Ngày 8/4, Bloomberg dẫn lời Thượng nghị sĩ Mỹ, ông Marco Rubio, cho biết rằng các nhà lập pháp của nước này đã quá mệt mỏi với các biện pháp trừng phạt Nga.
Ông Rubio khẳng định: “Những ngày này chúng tôi đang phải đối mặt với đôi chút mệt mỏi xung quanh vấn đề trừng phạt Nga. Hy vọng chúng tôi có thể sớm đưa ra được nhiều cái tên hơn”.
Theo tờ báo này, một số thượng nghị sĩ Mỹ vẫn muốn trừng phạt Nga vì đã can thiệp vào cuộc bầu cử và hành động của Mỹ ở các nước khác, nhưng lại không thể đi đến một ý kiến thống nhất về các biện pháp cụ thể. Bên cạnh đó, Thượng viện Mỹ cũng đang lo ngại rằng các lệnh trừng phạt mới có thể sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ.
Kết quả là Quốc hội Mỹ đang bị chia rẽ với đảng Dân chủ chiếm đa số tại Hạ viện và đảng Cộng hòa tại Thượng viện. Điều này gây khó khăn cho việc thông qua các dự luật trước Quốc hội, ngăn cản những chính sách trọng yếu của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump được thực thi thuận lợi.
"Biện pháp trừng phạt là con dao hai lưỡi. Do đó, chúng ta thực sự cần lùi lại một bước và đánh giá xem hiện giờ chúng ta đang ở đâu và có thể làm gì", Thượng nghị sĩ Ron Johnson của đảng Cộng hòa từ Wisconsin nói với hãng thông tấn Bloomberg.
Đầu tháng 4, các thượng nghị sĩ Marco Rubio và Chris Van Hollen của đảng Dân chủ từ Maryland đã đề xuất một dự luật trước Quốc hội về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga để ngăn chặn sự quốc gia này can thiệp vào cuộc bầu cử của Mỹ.
Dự luật xem xét khả năng thực thi các biện pháp hạn chế đối với lĩnh vực ngân hàng, năng lượng và quốc phòng nhằm cô lập nền kinh tế Nga, cũng như với các khoản nợ mà chính phủ Nga đứng tên.
Hôm 29/3 vừa qua, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã lên tiếng cho rằng Mỹ sẽ không bao giờ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Nga. Theo ông, khả năng các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ là rất thấp, bởi trong lịch sử chưa từng có khoảng thời gian nào Washington ngừng có những hành động hạn chế đối với Matxcơva.
Các lệnh trừng phạt chống Nga bắt đầu được Mỹ và các các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu áp đặt kể từ năm 2014 và liên tục tăng dần cho đến nay. Lý do cho các biện pháp hạn chế đó là cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine và Crưm sáp nhập vào Nga.
Đáp lại, Nga cũng đã áp đặt lệnh cấm vận đối với một số sản phẩm từ các quốc gia ủng hộ trừng phạt, cũng như xây dựng chính sách hướng tới thay thế thị trường xuất-nhập khẩu.
Video: Ông Trump và ông Putin cần nhau
Ngoài ra, vào tháng 8 năm ngoái, Mỹ cũng đã công bố áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga mới liên quan đến “vụ cựu điệp viên Sergei Skripale bị đầu độc ở Anh”. Gói hạn chế đầu tiên có hiệu lực vào ngày 27/8. Trong đó quy định cấm xuất khẩu sang Nga các sản phẩm đa mục đích. Gói thứ hai xem xét hạ thấp mức độ quan hệ ngoại giao và lệnh cấm bay đến Mỹ đối với máy bay của hãng Aeroflot.
Đến ngày 15/3 vừa qua, Washington tiếp tục mở rộng các lệnh trừng phạt chống Nga, đưa vào danh sách đen thêm 6 cá nhân và 8 công ty của Nga. Những hạn chế này được đưa ra cùng lúc với các biện pháp của EU và Canada – những nước cũng tuyên bố áp dụng trừng phạt đối với Nga vì tình hình ở Ukraine, đặc biệt là liên quan đến vụ việc ở Biển Đen.
Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố rằng Nga chắc chắn sẽ có những bước đi đáp trả đối với các lệnh trừng phạt nhằm vào công dân nước này liên quan đến vụ đụng độ ở eo biển Kerch.
Bình luận