Ngày 31- 10 vừa qua, dân số thế giới chạm tới mốc 7 tỷ người. Uyên Phương, một người mẹ trẻ ở TPHCM có mười đứa con, đang phải đi vay tiền ở chợ để nuôi chúng.
Uyên Phương sinh năm 1974. Cô được sinh ra lúc 1 giờ sáng, là con thứ ba trong gia đình không hòa thuận. Bố mẹ chia tay. Mẹ đã bỏ cô bé đỏ hỏn trong bệnh viện, trốn đi. Các xơ đang làm thủ tục nhận con nuôi thì người cô (em ruột bố) không có con nên tới bệnh viện xin nhận cháu làm con nuôi.
Uyên Phương và 6 trong số 10 đứa con.
Cô được đặt tên Uyên Phương, lấy họ chồng của cô ruột làm họ mình. Lớn lên, Uyên Phương gọi cô ruột là “mẹ” và do đó gọi bà nội là “bà ngoại”.
Uyên Phương nói: “Em lớn lên mà không biết đến giọt sữa mẹ. Bà ngoại thì đã già và rất nghèo. Người duy nhất yêu thương em hết lòng là bà ngoại đó”.
Tuổi thơ cực khổ, Uyên Phương một mình tần tảo buôn bán đậu luộc ở chợ. Sáng tinh mơ, cô bé đạp xe đi ra tận chợ đầu mối, mua đậu về, luộc để bán.
Thỉnh thoảng giỗ chạp, chị cũng gặp lại bố và mẹ (cả hai đều có gia đình riêng và sống ở nơi khác), gặp anh và chị của mình. Nhưng họ không bao giờ nói chuyện với nhau. Phương nói suốt cuộc đời cực khổ của mình, cô chưa hề nhận được sự giúp đỡ nào từ những người máu mủ của mình.
“Em rất hận mẹ. Bà ấy đã từ chối nuôi em”. Với anh và chị của mình, cô nói: “Chúng em không có gì gắn bó với nhau. Chẳng biết nói chuyện gì. Em cũng đã quen với cuộc sống đơn độc rồi”.
Lúc bà ngoại già yếu, bà khuyên: “Cháu nên kiếm ai mà lấy chỗ nương tựa”. Cô bé tóc đuôi gà bèn nhận lời làm vợ của Tú, người bạn thường qua lại chơi ở chợ. Tú nói: “Nếu em không chê anh nghèo, hãy làm vợ anh”. Phương nói: “Em cũng quen với vất vả rồi”.
Gia đình riêng là chỗ dựa của Uyên Phương từ khi bà ngoại qua đời. Gia đình chồng cũng nghèo. Bốn cặp vợ chồng ở chung trong ngôi nhà cấp bốn cùng với người mẹ chồng. Sau do con cái nhiều, họ ra thuê nhà ở riêng. Đàn con nối nhau ra đời trong những ngôi nhà thuê tạm ẩm thấp, chật chội.
Rồi con cái đông đến mức nhà thuê chứa không nổi nữa, vợ chồng rồng rắn lại quay về ở với mẹ chồng. Bà cụ năm nay hơn 70 tuổi, nói: “Tôi bán nửa miếng đất, cất cái nhà, lấy chỗ để chúng nó ở. Công việc không có, con đông, khổ chúng quá chú à”. Bà cụ bán bún trong cái hẻm không lọt nổi chiếc xe máy ở đường Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận. Bọn trẻ về, đói sà vào ăn như một đàn chim non.
Người mẹ 37 tuổi. |
Triệt sản hụt
Chồng - Mai Thanh Tú, sinh 1970, làm nghề bốc vác. Vợ - Trần Thị Uyên Phương sinh 1974, làm đủ mọi nghề từ bán bún, bán hủ tiếu đến giặt quần áo thuê, giúp việc gia đình.
Các con của họ gồm: Mai Hồng Loan (1991), Mai Thủy Tiên (1993), Mai Ngọc Trâm (1996), Mai Thanh Thái (1998), Mai Thanh Ngân (2001), Mai Thanh Nga (2002), Mai Thanh Trung (2005), Mai Ngọc Trinh (2007), Mai Thanh Hằng (2009), Mai Thanh Nghĩa (2010). Gia đình còn tính thêm một cháu bị hư thai lúc 6 tháng nữa. Trong 20 năm, Phương mang thai 11 lần và sinh nuôi 10 đứa con.
Phương nói: “Phường có phát cho em bao cao su, nhưng ít dùng vì chồng em không quen”. Cô thường dùng thuốc tránh thai. “Thuốc này phải uống hằng ngày - chị nói- Nhưng em có quá nhiều việc, nhiều con cái, nợ nần xoay cả ngày, lâu lâu lại quên mất mấy ngày không uống thế là vỡ kế hoạch”.
