Theo The Guardian, xu hướng đô thị hóa ngày càng mạnh trên thế giới cho thấy nhu cầu về cát sẽ không giảm và nguồn tài nguyên này khó có cơ hội phục hồi trong tương lai gần.
Hút và bán
Fey Wei Dong, doanh nhân người Thượng Hải, Trung Quốc nói mỗi năm ông cào cát và bán với tổng giá trị hàng hóa lên đến 220.000 USD. Địa điểm khai thác của Fey là một làng chài ở hồ Poyang, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, thiên đường của hàng triệu chim di cư, trong đó có nhiều loài đang bị đe dọa.
Ngôi làng chỉ lác đác vài ngôi nhà xiêu vẹo, trong khi đó, dưới nước cách đó không xa là các tàu nạo vét hiện đại khổng lồ và những chiếc sà lan cỡ lớn sẵn sàng bốc cát chở đi bán. Sau khi nạo vét cát từ đáy hồ Poyang, những chiếc sà lan xuôi 600 km theo dòng Dương Tử đến bán cho các chủ thầu xây dựng ở Thượng Hải, thành phố đang bùng nổ xây dựng và kéo theo nhu cầu cát để trộn bê tông.
Trong 20 năm trở lại đây, Thượng Hải cũng như nhiều đô thị lớn trên thế giới đang phát triển bùng nổ. Quá trình đô thị hóa 'nuốt' một lượng cát khổng lồ cho nhu cầu xây dựng. Từ 2000 đến nay, Thượng Hải tăng 7 triệu dân, tổng số dân của thành phố hiện nay là 23 triệu người và chỉ 10 năm qua, số nhà cao ốc mọc lên ở Thượng Hải nhiều hơn tổng số cao ốc của New York hiện nay.
Fey thích thú khoe: "Cát tôi bán đã góp phần xây dựng sân bay Pudong của Thượng Hải".
Các tàu hút cát của Fey xếp hàng trên mặt hồ tạo thành đội hình khổng lồ. Kích thước tổng thể được ví như một tòa nhà chung chư đặt nằm ngang. Với công suất mạnh mẽ của chúng, mỗi giờ cao điểm số tàu này có thể hút tới 10.000 tấn cát từ lòng hồ. Một nghiên cứu gần đây cho biết, mỗi năm, có khoảng 236 triệu m3 cát được hút khỏi hồ Poyang.
Điều này khiến Poyang trở thành mỏ cát lớn nhất hành tinh, lớn hơn cả 3 mỏ lớn nhất của Mỹ cộng lại. David Shankman, nhà địa lý đến từ Đại học Alabama, thành viên của nghiên cứu nói trên cho biết: "Tôi không thể tin nổi những gì chúng tôi đã tính toán được".
Video: Trung Quốc biến cát thành đất trồng trọt
Việc nạo hút cát khiến mực nước của Poyang giảm mạnh trong vài năm gần đây. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng nước cung cấp cho khu vực xung quanh và làm tổn lại đến cuộc sống của cả người dân và các loài động vật ở đây.
Khủng hoảng toàn cầu
Poyang không phải là nơi duy nhất trên thế giới đang phải hứng chịu thảm cảnh này. The Guardian nói nhiều lòng sông, bãi biển cũng bị nạo vét, chưa kể đến những vùng đất nông nghiệp, đất rừng cũng bị đào xới để tìm cát.
Đây là cuộc khủng hoảng toàn cầu mà không phải ai cũng được nghe hay biết đến. Nguyên nhân chính là quá trình đô thị hóa, số lượng người sống ở các đô thị trên thế giới đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 1950.
Quá trình này làm nảy sinh nhu cầu xây dựng, từ chung cư, nhà cao tầng, cao ốc văn phòng cho tới trung tâm mua sắm, tất cả đều cần những khối bê tông, cần cát để hoàn thành.
Tại Ấn Độ, nhu cầu dùng cát xây dựng đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 2000 và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, Dubai với nhu cầu xây dựng mạnh mẽ, đa số là các nhà chọc trời đang phải nhập cát từ Australia.
Ở Trung Quốc, nửa tỷ người đang sống trong các khu đô thị, bằng sân số của Mỹ, Canada và Mexico cộng lại. Chưa kể đến, Trung Quốc đang là nơi tập hợp nhiều khu đô thị nhất trên thế giới hiện nay.
Chỉ trong vài năm gần đây, lượng xi măng Trung Quốc sử dụng lớn hơn cả nước Mỹ trong thế kỷ 20. Lượng cát xây dựng ở Trung Quốc năm 2016 đủ rải khắp bang New York với độ dày 2,3 cm.
Lượng cát này đa số đến từ sông Dương Tử. Tuy nhiên, những hiểm họa khôn lường về môi trường và sinh thái buộc Trung Quốc ra lệnh cấm khai thác cát ở sông này từ năm 2000. Điều đó khiến những người khai thác cát như Fey tìm đến hồ Poyang.
"Chúng tôi đến đây để kiếm tiền nhưng bây giờ bị cạnh tranh gay gắt. Có quá nhiều người đang đi hút cát", một thành viên trong nhóm tàu hút cát trên hồ Poyang chia sẻ.
