• Zalo

"Thế hệ ngón tay" và nỗi đau thiểu năng cảm xúc

Bạn đọc viếtThứ Ba, 16/03/2010 09:32:00 +07:00Google News

Có những ngón tay búp măng, được nhuộm muôn màu óng ánh nhưng lại chứa trong nó sự xấu xí đến hãi hùng.

(VTC News) –  Cũng có những ngón tay búp măng, được nhuộm muôn màu óng ánh nhưng lại chứa trong nó sự xấu xí đến hãi hùng.

Nhiều lần đọc những bài viết của cố giáo sư Trần Quốc Vượng, tôi thường thấy ông mở ngoặc những từ tiếng Việt sau khi dùng một từ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Ban đầu người ta nghĩ ông “khoe” cái sự “biết” của mình. Nhưng, để ý một chút, đó là cách dùng từ gốc mà đôi khi tiếng Việt không cắt nghĩa hết, quan trọng hơn, điều đó cho thấy một sự tôn trọng tiếng Việt mà những đại tri thức như ông thường làm.

Cũng một lần gặp cách viết ấy trong một bài luận bàn về rối nước Việt Nam, ông dùng từ “NET” để nói về hệ thống dây điều khiển con rối thay vì nói ngay là “MẠNG” theo nghĩa tiếng Việt. Hoá ra trong cách hướng đến một vấn đề của ông luôn có những ngỏ ý cho giới trẻ, gần gũi với giới trẻ, để từ đó nhắc nhở chính giới trẻ.

 

Lại một dạo ông nói với tôi: “Anh có biết con người tiến hoá như thế nào không? Đó là một sự co rút”. Ông cười khi thấy tôi ngơ ngác.

 

Mãi về sau này, khi ông thác đi, tôi bỗng nhớ lại và thấy cái từ “co rút” dù được ông tếu táo cho vui nhưng lại hàm ý rất sâu xa. Làm một phép dịch chuyển chúng ta thấy, tổ tiên của loài người dồn cử chỉ, hoạt động vào hai chi trước, sau đó đứng thẳng để hai chi trước biến thành đôi tay.

 

Ngày nay với sự ra đời của khoa học công nghệ, chúng ta đang tập trung dồn toàn bộ cử chỉ vào đầu ngón tay. Vì thế mà dân 8x, 9x được ví là “Thế hệ ngón tay” như một mô phỏng có tính biểu tượng trong thế giới của Mobile, Computer, Laptop…, trong một xã hội Mạng đang song hành với xã hội thực.

 

Cuộc sống rõ ràng ngày càng “số hóa”, con người ngày càng tự kết nối với nhau bởi những đường truyền của sóng, của cáp quang... Nhưng có là gì đi chăng nữa, vẫn là Con Người với Con Người trong một cộng đồng cùng những giá trị đạo đức, văn hóa đã được quy ước.

 

Thế cho nên, làm sao để tiến bộ mà không suy thoái đạo đức, để máy tính, điện thoại, máy ảnh… không thành công cụ chuyển tải văn hoá đồi trụy, để “Vàng Anh” từ một game show giáo dục học đường không bị chuyện hậu trường biến thành một ám thị nặng nghĩa tối đen?.

 

Làm sao để Địch Lăng, Paris Hilton, Britney Spears… không bị giới trẻ đo độ “nóng” trong những clip quay chuyện riêng tư đã bị tung lên mạng để trả thủ, để PR rẻ mạt… để đánh bóng tên tuổi mà mất đi nhân cách?

 

Làm sao để bao người làm cha mẹ, làm thầy, làm chuyên gia tâm lý, làm nhà quản lý giáo dục…, không phải bàng hoàng, rùng mình buông hai tiếng “dã mãn” trước “Thế hệ ngón tay“ dùng tay túm tóc, dùng chân ra những cú đòn và miệng văng những lời tục tĩu như một nữ sinh trong một clip đang làm “sốc” cả xã hội mạng lẫn xã hội thực?

 

Làm sao để ở đời chưa mất hết những “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”, người lớn không thờ ơ trước mỗi trận chiến của con trẻ, đám trẻ xung quanh không vô tư nhìn bạn cùng trang lứa bị hành hung, không ngồi một chỗ hô hào cổ vũ, không vô cảm dùng ngón tay ấn lên nút “REC” (quay), hay nhấn một cú ENTER, update lên mạng và coi đó như một trò tiêu khiển, một chuyện hot trong giới teen để cộng đồng tìm kiếm?

 

Câu trả lời trước hết ở chính mỗi chúng ta, những người được ví là “Thế hệ ngón tay”.

 

Thế giới vẫn không ngừng phát triển, như chiếc điện thoại, máy tính không ngừng được nâng đời, nâng chức năng… Nhưng đi cùng với nó là bao chuyện của những ngón tay băng hoại quanh một “Thế hệ ngón tay”. Đó là những ngón tay búp măng, được nhuộm muôn màu óng ánh nhưng lại chứa trong nó những móng vuốt của sự lạnh lùng và xấu xí đến hãi hùng.

 

Muộn còn hơn không, đã đến lúc cần những lưới mạng xã hội giăng chặt hơn, để sắt thép không là hung khí nằm lẫn trong những cuốn sách giáo khoa mang theo vào lớp học. Để áo trắng trinh nguyên gắn theo những logo, biểu tượng của mái trường phổ thông không lấm lem bụi đất, nhàu nhĩ, rách nát vì những cuộc ẩu đả bên ngoài mỗi cổng trường học.

 

Mỗi bậc phụ huynh bằng cách này cách khác, trao cho con em mình những công cụ tri thức, văn minh như điện thoại, máy tính… thì cũng hãy cho con em mình những phần mềm đạo đức, những “ổ cứng văn hoá” dung lượng lớn, những đĩa cài diệt “virus” vô cảm… để làm hành trang cho một thế hệ trẻ kết nối với thế giới.

 

Đã, đang và hơn lúc nào hết, cần ai đó nhắc về một câu chuyện cổ tích những ngón tay, chuyện nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký đã vượt qua tật nguyền để có thể đứng trên bục giảng. Trời đã không cho thầy Ký những ngón tay đủ sức nâng một viên phấn, nhưng nghị lực và tình yêu con trẻ đã cho Thầy sức mạnh phi thường để viết lên bảng những dòng chữ từ một cây gậy kẹp phấn, nối xuống những ngón chân.

 

Đã, đang và hơn lúc nào hết, lại cần hơn nữa một “Thế hệ ngón tay” biết nêu gương hiệp sỹ CNTT Nguyễn Công Hùng, bị bệnh nhão cơ từ lúc 2 tuổi và dần mất khả năng vận động (ngay cả nói cũng phải rất nỗ lực), song chỉ với một ngón tay còn cử động được đôi chút vẫn trở thành chuyên gia về công nghệ thông tin.

 

Đó là những “ngón tay” không lành lặn, ngón tay tê liệt, ngón tay nhăn nheo xấu xí, nhưng lại chứa trong nó một sự kỳ diệu của nhân cách cao cả. Xin mượn lời anh chàng trang 3 báo Hoa học trò để dừng bài viết: “Vô cảm là thiểu năng cảm xúc. Còn tệ hơn cả thiểu năng trí tuệ. Bởi vì thiểu năng cảm xúc nghĩa là dù không phải trời bắt tội, cũng đã bị tật nguyền ngay trong cơ thể khoẻ mạnh, đẹp đẽ của chính mình.”

 

Hà Thành

Bình luận
vtcnews.vn