• Zalo

Thế giới 24h: Tranh cãi gay gắt về 'kem trinh nữ'

Thế giớiThứ Ba, 18/09/2012 07:46:00 +07:00Google News

(VTC News) - Ả Rập Xê Út cấm đàn ông bán nội y nữ; tranh cãi gay gắt về "kem trinh nữ"; 11 tàu Trung Quốc tới gần đảo tranh chấp... là những tin đáng chú ý.

(VTC News) - Ả Rập Xê Út cấm đàn ông bán... nội y nữ; tranh cãi gay gắt về "kem trinh nữ"; 11 tàu Trung Quốc tới gần đảo tranh chấp với Nhật… là những tin đáng chú ý trong ngày 18/9.

Ả Rập Xê Út cấm đàn ông bán... nội y nữ

Bộ Lao động Ả Rập Xê Út ngày 16/9 ra lệnh đóng cửa khoảng 100 cửa hàng bán nội y tại thủ đô Riyadh của nước này vì "tội" thuê các nam nhân viên bán hàng.

Tờ Al-Eqtisadiah của Ả Rập Xê Út dẫn lời một quan chức Bộ Lao động cho biết, tất cả những cửa hàng trên vi phạm một sắc lệnh về “nữ giới hóa và quốc hữu hóa việc làm” nên bị buộc đóng cửa.

“Đây là một biện pháp nhằm đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho phụ nữ”, theo vị quan chức này.


Một trung tâm mua sắm ở Ả Rập Xê Út 

Từ hồi đầu năm 2012, Bộ Lao động đã cấm các nam nhân viên bán hàng làm việc tại các cửa hàng nội y, và trước đó cũng đưa ra quy định chỉ cho phép nữ nhân viên bán hàng làm việc tại các cửa hàng mỹ phẩm.

Đức vua Abdullah đã ra một sắc lệnh hồi tháng 6/2011 "cấm" nam giới làm việc tại các cửa hàng nội y, thay vào đó là nữ nhân viên, trong nỗ lực hạn chế tình trạng phụ nữ thất nghiệp ngày càng gia tăng tại nước này.

Theo AFP, tỉ lệ phụ nữ thất nghiệp tại quốc gia dầu mỏ Ả Rập Xê Út là vào khoảng 30%.

Trước đó, ngày 12/8, Ả Rập Xê Út tuyên bố đang chuẩn bị xây dựng một thành phố công nghiệp "không đàn ông" tại phía tây thành phố Hofuf nhằm giúp phụ nữ có việc làm và tự chủ tài chính, đồng thời duy trì sự phân biệt giữa nam-nữ ở quốc gia Hồi giáo này.

Tranh cãi gay gắt về "kem trinh nữ"

Một công ty Ấn Độ đã làm dấy lên làn sóng tranh cãi gay gắt về quan điểm “ăn cơm trước kẻng” trong xã hội nước này, sau khi tung ra sản phẩm "kem trinh nữ" với quảng cáo là giúp chị em "phục hồi cái ngàn vàng” nếu lỡ đánh mất trước khi lấy chồng.

Trong một đoạn video quảng cáo trên Youtube, một phụ nữ xinh đẹp đang hạnh phúc nhảy múa, ca hát cùng chồng sau khi sử dụng "kem trinh nữ" 18 Again. 

Bà mẹ chồng cũng xuất hiện trong đoạn video, lúc đầu tỏ vẻ khó chịu, nhưng sau đó lại nở nụ cười trên môi, hài lòng với việc con dâu sử dụng 18 Again và lên mạng đặt mua sản phẩm.

Ông Rishi Bhatia, chủ công ty Ultratech trần tình, "kem trinh nữ" không có công dụng “tái tạo” trinh tiết, mà chỉ mang đến “cảm giác còn trinh” cho họ, nhưng có lẽ vì ngôn từ trong quảng cáo nên khiến nhiều chị em hiểu lầm.

>>Mỹ 'tiêm' máy bay cho Ả-rập Xê-út

Cặp vợ chồng nhảy múa vui vẻ sau khi vợ dùng kem trinh nữ 18 Again 

Tuy nhiên, 18 Again đã gây ra một làn sóng tranh cãi gay gắt từ một số vị bác sĩ, các tổ chức quyền phụ nữ và cư dân mạng.

“Loại kem trinh nữ chẳng có lợi ích gì. Nó chỉ giúp củng cố cái quan niệm gia trưởng bấy lâu nay ở Ấn Độ rằng người đàn ông muốn tất cả phụ nữ phải còn trinh tiết cho đến đêm tân hôn”, theo bà Annie Raja, thuộc Liên đoàn Phụ nữ Quốc gia Ấn Độ.

11 tàu Trung Quốc tới gần đảo tranh chấp với Nhật

Tuần duyên Nhật Bản hôm nay cho hay, có 11 tàu chính phủ của Trung Quốc đi vào vùng nước quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

"Tính đến 16h30, 10 chiếc tàu hải giám của Trung Quốc được nhìn thấy tại các vùng nước gần đảo Uotsurijima", AFP dẫn lời người phát ngôn lực lượng tuần duyên Nhật Bản.

