Theo cơ quan chức năng Indonesia, con số thương vong dự kiến vẫn tiếp tục tăng, 24 người vẫn còn mất tích.
“Chúng tôi đang rà soát lại các thông tin về tác động của trận sóng thần đối với khu vực Eo biển Sunda, đặc biệt là Serang, Pangdeglang và phía Nam Lampung” – người phát ngôn Cơ quan Quản lý thảm họa Sutopo Purwo Nugroho cho biết. Trận sóng thần được cho là do ảnh hưởng từ một vụ phun trào núi lửa Anak Krakatau trước đó.
Hàng trăm ngôi nhà đã bị hư hỏng trong khi số người chết tiếp tục tăng. Đường sá bị các mảnh vỡ cản trở, xe cộ lật nhào, cây đổ. Người dân và khách du lịch được cảnh báo tránh xa các bãi biển và cảnh báo sóng lớn sẽ tiếp tục được duy trì đến 25/12.
Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là vùng Pandeglang của tỉnh Banten ở Java, bao gồm Công viên quốc gia Ujung Kulon và những bãi biển nổi tiếng phía Tây Nam thủ đô Jakarta.
Các nhà khoa học cho biết sóng thần có lẽ gây ra do vụ phun trào Anak Krakatau, một hòn đảo núi lửa hình thành trong nhiều năm từ núi lửa Krakatoa gần đó. Họ cũng nhắc đến sóng thủy triều do trăng tròn gây ra.
Vụ phun trào Anak Krakatoa xảy ra vào khoảng 9 giờ tối 22/12 theo giờ địa phương. Sóng thần ập đến chỉ khoảng 25 phút sau. Theo các quan chức Cơ quan Quản lý thảm họa, không có trận động đất nào (thường là nguyên nhân gây ra sóng thần), nên đã không có đủ thời gian cảnh báo cho người dân. Bên cạnh đó, theo Guardian, sóng thần cũng không quá cao, chỉ khoảng 1 m, nhưng vấn đề là người dân thường xây các công trình gần bờ biển và một số công trình này đã bị san phẳng.
Video: Khung cảnh tan hoang sau sóng thần Indonesia
Bình luận