Theo Wired, ngày 23/5/1967, không quân Mỹ chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân trả đũa vì cho rằng Liên Xô đang gây nhiễu tín hiệu radar do thám của họ ở vùng cực.
Vào ngày hôm đó, các hệ thống radar ở cả ba khu vực thuộc Hệ thống cảnh báo tên lửa đạn đạo (BMEWS) tại bắc bán cầu của Mỹ đều bị nhiễu loạn. Bất kỳ cuộc tấn công nào vào các khu vực này, gồm cả hoạt động gây nhiễu, đều được xem là hành vi kích động chiến tranh.
Tuy nhiên, khi sử dụng thông tin từ Trung tâm Dự báo Mặt Trời thuộc Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ, các nhà nghiên cứu thời tiết chỉ ra chính Mặt Trời là thủ phạm làm gián đoạn thông tin, không phải Liên Xô. Kết quả là hàng loạt vũ khí hạt nhân sắp được triển khai được ngừng lại, giúp nhân loại tránh được một thảm họa khủng khiếp.
"Nếu chúng ta không sớm đầu tư vào quan sát, dự báo bão Mặt Trời và địa từ trường, tác động của cơn bão từ lên Trái Đất đã nghiêm trọng hơn rất nhiều", nhà vật lý không gian Delores Knipp tại Đại học Colorado ở Boulder, Mỹ, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Quân đội Mỹ bắt đầu theo dõi hoạt động của Mặt Trời và thời tiết trong vũ trụ từ cuối những năm 1950. Đến thập niên 1960, Air Weather Service (AWS), cơ quan chuyên theo dõi sự phun trào năng lượng của Mặt Trời trực thuộc Không quân Mỹ ra đời.
Những đợt phun trào dữ dội bức xạ trong thời gian ngắn từ khí quyển Mặt Trời có thể dẫn đến rối loạn mạng lưới điện trên Trái Đất và làm gián đoạn liên lạc thông tin qua sóng vô tuyến.
Từ sự cố trên, quân đội Mỹ nhận ra tầm quan trọng của thời tiết vũ trụ và đã xúc tiến việc xây dựng hệ thống dự báo hiệu quả hơn.
Bình luận