Là thành viên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ làm hết sức mình để thực hiện những gì đã cam kết và nỗ lực phấn đấu cho đối tác hòa bình bền vững, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung khẳng định tại họp báo sáng 12/12 về việc Việt Nam đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA) nhiệm kỳ 2020-2021.
“Chúng tôi cảm ơn sự ủng hộ của các quốc gia thành viên và đối tác quốc tế với sự ứng cử của Việt Nam, mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ và sẵn sàng lắng nghe ý kiến của các bạn về những vấn đề được quan tâm” – ông Lê Hoài Trung nói.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng chia sẻ về những ưu tiên, mục tiêu, công tác chuẩn bị và phương thức tham gia của Việt Nam tại HĐBA. Ông khẳng định việc Việt Nam được bầu với số phiếu cao vào vị trí này thể hiện sự tín nhiệm và nhìn nhận của cộng đồng quốc tế với một Việt Nam có truyền thống đấu tranh vì mục tiêu duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, cũng chính là mục tiêu của Liên hợp quốc; bên cạnh đó là những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong quá trình đổi mới hơn 30 năm qua.
Việc tham gia HĐBA là cơ hội quan trọng để thể hiện đường lối đối ngoại của Việt Nam, là hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa. Việt Nam mong muốn là thành viên tích cực có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế và đã có những chủ trương chủ động tích cực hội nhập quốc tế, nâng tầm tham gia về đối ngoại đa phương, ngoại giao đa phương, góp phần tăng cường hiệu quả một phương thức giải quyết các vấn đề quốc tế chung. Việt Nam tích cực nỗ lực vươn lên đóng vai trò nòng cốt, trung gian hòa giải trên những vấn đề phù hợp với lợi ích của mình, trong khả năng và điều kiện cho phép.
Bên cạnh đó, là ủy viên không thường trực HĐBA, Việt Nam mong muốn đóng góp vào thúc đẩy việc phát huy vai trò HĐBA, duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, cụ thể là ngăn ngừa xung đột, khủng hoảng, giúp giải quyết các xung đột, khủng hoảng. Ưu tiên tiếp theo là góp phần vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng bảo an đồng thời thúc đẩy một số vấn đề mà các nước và các nhóm nước quan tâm như bảo vệ người dân trong xung đột vũ trang, tái thiết sau xung đột, vấn đề phụ nữ và hòa bình an ninh,…
Việt Nam cũng mong muốn thúc đẩy quan hệ đối tác với các quốc gia, cả trong và ngoài HĐBA, các khu vực khác nhau, mong muốn tạo tương tác và có thêm điều kiện học hỏi các cơ quan tham mưu.
Để chuẩn bị cho quá trình này, các cán bộ ban ngành của Việt Nam đã phối hợp và triển khai nhiều công việc, trong đó có việc rà soát lại các hồ sơ cơ bản về từng vấn đề trong chương trình nghị sự, suy nghĩ về các vấn đề có thể đặt ra.
Tình hình thế giới đặt ra cho Việt Nam cả thuận lợi và thách thức trong nhiệm vụ mới. Về thuận lợi, trong bối cảnh hòa bình và hợp tác phát triển đang là xu thế chính, Việt Nam tiếp tục đường lối thúc đẩy các giá trị này. Việt Nam có quan hệ đối tác với nhiều nước, có quan điểm tích cực trong các vấn đề quốc tế lớn, thành tựu phát triển kinh tế đối ngoại nhất định. Nhưng tình hình thế giới diễn biến phức tạp và quan hệ giữa các nước lớn có nhiều khó khăn, ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động của HĐBA, các vấn đề mới liên tiếp xuất hiện và chủ nghĩa đa phương gặp khó khăn chưa từng có trước chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hành động đơn phương trong các lĩnh vực, trong đó có xu hướng sử dụng vũ lực cực đoan.
Việt Nam sẽ đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐBA trong tháng 1 và tháng 4.
Bình luận