“Hai máy bay B-52H Stratofortness cất cánh từ căn cứ không quân Andersen, đảo Guam và tham gia vào các nhiệm vụ huấn luyện thường xuyên ngày 4/3/2019” – tuyên bố của Lực lượng không quân Thái Bình Dương Mỹ.
"Một máy bay ném bom đã thực hiện huấn luyện ở vùng lân cận Biển Đông trước khi quay trở lại đảo Guam, trong khi chiếc còn lại huấn luyện ở vùng lân cận Nhật Bản phối hợp với Hải quân Mỹ và cùng với các đối tác không quân Nhật Bản của chúng tôi trước khi quay trở lại đảo Guam", tuyên bố nói.
Cả hai hoạt động bay đều là một phần trong các nhiệm vụ "Hiện diện máy bay ném bom liên tục" của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, nhằm duy trì sự sẵn sàng của các lực lượng Mỹ. Các chuyến bay đã được thực hiện theo luật pháp quốc tế, đơn vị cho biết.
Theo CNN, dù Mỹ thường xuyên cử máy bay ném bom ở khu vực gần Biển Đông, chuyến bay hôm thứ Hai là chuyến bay đầu tiên liên quan đến một chiếc B-52 có khả năng hạt nhân kể từ tháng 11/2018. ABC News là kênh đầu tiên đưa tin.
Mỹ điều các máy bay ném bom B-1, B-52 và B-2 tới căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam từ năm 2004 như một phần của nhiệm vụ hiện diện máy bay ném bom liên tục. Bắc Kinh đặc biệt nhạy cảm về sự hiện diện của lực lượng quân đội Mỹ gần các đảo Trung Quốc bồi đắp, chiếm đóng và xây dựng các cơ sở quân sự trái phép.
Vào tháng 9/2018, một tàu chiến Trung Quốc đã áp sát tàu khu trục USS Decatur của Mỹ ở phạm vi 45 mét, buộc tàu Mỹ phải chủ động tránh va chạm và Hải quân Mỹ sau đó lên án hành động của Trung Quốc là "không an toàn và không chuyên nghiệp".
Sự cố xảy ra trong khi Decatur đang thực hiện "Chiến dịch tự do hàng hải", liên quan đến việc di chuyển trong phạm vi 12 hải lý của các Đá Gaven và Johnson ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Mỹ trong năm 2018 liên tiếp đưa ra bằng chứng cáo buộc Trung Quốc triển khai tên lửa chống hạm, thiết bị gây nhiễu điện tử và tên lửa đất đối không tới các đảo chiếm đóng, bồi đắp trái phép ở Biển Đông.
Đầu tháng 2 vừa qua, Mỹ điều 2 tàu khu trục tên lửa dẫn đường tiến vào khu vực 12 hải lý quanh đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Chiến dịch này là nỗ lực mới nhất của Washington chống lại điều mà Mỹ nhìn nhận là những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hạn chế tự do hàng hải trong khu vực.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông những năm gần đây gia tăng căng thẳng sau khi Washington liên tục triển khai các hoạt động trong khuôn khổ chiến dịch tự do hàng hải, thách thức tuyên bố phi lý, ngang ngược về chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực này, đồng thời kêu gọi các quốc gia khác có hành động tương tự.
Video: Mỹ khẳng định tiếp tục hiện diện ở Biển Đông
Bình luận