Uotsurijima là đảo lớn nhất trong chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư. Phát ngôn viên nói trên cũng nhắc lại cả trường hợp một tàu ngư chính của Trung Quốc đi vào khu vực này sáng sớm hôm nay.


Tàu hải giám của Trung Quốc hoạt động gần Senkaku/Điếu Ngư 

Chiếc tàu được nhắc tới là Ngư chính 35001 của Trung Quốc. "Con tàu xuất hiện lúc 7h sáng ngày 18/9 tại địa điểm cách đảo Uotsurijima khoảng 42 km về phía tây bắc và đang tiến về phía đông", AFP dẫn lời người phát ngôn Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản tại Okinawa cho hay.

Không có tàu cá nào xuất hiện cùng tàu Ngư chính 35001 sáng nay. Tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đã lên tiếng cảnh báo và yêu cầu tàu Trung Quốc "không được đi vào lãnh thổ Nhật Bản", đồng thời thiết lập mạng lưới thông tin để theo dõi diễn biến của vụ việc kể trên.

Trước đó, Trung Quốc từng điều 6 tàu hải giám tới gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hôm 14/9, ba ngày sau khi Nhật công bố mua lại ba trong số 5 đảo thuộc quần đảo không người từ chủ sở hữu tư nhân người Nhật.

Giới chức Trung Quốc cho hay các tàu của Trung Quốc đến nơi cách đảo 1,55 hải lý và khẳng định nhiệm vụ của đội tàu đã "thành công tốt đẹp".

Kết thúc xét xử 'cánh tay phải' của Bạc Hy Lai

Tòa án Trung Quốc trưa nay tuyên bố kết thúc phiên xét xử với ông Vương Lập Quân, người một thời là giám đốc công an kiêm phó thị trưởng thành phố Trùng Khánh.

Tòa án trung cấp Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, miền tây nam Trung Quốc tuyên bố kết thúc phiên xét xử Vương sau hai buổi làm việc chiều qua và sáng nay.

AFP dẫn thông báo của toà án cho biết, cựu giám đốc công an kiêm phó thị trưởng Trùng Khánh không phản đối các chi tiết và những cáo buộc về việc vi phạm luật pháp để thu lợi cá nhân, đào tẩu, lạm dụng quyền lực và nhận hối lộ. Phán quyết của tòa án sẽ được đưa ra trong những ngày tới.


Cựu giám đốc công an Trùng Khánh Vương Lập Quân trong phiên tòa xét xử tại Thành Đô sáng nay 

Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua cho hay tòa án tiến hành phiên xử kín chiều hôm qua để xử các tội danh liên quan đến bí mật quốc gia, còn phiên xử sáng nay xét xử các tội lạm quyền, nhận hối lộ, diễn ra "công khai".

Tuy nhiên, các phóng viên nước ngoài nhận thấy an ninh được xiết chặt với những cảnh sát mặc đồng phục xuất hiện dày đặc bên ngoài phòng xử án.

Ba chiếc xe chở tù nhân được nhìn thấy đã rời khỏi tòa lúc 13h (12h giờ Hà Nội). Trước đó, vào khoảng 8h30, một chiếc xe cứu thương xuất hiện ở cổng sau và hai nhân viên y tế xuất hiện tại cổng trước của tòa án trung cấp Thành Đô làm dấy lên nghi vấn về sức khỏe của bị cáo Vương.

Các phiên tòa hình sự ở Trung Quốc thường kết thúc và được tuyên án sau. Xinhua từng mô tả cáo trạng dành cho Vương là "vững chắc và thuyết phục". Hình phạt được dự đoán từ án tù lâu năm cho đến tử hình.

"Án phạt có thể trong khoảng 15 năm tù hoặc tương tự như bà Cốc Khai Lai, tử hình nhưng được hoãn thi hành án (thường trở thành chung thân)", Cheng Li, chuyên gia về Trung Quốc của viện nghiên cứu Brookings cho hay.

Nga hoãn giao tàu sân bay cho Ấn Độ

Tàu sân bay do Nga sản xuất tiếp tục bị trì hoãn chuyển giao cho Ấn Độ do gặp các vấn đề nghiêm trọng về động cơ trong thời gian chạy thử.

RIA Novosti đưa tin 7 trong số 8 nồi hơi trong động cơ đẩy của tàu sân bay Vikramaditya đã ngừng hoạt động hôm qua, khi tàu nỗ lực đạt tốc độ tối đa tại buổi chạy thử trên biển Barents.

>>Tàu sân bay tối tân Ấn Độ sắp ra khơi

Tàu sân bay Vikramaditya 

Một quan chức cho biết nguyên nhân khiến các nồi hơi không hoạt động là do Ấn Độ từ chối dùng amiăng để cách nhiệt cho nồi, vì lo ngại rằng chất này sẽ gây nguy hiểm cho thủy thủy đoàn.

