Tâm điểm của V-League những ngày gần đây đều liên quan đến trọng tài. Tuy nhiên, lần này vấn đề được bàn tới không phải sai sót của đội ngũ cầm cân nảy mực mà là cách ứng xử của các đội bóng và cổ động viên trong trận đấu.
Ban Kỷ luật Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) hôm 15/4 vừa ra quyết định phạt Hà Nội FC và CLB Hải Phòng 20 triệu đồng vì những vi phạm của cổ động viên, trong đó có hành vi "nhiều lần đồng thanh có lời lẽ thô tục lăng mạ xúc phạm trọng tài".
Sự cố khác liên quan đến hành vi phản ứng quá khích với trọng tài xảy ra ngay sau đó trong trận đấu ở giải Hạng Nhất. Cầu thủ CLB Bình Phước chỉ mặt trọng tài biên, ban huấn luyện viên lao vào sân định "ăn thua đủ" với trọng tài chính.
Hôm qua (17/4), đến lượt các cầu thủ Hà Nội FC - những tuyển thủ quốc gia - phản ứng gay gắt với trọng tài sau khi trận đấu kết thúc. Đội trưởng Nguyễn Văn Quyết - đương kim Quả Bóng Vàng Việt Nam - bị phạt thẻ đỏ vì lỗi phản ứng.
Đáng chú ý, trong 3 trường hợp kể trên, có 2 trường hợp trọng tài không sai, không gây ra tranh cãi đến mức đáng để các đội bóng phản ứng như vậy. Cầu thủ đội Bình Phước việt vị, còn thủ môn Quan Văn Chuẩn của Hà Nội FC rõ ràng phạm lỗi với tiền đạo đối phương trong vòng cấm.
Cầu thủ, HLV đội Bình Phước phản ứng quá khích với trọng tài.
Chỉ trích trọng tài, phản ứng lại những quyết định gây bất lợi cho đội nhà trở thành thói quen xấu của các đội bóng, thậm chí cả người hâm mộ trong môi trường bóng đá Việt Nam. Việc trọng tài mắc sai lầm, gây tranh cãi chỉ là cái cớ mà đôi khi bị lôi ra để bao biện một cách rất vô lý.
Báo chí dẫn lời HLV Lê Thanh Xuân nói tình huống phản ứng với trọng tài dẫn đến việc bị phạt thẻ đỏ chỉ là "giọt nước tràn ly". Nhưng, vấn đề nằm ở chỗ giọt nước cuối cùng ấy đến từ chính đội bóng, chứ không phải do trọng tài.
Bất kể trọng tài đúng hay sai, các đội bóng đều phản đối và nhiều khi đi quá giới hạn. Đành rằng trọng tài ở V-League chưa làm tốt nhiệm vụ nhưng các HLV, cầu thủ lạm dụng lý do đó quá nhiều làm sai lệch tư duy. Họ hình thành phản xạ đổ lỗi, chống đối, cãi lại các quyết định của trọng tài bất kể đúng sai.
Thực trạng này cho thấy điểm thiếu sót trong văn hóa ứng xử còn tồn tại ở bóng đá Việt Nam và cũng là một đặc trưng của sự kém chuyên nghiệp. Khẩu hiệu chuyên nghiệp hóa lúc nào cũng được nhắc đến, nhưng các bên tham gia chưa tự nắn mình theo quy chuẩn chuyên nghiệp ngay từ cách hành xử.
Cách đây một tuần, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) ra công văn yêu cầu chấn chỉnh toàn diện các giải chuyên nghiệp. Ở thời điểm đó, vấn đề về trọng tài đang là điểm nóng, dư luận có lẽ không chú ý nhiều tới một nội dung không kém phần quan trọng trong chỉ đạo.
VFF đề nghị các CLB nhắc nhở huấn luyện viên, cầu thủ thận trọng với phát ngôn và hành động trên sân cỏ. Tuy nhiên, có vẻ yêu cầu này không được tiếp nhận nghiêm túc. Vấn đề văn hóa ứng xử dường như đang bị xem nhẹ trong làng bóng đá Việt Nam.
Bình luận