Mở đầu bức thư gửi ông Pompeo đề ngày 29/7, nhóm nghị sỹ Mỹ khẳng định các hành vi hung hăng của Trung Quốc ở vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác, các tuyên bố chủ quyền vô lý, hành động quân sự hóa các thực thể, phớt lờ Phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực bác bỏ dứt khoát yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông cũng như việc Bắc Kinh gây áp lực buộc các nước ASEAN đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) theo hướng có lợi cho mình là các vấn đề mà Mỹ cần ưu tiên lưu tâm vào thời điểm hiện tại.
"Biển Đông, nơi luật pháp quốc tế được tôn trọng, tự do hàng hải, thương mại được đảm bảo, các quốc gia trong khu vực không phải chịu các hành vi bắt nạt là các vấn đề quan trọng đối với các lợi ích của Mỹ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Các hành động hăm dọa, ép buộc, phớt lờ các cơ chế trọng tài ngoại giao hòa bình và đe dọa sử dụng vũ lực của Trung Quốc trong vài năm qua đang đe dọa tới các lợi ích này", bức thư có đoạn.
Bức thư với lời lẽ mạnh mẽ đến từ 4 thượng nghị sỹ đảng Dân chủ, bao gồm Bob Menendez (bang New Jersey), Ed Markey (Massachusetts), Patrick Leahy (Vermont) và Brian Schatz (Hawaii).
Trong thư, các nghị sỹ Mỹ hoan nghênh việc chính phủ liên tục lên án các hành động quân sự hóa trên Biển Đông của Bắc Kinh cũng như các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải mà Mỹ đã và đang thực hiện. Họ đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn cản các hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, chấm dứt cảnh để Trung Quốc lộng hành mà không phải chịu trừng phạt.
Theo các nghị sỹ Mỹ, để làm được điều này cần phải có chiến lược rõ ràng và toàn diện cùng sự đồng thuận của các đối tác và đồng minh trong khu vực với ASEAN.
Từ đó, họ kêu gọi Ngoại trưởng Mỹ coi diễn đàn tới đây tại Bangkok là cơ hội để Mỹ thống nhất với các quốc gia Đông Nam Á trong nỗ lực chống lại âm mưu phá hoại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm nay, 30/7, bắt đầu chuyến công du ba nước Thái Lan, Australia và Micronesia trong vòng một tuần.
Trong chặng dừng chân đầu tiên tại Bangkok, ngày 1/8, ông Pompeo sẽ đồng chủ trì Hội nghị Ngoại trưởng Mỹ - ASEAN và Hội nghị cấp Ngoại trưởng Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong.
Tiếp đó, ngày 2/8, Ngoại trưởng Pompeo sẽ phát biểu tại Hội Siam về sự can dự kinh tế của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; tham dự Hội nghị cấp Ngoại trưởng Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Hội nghị Ngoại trưởng Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), và tổ chức cuộc gặp song phương với Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai, để thảo luận những cách thức nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ đồng minh Mỹ - Thái.
Theo các nguồn tin, Biển Đông sẽ là một trong những vấn đề nổi cộm ở chương trình nghị sự của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong chuyến thăm tới Thái Lan lần này.
"Biển Đông là một phần then chốt, dự kiến đây sẽ là chủ đề nổi bật trong các cuộc thảo luận. Dường như sự quan tâm ngày càng gia tăng tại khu vực, cụ thể là các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), cũng như mong muốn đảm bảo bất kỳ bộ quy tắc ứng xử nào cũng đều phù hợp với luật pháp quốc tế hiện hành, cụ thể là luật biển. Những vấn đề này sẽ được nêu ra và rõ ràng chúng tôi muốn đảm bảo sự ổn định tại đó", một quan chức Mỹ cho hay.
Tiếp sau Thái Lan, ngày 4/8, Ngoại trưởng Pompeo sẽ cùng tân Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper tham dự các cuộc tham vấn cấp bộ trưởng Mỹ - Australia (AUSMIN).
Ông Pompeo sẽ tham gia các cuộc đối thoại nhằm tăng cường quan hệ đồng minh song phương, hợp tác Mỹ - Australia để giải quyết những thách thức toàn cầu và xuyên quốc gia; bảo vệ chủ quyền của các quốc đảo Thái Bình Dương và Đông Nam Á.
Chặng dừng chân cuối cùng của Ngoại trưởng Pompeo ở Micronesia nhằm tái khẳng định mối quan hệ đối tác đặc biệt đối với quốc đảo Thái Bình Dương này. Đây cũng là chuyến thăm lần đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ đến Micronesia.
Bình luận