Trong bài phát biểu trước Hội đồng An ninh hôm 22/11, nhà lãnh đạo Nga đưa ra những nhiệm vụ trọng tâm của quân đội nước này trong giai đoạn từ nay đến năm 2033.
“Nhiệm vụ chính trong 10 năm tới là tăng cường tiềm lực quân sự, kĩ thuật và lực lượng quân nhân, thông qua chi tiêu hiệu quả các nguồn ngân sách”, Tổng thống Putin phát biểu.
Người đứng đầu chính quyền Nga cho rằng, chi tiêu cho quốc phòng của Nga “không quá lớn” so với các quốc gia hàng đầu khác trên thế giới hiện nay. Do đó, yêu cầu cấp thiết của quân đội Nga trong thời gian tới là “phát triển cân bằng tất cả các thành phần lực lượng vũ trang”.
Nhiệm vụ trọng tâm tiếp theo là cần cải thiện hệ thống quản lý đơn vị quân sự, đồng thời tăng tỷ lệ vũ khí hiện đại ở mức 70% và có chế độ bảo trì tốt nhất.
“Lực lượng vũ trang của chúng ta phải được trang bị phương tiện khoa học, công nghệ mới nhất”, ông Putin nói.
Video: Tổng thống Putin chủ trì cuộc họp Hội đồng an ninh Liên bang Nga.
Theo lời Tổng thống Nga, Chương trình vũ khí liên bang sẽ được thảo luận và thực hiện từ năm 2020, kéo dài đến năm 2033. Mục tiêu chính của chương trình này là tạo ra các dòng vũ khí chính xác, các hệ thống phòng thủ không gian vũ trụ.
Đồng thời, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong các tổ hợp công nghiệp quân sự, bao gồm việc chế tạo máy bay trinh sát, phương tiện tấn công không người lái, hệ thống vũ khí siêu âm và laser.
Ngoài ra, Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh, một trong những ưu tiên chính của những năm tới là nghĩa vụ quân sự sẽ có chỉ số đánh giá uy tín, chất lượng cao. Điều này có liên quan trực tiếp đến việc tăng cường hệ thống bảo đảm an sinh xã hội.
Về những thách thức toàn cầu, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, thế giới hiện nay đang đối mặt với nhiều yếu tố cạnh tranh và mối đe dọa nghiêm trọng. Các cường quốc đang tích cực phát triển vũ khí tấn công mới. Ngoài ra, danh sách các nước có vũ khí hạt nhân sẽ tăng lên trong thời gian tới.
NATO đang xây dựng các cơ sở quân sự, tiến gần đến biên giới Nga. Bên cạnh đó, liên minh đang nỗ lực quân sự hóa không gian vũ trụ. Ngoài ra, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) vì lí do mơ hồ, gây ra tác động mạnh đối với hệ thống kiểm soát vũ khí trên thế giới.
Trong bối cảnh này, ông Putin nêu rõ, quân đội Nga cần phải dự đoán và phân tích chính xác các thay đổi quốc tế, đồng thời phát triển các tiềm lực quân sự, để có hướng đối phó trong tương lai.
Bình luận