cụ thể, cặp vợ chồng này dự sinh đứa thứ 4 vào đầu tháng 7, song tạm hoãn bởi Zealand gặp cơn sốt cao gây co giật. Tuy nhiên, họ không quên ghi lại video toàn bộ quá trình đó. Việc làm này khiến nhiều người cảm thấy bất bình, chỉ trích Cole và Savannah đang kiếm tiền từ con cái bằng mọi cách.

“Tôi ổn với việc Cole LaBrant làm vlog kiếm tiền, nhưng đừng có chĩa camera vào mặt một đứa trẻ mới trải qua cơn co giật và vẫn còn đang nằm trong bệnh viện. Làm vậy thật sai trái”, Sportskeeda trích một bình luận.

Cách đây 3 năm, gia đình LaBrant từng phải đưa ra lời xin lỗi công khai tới công chúng sau khi chơi khăm con gái Everleigh, khi ấy mới 6 tuổi.

Thế hệ phụ huynh 'bán con' trên TikTok, bất chấp hiểm nguy - 4

Savannah ôm con trai sau khi đưa cậu bé nhập viện vì co giật. (Ảnh: @cole.labrant)

Trong video đăng tải nhân dịp Cá tháng Tư năm 2019, Cole và Savannah nói dối con gái rằng họ đã đem tặng cún cưng cho người khác, khiến cô bé giàn giụa trong nước mắt.

Hành động này của nhà LaBrant không chỉ bị lên án bởi các nhà nghiên cứu hành vi trẻ em mà còn cả khán giả. Nhiều ý kiến nói rằng thật không công bằng khi ghi hình trẻ em trong lúc chúng đang tổn thương nhất, bởi điều đó cho thấy sự thiếu tôn trọng đối với quyền riêng tư của trẻ.

Bên cạnh đó, một số bậc cha mẹ khác đăng ký và quảng cáo các dịch vụ cho phép mọi người mua quyền truy cập “độc quyền” hoặc “VIP” vào kho nội dung chứa hình ảnh, video của con cái mình, CNET đưa tin.

Ngoài bán ảnh, cha mẹ của một số vũ công, VĐV nhí còn cho phép người lạ gửi đồ bơi hay đồ lót làm quà tặng cho con cái mình, hoặc gửi tiền tài trợ để “đứa trẻ có thể thực hiện ước mơ của mình”.

Dù không bất hợp pháp về mặt cơ bản, các phụ huynh đang đặt con cái mình vào “vùng xám” của khái niệm bị tình dục hóa. Vốn dĩ, hình thức tặng quà này thường được áp dụng bởi các sugar baby nhằm “đổi tình lấy tiền”.

Trả lại quyền riêng tư cho con cái

Ở trường hợp khác, Katy Rose Pritchard, một người mẹ 4 con có gần 92.000 người theo dõi, quyết định ngừng công khai gương mặt của các con trên mạng xã hội sau khi phát hiện rằng hình ảnh của chúng đang được sử dụng trái phép.

Một số người dùng ảnh của con cái Pritchard để tạo ra các tài khoản nhập vai giả tưởng nhằm thỏa mãn sở thích cá nhân. Một trong số những bài đăng của họ khiến người mẹ cảm thấy “bị xâm phạm”.

Thế hệ phụ huynh 'bán con' trên TikTok, bất chấp hiểm nguy - 5

Tất cả bức ảnh chụp gia đình của Pritchard đều giấu mặt con cái. (Ảnh: @katyroseprichard)

Rachel Barkman (Vancouver, Canada) cũng hành động tương tự. Trước đây, trên tài khoản TikTok có hơn 350.000 người theo dõi, cô thường đăng tải video ghi lại khả năng nhận diện chính xác các loại nấm của con trai 3 tuổi của mình, CNET đưa tin.

Cho đến mùa đông năm 2021, trong một lần 2 mẹ con dạo chơi trong khu rừng gần nhà, một người phụ nữ lạ mặt đã tiếp cận và gọi tên con trai của Barkman, khi ấy được 3 tuổi. Sau đó, người này hỏi cậu bé có thể giới thiệu một số loại nấm cho cô ấy được không.

“Tôi lập tức trở nên lo sợ khi nhận ra mình đang cung cấp thông tin của con trai cho những người xa lạ ngoài kia, khiến thằng bé gặp nguy hiểm”, Berkman chia sẻ.

Chỉ vài trường hợp này đủ làm nổi bật những mối đe dọa mà các “sharent” đang khiến con cái của họ phải đối mặt. Leah Plunkett, giảng viên Trường Luật Harvard, chia chúng thành 3 nhóm rủi ro chính.

Nhóm đầu tiên và rõ ràng nhất là những rủi ro liên quan đến hành vi phạm tội và/hoặc nguy hiểm đe dọa trực tiếp tới tính mạng đứa trẻ.

Nhóm thứ hai là rủi ro gián tiếp, tức nội dung đăng tải chứa trẻ em có thể bị lấy mất hoặc sử dụng lại với động cơ bất chính.

Nhóm thứ ba, có lẽ được ít nói đến nhất, liên quan đến những tác hại tiềm ẩn đối với ý thức về bản thân của đứa trẻ. Thông thường, trẻ em không nhận thức được hình tượng trên mạng của mình tác động như thế nào đối với khán giả.

“Hơn nữa, trong quá trình trưởng thành, những đứa trẻ muốn tự khám phá bản thân bằng cách riêng. Nếu cha mẹ công khai quá nhiều thông tin từ nhỏ, điều này có thể gây khó khăn cho chúng bởi nhiều người xây dựng một hình tượng nhất định về những đứa trẻ này trong đầu”, giáo sư Steinberg cho biết.

Kể từ đầu năm nay, Barkman thề sẽ không đưa hình ảnh con trai vào các nội dung đăng tải nữa.

“Không chỉ để bảo vệ con trai, quyết định của tôi còn để tôn trọng danh tính và quyền riêng tư của con, bởi thằng bé có quyền chọn cách tự thể hiện mình với thế giới”, người mẹ nói.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn