• Zalo

Tấn công tàu dầu trên Vịnh Oman: Khi 'yết hầu' dầu mỏ thế giới bị bóp nghẹt

Thế giớiThứ Ba, 18/06/2019 14:44:00 +07:00Google News

Eo biển Hormuz là "yết hầu" dầu mỏ thế giới, nơi một phần sáu sản lượng dầu và một phần ba khí đốt tự nhiên hóa lỏng của thế giới vận chuyển qua.

Eo biển dài 39km, điểm hẹp nhất là 33 km, là tuyến đường duy nhất ra đại dương cho hơn một phần sáu sản lượng dầu và một phần ba khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của thế giới. Khu vực này trở thành trung tâm của sự chú ý sau vụ nổ làm hư hại hai tàu chở dầu ngày 13/6, chỉ một tháng sau khi 4 tàu khác cũng bị phá hoại gần đó.

Eo biển Hormuz có vai trò nối thông Vịnh Ba Tư với Biển Oman, rồi tới Biển Ả Rập để đi khắp thế giới. Đây là tuyến đường thủy duy nhất để 8 nước trong khu vực Vịnh Ba Tư đi ra các vùng biển quốc tế. Vì lý do này, UAE và Ả Rập Xê Út đã đề xuất xây dựng thêm các đường ống dẫn dầu để tránh trường hợp đường thủy có vấn đề.

Khoảng một phần sáu dầu mỏ thế giới di chuyển qua eo biển này -  tương đương 17,2 triệu thùng mỗi ngày. Số lượng bao gồm hầu hết dầu từ các nước thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) là Ả Rập Xê Út, Iran, UAE và Kuwait. Qatar, nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới, cũng vận chuyển phần lớn LNG qua đây.

Theo Al Jazeera, hạm đội năm của Mỹ, có căn cứ tại Manama, Bahrain, chịu trách nhiệm bảo vệ các tuyến hàng hải.

tau-cho-dau-bi-chay-3

 Tàu chở dầu gặp sự cố ngày 13/6. (Ảnh: AP)

Căng thẳng trên vùng biển liên quan đến các tuyến đường vận chuyển dầu đã xuất hiện từ rất lâu. Trong Chiến tranh Iran-Iraq vào những năm 1980, hai nước thường xuyên đe dọa các chuyến tàu chở dầu của nhau. Năm 2010, một tàu chở dầu của Nhật Bản đã bị tấn công bởi một nhóm liên kết với nhóm vũ trang xuyên quốc gia al-Qaeda.

Đầu năm 2012, Iran đe dọa sẽ can thiệp vào các tàu đi qua eo biển để trả đũa các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu nhắm vào doanh số bán dầu của nước này. Nỗ lực của phương Tây là một phần của chương trình phối hợp nhằm ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân.

Đáp lại lệnh trừng phạt của Mỹ khi cố gắng ngăn chặn Iran xuất khẩu dầu và bóp nghẹt nền kinh tế nước này, chính phủ Iran đã đe dọa sẽ gây ra vấn đề cho các tàu chở dầu qua eo biển Hormuz.

Tháng 7/2018, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói Iran có thể ngăn chặn các tàu chở dầu đi qua eo biển, sau khi Mỹ tìm cách hạn chế doanh thu từ dầu mỏ của Iran.

Tháng 5/2019, bốn tàu - bao gồm hai tàu chở dầu của Ả Rập Xê Út - bị tấn công gần Fujairah ngay bên ngoài eo biển.

Ngày 13/6, các cuộc tấn công vào hai tàu chở dầu ở Vịnh Oman đã làm dấy lên lo ngại về nguồn cung dầu toàn cầu và những câu hỏi mới về an ninh của các chuyến hàng qua Eo biển Hormuz.

hormuz_strait_map

 

Con đường "huyết mạch"

Eo biển Hormuz, tuyến đường vận chuyển hẹp giữa Iran và Oman được đặt theo tên của vương quốc cổ đại giàu có Ormus, đã khiến các thương nhân dầu mỏ ưa chuộng kể từ cuộc cách mạng Iran năm 1979. Iran thường đe dọa đóng eo biển đối với các tàu của các nước thù địch, trong khi Mỹ và các đối tác cam kết giữ cho eo biển mở và duy trì tự do hàng hải, đe dọa sử dụng vũ lực nếu cần thiết. Eo biển này trở thành một điểm nóng mang tính biểu tượng trong cuộc đối đầu toàn khu vực và xung đột gián tiếp giữa một bên là Iran và bên kia là Ả Rập Xê Út.

Việc đóng cửa eo biển có thể dẫn đến sự gián đoạn lớn nguồn cung dầu toàn cầu.

Trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988), cả hai quốc gia đều nhắm mục tiêu vào tàu chở dầu - Iraq nhắm vào các tàu đang bốc hàng quanh đảo ở phía bắc Vịnh và Iran nhắm vào các tàu ở phía Nam và trên eo biển. 

Eo biển có một lịch trình "phân làn giao thông" để giảm nguy cơ va chạm. Khả năng di chuyển hạn chế và chậm trong lối đi hẹp làm tăng đáng kể nguy cơ bị tấn công của các tàu đi qua, từ cả trên bờ và từ các tàu di chuyển trên eo biển. Trong thực tế, khi xung đột vì các tàu chở dầu diễn ra, phạm vi ảnh hưởng còn rộng hơn nhiều, bao gồm toàn bộ Vịnh, eo biển và Vịnh láng giềng của Oman, Biển Ả Rập và Biển Đỏ phía Nam.