Thiệt hại khủng khiếp
Poyang là hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, nơi đây có hệ sinh thái phong phú với hàng triệu chim di cư tránh rét trong mùa đông. Có thể kể đến các loài hạc, ngỗng, cò và nhiều loài quý hiếm sẽ xuất hiện ở đây vào mùa giá rét. Ngoài ra, hồ Poyang còn là nơi sinh sống của loài cá heo nước ngọt đang bị đe dọa.
Lượng cát xây dựng ở Trung Quốc năm 2016 đủ rải khắp bang New York với độ dày 2,3 cm.
Các nhà nghiên cứu cho biết, việc khuấy động lòng hồ và tiếng ồn sinh ra khi hút cát khiến cá heo bị hạn chế tầm nhìn và khả năng cảm nhận con mồi, vì thế, càng ngày chúng xuất hiện càng ít.
Một nữ ngư dân sinh sống gần hồ nói: "Các tàu thuyền hút cát đang phá hủy khu vực đánh cá của chúng tôi. Chúng là nước đục và hỏng cả lưới". Trong khi đó, một người đàn ông khác cho biết, dù đã đánh cá 30 năm ở Poyang nhưng giờ đây ông phải lên các tàu cát làm cửu vạn vì đánh cá không còn đủ trang trải cuộc sống.
Việc khai thác cát, từ thô sơ cho đến công nghiệp hóa đều làm ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực, môi trường và hệ sinh thái liên quan.
Ở Mỹ, trong thế kỷ 20, dọc bờ biển California có rất nhiều mỏ cát nhưng mối đe dọa do chúng gây ra buộc chính quyền phải đóng cửa toàn bộ vào những năm cuối của thập niên 80.
Trên thế giới, nhiều nhà hoạt động môi trường đang lên tiếng kêu gọi chính phủ hạn chế việc khai thác cát. Từ Lough Neagh của Bắc Ireland cho đến cảng Dover của Anh, tất cả đang phải hứng chịu nhiều sự phản đối khi đe dọa môi trường và các loài vật như hải cẩu, chim và sinh vật biển khác sống phụ thuộc bãi cát.
Mỗi kiểu khai thác lại gây ra những mối đe dọa khác nhau. Nếu hút cát từ lòng sông, hồ sẽ làm biến đổi lớp trầm tích, khuấy đục dòng nước gây ảnh hưởng đến cuộc sống của các sinh vật trong khu vực. Chưa kể đến những thiệt hại gây cho các công trình trên sông như lộ móng cầu, sạt lở đê kè.
Điều này khiến nhà chức trách Kenya phải cấm toàn bộ hoạt động khai thác cát trên sông ở nước này từ vài năm trước. Ngoài ra, việc khai thác cát cũng ảnh hưởng đến dòng chảy của sông và nguy cơ gây ra những thiệt hại khôn lường vào mùa lũ.
Đây không phải là những nguy cơ lý thuyết, việc hút cát đã khiến một cây cầu ở Đài Loan sập vào năm 2000 và 1 năm sau đó là tai nạn tương tự ở Bồ Đào Nha khiến 70 người chết vì khi cầu sập có xe buýt đang di chuyển.
Ngoài khai thác cát từ sông, hồ, nhiều nơi trên thế giới còn tìm cát ngầm từ các khu vực đất liền. Theo The Guardian, ở Việt Nam các công ty khai khác đã đào hàng trăm ha đất rừng, đất ruộng để tìm cát ngầm.
Chỉ trong vài năm gần đây, lượng xi măng Trung Quốc sử dụng lớn hơn cả nước Mỹ trong thế kỷ 20.
Khi những nguồn cung này dần cạn kiệt, họ sẽ chuyển sang khai thác cát ở biển, ví dụ như ở Anh, 1/5 lượng cát của họ được hút lên từ đáy biển. Hàng ngàn tàu hút khai thác cả triệu tấn cát mỗi năm sẽ gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đối với môi trường và những loài sinh vật trong khu vực.
Trong khi đó, các khu vực bãi biển của Campuchia cũng đang bị ảnh hưởng nặng về do hút cát. Các rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và cuộc sống của các loài cá heo, rùa biển bị đe dọa.
Hiểm họa của hút cát biển có thể thấy rõ ở Indonesia, quốc gia bị mất hơn 20 hòn đảo nhỏ vì hút cát kể từ năm 2005. Đa số lượng cát này được bán cho Singapore, quốc gia đang tìm mọi cách để mở rộng diện tích khiêm tốn của mình và trở thành nước nhập khẩu cát nhiều nhất thế giới.
Nhu cầu của Singapore lớn đến mức một số quốc gia lân cận buộc phải hạn chế xuất khẩu cát đến đây như Indonesia, Malaysia hay Việt Nam, The Guardian cho biết thêm.
Pascal Peduzzi, chuyên gia nghiên cứu của chương trình môi trường Liên Hợp Quốc cho biết: "Đây là sự phát triển không bền vững. Tương tự như việc chặt phá rừng". Tuy nhiên, lượng cát có thể khai thác bền vững là hữu hạn, trong khi đó, nhu cầu xây dựng trong quá trình đô thị hóa trên thế giới hiện nay vẫn không ngừng tăng.
Bình luận