Vikramaditya sẽ quay lại bến tàu Sevmash, thuộc thành phố cảng Arkhangelsk ở tây bắc nước Nga, để tiếp tục sửa chữa. Xưởng đóng tàu Sevmash là nhà thầu chính của dự án với những nỗ lực đại tu và nâng cấp con tàu chiến từ thời Xô Viết thành một tàu sân bay hiện đại cho Ấn Độ. Việc sửa chữa tàu dự kiến kéo dài từ 6 đến 9 tháng.

Hàn Quốc đăng cai tập trận 'chọc giận' Triều Tiên

Hàn Quốc sẽ là chủ nhà của một cuộc tập trận đa quốc gia nhằm kiểm soát việc buôn bán các vũ khí hủy diệt hàng loạt, một động thái có thể khiến Triều Tiên nổi giận.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết nước này sẽ cùng với Mỹ, Nhật và Australia tiến hành cuộc diễn tập Sáng kiến An ninh Chống phổ biến vũ khí hạt nhân (PSI).

Theo AFP, cuộc diễn tập này do Mỹ dẫn đầu và sẽ diễn ra vào ngày 27/9 tại vùng nước cách thành phố cảng miền nam Busan của Hàn Quốc khoảng 100 km.

>>Video Hàn Quốc tập trận quân sự trên sông

Các binh sĩ Hàn Quốc trong cuộc tập trận PSI năm 2010 

7 chiến hạm và 11 chiến đấu cơ của 4 quốc gia kể trên sẽ tham gia cuộc tập trận. Đây là lần thứ hai Hàn Quốc đăng cai PSI, sau lần đầu tiên vào năm 2010.

Hàn Quốc tham gia PSI trong tư cách thành viên chính thức từ năm 2009, sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ hai. Bình Nhưỡng lên án sự tham gia này và gọi đó là động thái tương tự như "một lời tuyên chiến".

Trước năm 2009, Hàn Quốc chỉ góp mặt với vai trò quan sát viên của PSI, do lo ngại làm Triều Tiên giận dữ. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhấn mạnh rằng cuộc tập trận sắp tới cũng không nhằm vào một quốc gia cụ thể nào.

Sứ quán Mỹ tại Indonesia bị ném đá

Khoảng 1.000 người biểu tình ném đá và chai xăng vào đại sứ quán Mỹ, và đụng độ với cảnh sát ở Jakarta, Indonesia để phản đối bộ phim có nội dung chống đạo Hồi.

Trong cuộc đụng độ với người biểu tình diễn ra chiều qua, ít nhất một cảnh sát bị thương ở đầu và người này đã được các đồng nghiệp đưa đến nơi an toàn, Jakarta Globe cho hay.

Những người biểu tình đã định đốt một xe tải đỗ trước cổng đại sứ quán. Những chai xăng cũng bị đốt và ném về phía hàng rào quanh tòa nhà.


Người biểu tình Indonesia mặc áo trắng trước đại sứ quán Mỹ tại Jakarta. Indonesia là quốc gia theo đạo Hồi đông dân nhất thế giới 

Cuộc biểu tình ban đầu diễn ra một cách hòa bình, với một nhóm vài trăm người diễu hành đến đại sứ quán Mỹ.

Tuy nhiên, bạo lực xảy ra khi những thành viên của Mặt trận những người Bảo vệ đạo Hồi (FPI) và Diễn đàn các Dân tộc Hồi giáo (FUI) tràn ra phố, ném đá vào đại sứ quán và cảnh sát, Dektik.com cho biết.

Các cuộc biểu tình này nằm trong làn sóng của người Hồi giáo nhằm phản đối một bộ phim được cho là đã xúc phạm nhà tiên tri Mohammed, gây ra một loạt cuộc bạo động trên toàn cầu.

Những cuộc biểu tình khác hôm qua cũng diễn ra tại các thành phố Medan và Bandung, Indonesia. Cuối tuần qua, tại tỉnh Solo, miền trung Java, những người biểu tình tràn vào các nhà hàng KFC và McDonald, khiến nhiều khách hàng phải bỏ đi và chủ quán phải đóng cửa.

Người Nhật lại lên đảo tranh chấp với Trung Quốc

Giữa lúc căng thẳng trong quan hệ Nhật - Trung liên quan đến tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang dâng cao, sáng nay 18/9, hai nhà hoạt động Nhật Bản lại đặt chân lên điểm nóng này, theo AFP.

Ngày 18/9, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã cảnh báo tàu Trung Quốc không được đi vào lãnh thổ Nhật Bản, nhấn mạnh về hòn đảo chính trong quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).


Các nhà hoạt động người Nhật cũng đã cắm cờ Nhật trên đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 8 vừa qua 

“Hai người Nhật đã lên đảo Uotsurijima (hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Senkaku/Điếu Ngư) vào khoảng 9h30 sáng nay” - Chánh văn phòng nội các Nhật Osamu Fujimura nói với báo giới.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật thông báo hai nhà hoạt động đến từ Kyushu này đã rời khỏi Uotsurijima.

Đỗ Hường (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn