Đại tướng David Berger, người vừa lên nắm quyền chỉ huy Thủy quân lục chiến Mỹ hồi tháng 7, khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực để trở thành một lực lượng chuyên về tác chiến trên biển hơn, có thể phản ứng nhanh chóng khi có xung đột và tạo lợi thế cho quyết định của các chỉ huy quân sự và nhà ngoại giao.
“Chúng tôi coi Trung Quốc là mối đe dọa cần phải lường trước, nhưng không muốn có chiến tranh. Thay vào đó, Thủy quân lục chiến Mỹ tự xác định là lực lượng phản ứng đầu tiên với bất kỳ cuộc chiến nào nổi lên, nhanh chóng đến hiện trường để đóng băng cuộc xung đột và cho phép các nhà ngoại giao có lợi thế trên bàn đàm phán và xuống thang căng thẳng” - Tướng Berger nói với một nhóm nhỏ phóng viên tại văn phòng trong tuần này.
Tướng Berger cho biết ông sẵn sàng cho công chúng thấy một cách nhìn hiện đại hơn về những gì Thủy quân lục chiến có thể mang lại.
Sau nhiều năm bị xem như lực lượng thứ hai trên mặt đất trong các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, ông Berger nói rõ rằng ông muốn Thủy quân lục chiến hôm nay và ngày mai là một lực lượng thủy quân lục chiến có thể lên bờ, thay vì là “lực lượng bộ binh vác ba lô lên tàu chiến”.
“Trong những cuộc chiến dài hơn trên mặt đất, chúng tôi phải làm điều đó, nhưng thực ra đó không phải là lý do tại sao chúng tôi có một Thủy quân lục chiến” - ông Berger nói.
Tướng 4 sao Mỹ khẳng định Thủy quân lục chiến Mỹ cần được cải tổ, tăng cường năng lực tác chiến trên biển trước tham vọng muốn “soán ngôi” Mỹ của Trung Quốc. Mặc dù thừa nhận Nga cũng đưa ra những thách thức đối với lực lượng này, nhưng ông Berger nhấn mạnh rằng Trung Quốc mới là mối đe dọa tồn tại lâu dài đối với người Mỹ.
Ông Berger tin rằng Trung Quốc là một mối đe dọa thường trực và năng lực quân sự của Trung Quốc đang phát triển từng ngày, do đó, các khả năng của Mỹ cũng phải vượt lên trước mối đe dọa thường trực đó.
“Trung Quốc có thể tạo ra một lực lượng tác chiến mặt đất hạng nặng thông thường, nhưng vai trò của Thủy quân lục chiến trong cuộc chiến phối hợp chung sẽ là ngăn chặn sự gây hấn của Trung Quốc theo kiểu bất đối xứng: chúng ta sẽ không đồi đầu theo kiểu xe tăng với xe tăng, mà thay vào đó, Thủy quân lục chiến sẽ đến từ biển một cách lanh lẹ, khiến hàng phòng thủ của Trung Quốc bị áp đảo và họ sẽ không thể ngăn chặn một cuộc tấn công đa hướng” - ông Berger cho biết.
Tuy nhiên, theo lời ông, khả năng “đóng băng” xung đột tại chỗ của Thủy quân lục chiến chỉ có thể thành công nếu họ có thể tiếp cận điểm xung đột một cách nhanh chóng.
Video: Cái nhìn mới về Thủy quân lục chiến Mỹ.
“Nếu chiến tranh là một trận chiến của ý chí, Thủy quân lục chiến phải nhanh chóng cho kẻ thù thấy rằng hôm nay không phải là ngày để phát động một cuộc chiến lớn. Tuy nhiên, nếu thông điệp đó không được gửi đi trong thời gian ngắn, việc đóng băng cuộc chiến sẽ là không thể. Để làm được điều đó, Thủy quân lục chiến cần được phân tán khắp Thái Bình Dương, luôn hiện diện trên biển trong thời gian huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ, và sẵn sàng nhanh chóng di chuyển khi có lệnh” - ông Berger kết luận.
Bình luận