Sau các thông tin liên quan đến khuất tất trong việc thực hiện Nghị định 67 ở huyện Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), VTC News nhận được đơn kêu cứu của hơn 10 hộ dân sinh sống tại xã Tam Thanh (huyện Phú Quý) liên quan đến việc vay vốn tại Ngân hàng Agribank Phú Quý.
Theo trình bày của các hộ dân, năm 2011, họ từng làm hồ sơ vay tiền từ Ngân hàng Agribank chi nhánh Phú Quý để kinh doanh với tổng số tiền gần 4,5 tỷ đồng. Khoản vay này được bảo lãnh bằng tài sản riêng của mỗi gia đình.
Bà Huỳnh Thị Thiểu, một trong những người dân kêu cứu ở xã Tam Thanh cho biết, do tin tưởng ngân hàng, hơn nữa mắt lại kém và có quá nhiều giấy tờ nên mọi hồ sơ vay vốn bà đều để ngân hàng tự làm, chỉ khi ngân hàng bảo ký ở đâu thì bà ký ở đó.
Bà Thiểu cũng cho biết, khi bà hỏi về số tiền được vay, ngân hàng nói bà có thể vay được 450 triệu đồng. Sau khi hoàn thành hồ sơ vay vốn, bà Thiểu về nhà nhưng từ đó đến nay (11/8) không thấy ngân hàng gọi đến lấy tiền vay.
XEM THÊM BÀI TRƯỚC TẠI ĐÂY:
Trong khi đó, chồng bà Thiểu, ông Huỳnh Thiểm bức xúc: "Chúng tôi không hề biết gì cho đến khi Tòa án gọi lên nói gia đình tôi cho ông Ngô Thanh Sơn (cùng ngụ xã Tam Thanh, huyện Phú Quý - PV) mượn sổ đỏ vay hơn 900 triệu đồng trong khi tôi không hề cho ông Sơn mượn sổ hay nhờ rút tiền và ông Sơn cũng khẳng định không hề rút số tiền đó.
Tòa án hỏi tôi tại sao không vay tiền mà lại ký, đúng là tôi có ký nhưng ký hồ sơ vay của tôi để lấy tiền. Tôi không hiểu ngân hàng đã làm gì mà tiền chúng tôi vay chẳng thấy đâu, chỉ nhận được giấy gọi của Tòa án là chúng tôi bị kiện".
Cùng cảnh ngộ như gia đình ông Thiểm, bà Đỗ Thị Hưng (88 tuổi) cho biết, trước đó bà lấy sổ đỏ của gia đình để làm hồ sơ vay vốn cho một người cháu tên Ngô Thanh Lâm. Tuy nhiên, sau này bà tá hỏa phát hiện số tiền bà định vay cho cháu lại bị "sang tên" cho 1 người tên Trần Văn Thanh (cùng ngụ Phú Quý).
"Tôi chỉ biết là cho cháu tôi vay nhưng ngân hàng nói là tôi cho cháu Thanh nào đó mượn, trong khi tôi không biết người này. Ai lại đem sổ đỏ cho người dưng mượn bao giờ", bà Hưng chia sẻ.
Theo người dân, sau khi ký xong, dù không nhận được tiền nhưng họ cũng không nghi ngờ vì nghĩ hồ sơ đang chờ xét duyệt. Trải qua nhiều năm, vì không có việc dùng đến giấy tờ nhà nên họ quên bẵng đi cho đến khi nhận được trát hầu tòa.
"Nếu chúng tôi có vay tiền, có nhận tiền thì đáng lẽ phải đóng tiền lãi hàng tháng cho ngân hàng. Nhưng từ đó đến giờ có thấy giấy tờ gì đưa về bắt chúng tôi đóng lãi đâu, giờ đùng cái đòi tịch thu nhà là kiểu gì? Tôi không hiểu", chị Trần Thị Đào bức xúc.
Để làm rõ thông tin, PV đã liên hệ với Chi nhánh Ngân hàng Agribank Bình Thuận tại Phú Quý nhưng đại diện đơn vị này từ chối trả lời. Trong khi đó, Ngân hàng Agribank tại Bình Thuận cho biết phải có công văn mới trả lời.
Được biết, hiện những hộ dân này đã làm đơn gửi đến UBND tỉnh Bình Thuận và các cơ quan ban ngành liên quan để xin cứu xét trước nguy cơ mất trắng tài sản dù không hề nhận được tiền vay vốn từ ngân hàng.
Bình luận