Iran có một số lựa chọn để nhắm mục tiêu vào các chuyến hàng nếu họ muốn tấn công, bao gồm mìn, pin tên lửa, tàu ngầm, tàu hải quân và một đội tàu nhỏ có khả năng điều khiển nhanh và linh hoạt do lực lượng vệ binh cách mạng điều hành. Trong cuộc chiến tàu chở dầu, phần lớn được thực hiện bởi mìn, tên lửa Silkworm trên bờ và các cuộc tấn công bằng tàu cao tốc sử dụng lựu đạn và súng máy.

Bất chấp các mối đe dọa của Iran, hàng ngàn trang phân tích được công bố về khả năng đóng cửa eo biển của nước này, ít có khả năng họ có thể chặn eo biển này để vận chuyển trong hơn một vài ngày hoặc vài tuần. Vì những nỗ lực để đóng eo biển sẽ được Mỹ và các đồng minh giải thích như là một hành động xâm lược và kích hoạt một phản ứng quân sự.

Với ưu thế trên không và trên biển, Mỹ có thể ngăn chặn các pin tên lửa trên bờ, các hoạt động hải quân trên mặt nước, cũng như tàu ngầm và tàu cao tốc. Dưới sự bảo vệ của lực lượng hải quân Mỹ và đối tác, Iran sẽ không thể tấn công tàu chở dầu hay tàu hộ tống mà không xảy ra xung đột trực tiếp với tàu chiến Mỹ.

Vấn đề thực sự là xung đột vũ trang ở eo biển có thể leo thang thành một cuộc xung đột rộng lớn hơn giữa Mỹ và Iran từ nhiều tác nhân phụ. Các tác nhân này có thể bao gồm Yemen, miền đông Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Iraq, Syria, Afghanistan và xa hơn nữa, cũng như bên trong chính Iran.

"Leo thang có kiểm soát"?

Mối quan tâm về xung đột vũ trang ở eo biển này là sự leo thang không kiểm soát giữa Mỹ và các đối tác với Iran. Hiện tại, Mỹ cam kết công khai chính sách leo thang có kiểm soát, sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế ngày càng chặt chẽ hơn để buộc Iran phải đàm phán về hạt nhân và các vấn đề khác. Các quan chức cao cấp Mỹ trấn an các đối tác Châu Âu, Nga và Trung Quốc rằng kiểm soát leo thang kinh tế là một sự thay thế khả thi cho cuộc đối đầu quân sự.

Các nhà ngoại giao Mỹ có xu hướng coi cách tiếp cận này là "ngoại giao cưỡng chế", biện pháp để thay thế cho chiến tranh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bàn cãi xung quanh việc ngoại giao cưỡng chế là một sự thay thế thực sự cho chiến tranh hay chỉ đơn giản là khúc dạo đầu cho xung đột vũ trang.

Nhưng ngoại giao cưỡng chế đòi hỏi phải có sự điều chỉnh tinh tế về mức độ áp lực để đảm bảo leo thang có kiểm soát không xoắn ốc thành leo thang không kiểm soát.

Mỹ đã tăng mạnh áp lực kinh tế đối với Iran bằng cách loại bỏ tất cả các miễn trừ cho người mua dầu thô Iran từ đầu tháng 5 và hiện đang đe dọa xuất khẩu hóa dầu của nước này. Sự leo thang trừng phạt kinh tế theo sau một loạt các cuộc tấn công khác: Đổ lỗi cho Iran về một số cuộc tấn công vào các chuyến hàng qua khu vực; một cuộc tấn công tên lửa ở Baghdad; báo cáo tình báo về hoạt động thù địch nhằm vào lực lượng Mỹ; và việc triển khai thêm quân đội Mỹ đến khu vực.

Khi việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt được hứa hẹn với Iran cùng với thỏa thuận hạt nhân năm 2015 cũng "bốc hơi", Tehran đẩy mạnh các hoạt động hạt nhân và đe dọa sẽ ngừng tuân thủ một số điều khoản khác của thỏa thuận.

Mặc dù căng thẳng leo thang, Mỹ phủ nhận ý định thay đổi chế độ ở Iran, đưa ra các cuộc đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết, và nhấn mạnh số lượng nhỏ quân đội bổ sung được gửi đến khu vực. Iran tuyên bố họ không muốn chiến tranh và đã thả một cư dân Mỹ bị giam giữ trước đó. Những động thái này cho thấy cả hai đều có vẻ là các biện pháp xây dựng lòng tin. Các nhà ngoại giao và các nhà hoạch định chính sách hàng đầu từ Thụy Sĩ, Đức và Nhật Bản cũng dường như có liên quan đến nỗ lực hòa giải giữa hai bên.

Các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Mỹ dường như tin rằng họ đã kiểm soát được sự leo thang, cho phép họ tăng và giảm áp lực lên Iran theo ý muốn mà không có quá nhiều rủi ro. Trong kịch bản này, lựa chọn tốt nhất của Iran là chấp nhận mức độ áp lực của Mỹ thay vì rủi ro leo thang hơn nữa. 

Nhưng trong một môi trường căng thẳng như vậy, luôn có nguy cơ một sự cố hoặc tai nạn nhỏ sẽ leo thang theo những cách không được lên kế hoạch. Eo biển Hormuz theo đó không chỉ quan trọng bởi lượng dầu đi qua mỗi ngày, mà còn bởi nó là một điểm nóng có thể làm bùng phát xung đột nhanh chóng mà các bên không lường trước.

Phương Anh
Bình luận