Đã hai lần Phương được chồng chở lên bệnh viện để “điều hòa” khi mới mang thai. Nhưng thấy những người phụ nữ tái mét, xanh xao đi ra từ bệnh viện, cô rất sợ, bắt chồng chở về nhà. Sau khi sinh đứa thứ 8, được phường gọi lên để triệt sản. “Hôm đó còn vài ngày nữa hết tháng, em cố đi làm cho đủ ngày, để họ trả lương cho mình. Không ngờ lỡ mất dịp triệt sản”. Chị sinh tiếp 2 đứa nữa.
Hiện tại Phương vẫn uống thuốc tránh thai, không triệt sản: “Một lần em sinh, thấy có người mới sinh xong, triệt sản, bị nhiễm trùng suýt chết, em không dám mạo hiểm. Em có mệnh hệ gì, ai nuôi bọn nhỏ này?”.
Chị nói: “Chồng em làm phụ xe, mỗi tháng ăn rồi, anh đưa về chừng 400 ngàn, để dành mà đóng tiền học cho con. Mọi việc em phải lo hết”.
37 tuổi sinh 10 đứa con trong cảnh túng quẫn, chị phải căng sức để tồn tại trong cái thành phố mọi thứ trở nên đắt đỏ, đồng tiền mất giá. Tuổi thanh xuân đời chị chưa một ngày ngừng nghỉ. Chị nói: “Có mang cả 10 đứa, em đều không đi khám thai lần nào”.
Chị kể: “Đi giúp việc, bán hàng, giặt đồ thuê hùng hục, trước hai ngày sinh em mới vào viện. Đẻ xong, nằm viện 3 ngày, vay tiền trả cho viện xong thì về. Một tháng sau cặm cụi đi làm trở lại. Việc gì cũng làm hết, kể cả chùi nhà vệ sinh cho người ta”.
Hiện cái Hằng và thằng Nghĩa vẫn còn bú sữa mẹ. Phương mệt nhoài nói: “Có lúc nằm giữa mười đứa con, nước mắt tự dưng rớt ra”.
Chị em vui đùa với nhau. |
Mỗi đứa con 3 cây vàng (?!)
Phương nói sự khác nhau của cô với mẹ đẻ của mình là cô không bao giờ bỏ rơi con. Cô càng đùm bọc con mình.
Ngoài đứa con gái đầu chỉ học đến lớp sáu, Phương cố gắng cho đàn con sau này học hành càng nhiều càng tốt. Con gái thứ hai đang là sinh viên một trường cao đẳng du lịch. Sáu đứa khác theo học phổ thông. Phương có mẹo của mình: “Em làm gì có tiền mà đóng một lượt! Cứ đóng học phí dần dần từng đứa một. Con em bị gọi lên hoài”.
Hằng ngày cô vay tiền để bán hàng. Vay 300 nghìn đồng/ ngày, đi lấy bún, lấy đồ về bán hủ tiếu. Bán hết, lãi gần trăm ngàn. Chiều tối đi mua đồ cho đàn con ăn. “Hôm sau trả cho người ta 310 ngàn đồng cả vốn lẫn lãi. Bán lỗ, không có tiền trả, không vay được nữa. Phải tính chuyện làm việc khác”.
Phương nói: “Người nghèo trong phường em đã bán nhà đi gần hết rồi, giờ người giàu đến ở. Họ chẳng mấy khi ăn hủ tiếu của chúng em, cũng chẳng nói chuyện hay giúp đỡ gì. Khách của em là người từ các khu phố khác ghé qua thôi”. Chị bảo ngày trước người nghèo nhiều mà tình cảm thân thiết, “giờ toàn người giàu nhưng ai biết nhà nấy, đóng cửa im ỉm suốt ngày”.
Để trang trải tiền học hành cho con, cô ra chợ Phú Nhuận để vay lãi. Lãi mẹ đẻ lãi con, giờ nợ 12 triệu đồng. Mỗi ngày tiền lãi cả trăm ngàn, chồng chất lên mãi. Phương nói: “Lãi suất cao lắm, nhưng… không vay ở chợ thì biết vay nơi nào”.
Phương kể: “Người giàu đến xin con của em thường xuyên. Họ nói đem đi một đứa trả cho 3 cây vàng, em từ chối”.
Một điều khó hiểu là nhiều năm liền gia đình chị không được hưởng tiêu chuẩn hộ nghèo. Mãi đến năm nay họ mới được phường sở tại đưa vào danh sách. Học phí của sáu đứa con nhờ vậy được giảm nhiều. Riêng Thủy Tiên học cao đẳng, ông bố phải đem xe máy đi cầm, lấy 5 triệu để nạp học phí cho con. Rất nhiều lần chị bị gọi lên phê bình vì sinh nhiều con. Phương nói: “Gia đình em chẳng bao giờ nhận được sự giúp đỡ nào. Lần hồi nuôi nhau thôi anh ạ”.
Hỏi Phương nhân ngày thế giới đạt mốc 7 tỷ người, cô ước mơ gì không? Phương nói: “Em chỉ mong có được 12 triệu đồng trả cho người ta thôi. Lãi suất cao quá. Không trả được, họ cứ đến nhà chửi mẹ con em”.
Theo Trần Nguyễn Anh/ Tiền Phong
Bình luận