Lo ngại xảy ra chiến tranh hạt nhân, các chính trị gia Mỹ kêu gọi ông Trump giảm căng thẳng với Nga

Thế giớiThứ Sáu, 12/04/2019 11:49:00 +07:00

Các chính trị gia kỳ cựu của Mỹ đã kêu gọi Tổng thống Donald Trump xem xét lại chính sách của nước này đối với Nga.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ George Shultz (nhiệm kỳ 1982-1989), cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry (nhiệm kỳ 1994-1997) và cựu Thượng nghị sĩ Sam Nunn đã kêu gọi Tổng thống Donald Trump xem xét lại chính sách của Mỹ đối với Nga hiện nay. Các chính trị gia kỳ cựu của Mỹ cùng lên tiếng trong một bài báo đăng trên tờ Wall Street Journal.

Các chính trị gia cho rằng mối quan hệ Nga - Mỹ hiện nay đang rơi vào bế tắc và điều này có thể dẫn đến sự đối đầu nguy hiểm, đẩy hai nước chuyển hướng sang việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Các cựu quan chức Mỹ tin rằng mức độ của mối đe dọa sắp xảy ra thậm chí còn nguy hiểm hơn mối đe dọa với nhân loại trong Chiến tranh Lạnh.

Các chuyên gia quả quyết rằng Washington cần một cách tiếp cận mới trong quan hệ với Matxcơva vì đường hướng chính trị cũ đã lỗi thời và Quốc hội Mỹ nên đóng vai trò chính trong quá trình này.

1

Hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ trong cuộc họp báo tại Helsinki, Phần Lan tháng 7/2018. (Ảnh: RIA Novosti)

Các chính trị gia đang đề xuất thành lập một nhóm lưỡng đảng trong Quốc hội, song song có trách nhiệm củng cố NATO và khôi phục đối thoại với Nga. Theo họ, cách tiếp cận như này vào những năm 1980 đã giúp cải thiện quan hệ với Liên Xô và giảm mức độ căng thẳng, cuối cùng dẫn đến sự kết thúc hoàn toàn Chiến tranh Lạnh.

Ngoài ra, các chính trị gia cũng kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng đưa ra tuyên bố chung lên án vũ khí hạt nhân và chiến tranh hạt nhân.

Một  tuyên bố như vậy giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ, theo quan điểm của các chính trị gia kỳ cựu sẽ khiến thế giới hiểu rõ rằng mặc dù tồn tại căng thẳng trong quan hệ hai nước, song Nga và Mỹ đều hiểu trách nhiệm của mình và sự cần thiết phải làm việc vì an ninh của toàn thế giới. Ngoài ra, một động thái tích cực của Washington và Matxcơva có thể thúc đẩy các cường quốc hạt nhân khác cắt giảm kho vũ khí của mình.

"Chúng tôi hết sức coi trọng việc khởi động lại quan hệ với Nga trong các phương diện mà chúng tôi có chung lợi ích căn bản, bao gồm làm thế nào để giảm thiểu sự phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân, ngăn chúng rơi vào tình trạng bất ổn, ngăn chặn việc sử dụng chúng và sau cùng là chấm dứt mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới", bài báo của 3 chính trị gia cho biết.

Các chính trị gia Mỹ cũng kêu gọi ông Putin và ông Trump tiếp tục tăng cường hợp tác lẫn nhau giữa các nước. Theo họ, sự khởi đầu đã được thực hiện trong các cuộc đàm phán ở Helsinki (Phần Lan), nhưng sau đó đã không có tiến triển gì thêm.

Hạnh Vũ
Bình luận
vtcnews.vn