• Zalo

Mỹ ấn định thời điểm rời bỏ hiệp ước hạt nhân lịch sử Nga-Mỹ

Thế giớiThứ Năm, 17/01/2019 13:29:00 +07:00Google News

Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân chiến lược Tầm trung (INF) vào tháng 2/2019, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ chuyên trách Kiểm soát vũ khí và An ninh Quốc tế Andrea Thompson thông báo với các quan chức NATO hôm 16/1.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi cuộc đàm phán về số phận của INF hôm 15/1 giữa phái đoàn ngoại giao Nga và Mỹ đổ vỡ. 

Nói về lý do Mỹ vẫn quyết định rút khỏi INF, bà Thompson nhấn mạnh Nga là bên vi phạm các điều khoản trong hiệp ước khi tiếp tục phát triển hệ thống tên lửa 9M729. 

ten_lua_dan_dao_tam_trung_rsd10_pioneer01_ksaa

Một loại tên lửa đạn đạo tầm trung của Nga được định danh RSD-10 Pioneer. (Ảnh: RG) 

INF được Mỹ và Liên Xô ký kết vào năm 1987, được coi là bước khởi đầu quan trọng trong việc chấm dứt Chiến tranh lạnh kéo dài gần nửa thế kỷ giữa hai siêu cường. Hiệp định INF cấm phát triển, triển khai và thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất hoặc tên lửa hành trình với phạm vi từ 300 đến 3.400 dặm (khoảng gần 500 km đến 5000 km). 

Trong cuộc gặp hôm 17/1, phái đoàn Nga tại Geneva cảnh báo Mỹ không làm trầm trọng thêm tình hình và khẳng định Matxcơva luôn tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản trong hiệp ước. 

Tổng thống Putin trong cuộc phỏng vấn hôm 16/1 khẳng định Nga không hứng thú tham gia vào một cuộc đua vũ khí với Mỹ, nhưng cảnh báo Washington về một hậu quả nghiêm trọng nếu chính quyền Trump rời bỏ INF. 

Tổng thống Trump lần đầu tiên đe dọa rút khỏi hiệp ước mang tính chất bước ngoặt cách đây hơn 30 năm vào tháng 10/2018. Cha đẻ của INF, cựu lãnh đạo Liên bang Xô viết (từ 1985 đến 1991) Mikhail Gorbachev ngay sau đó cảnh báo sẽ là một sai lầm không thể chấp nhận nếu nhà lãnh đạo Mỹ không thay đổi quyết định đe dọa tới hòa bình thế giới này. 

Tới đầu tháng 12/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Mỹ sẽ đình chỉ thực hiện các nghĩa vụ trong Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân chiến lược Tầm trung (INF) trong 60 ngày trừ khi Nga quay trở lại tuân thủ đầy đủ hiệp ước. Nga lập tức bác bỏ việc nước này vi phạm Hiệp ước và cáo buộc Mỹ vi phạm thỏa thuận kiểm soát vũ khí, làm gia tăng căng thẳng giữa 2 nước.

Đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison hôm 16/1 cho biết Nga có 6 tháng để cứu vớt  INF sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước nếu vẫn muốn giữ gìn thỏa thuận. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn