• Zalo

Thay xương chậu in 3D cho bệnh nhân có khối u xương ác tính nặng 2kg

Tin tứcThứ Năm, 19/01/2023 14:40:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Sau 7 giờ phẫu thuật căng thẳng, các bác sĩ BVĐK Tâm Anh TP.HCM thành công loại bỏ khối u đeo bám người bệnh trong nhiều năm, bảo tồn được chân phải của người bệnh.

Chị Trương Ngọc Huyền (SN 1978, Vũng Tàu) chia sẻ, khối u xương đã đeo bám theo chị khoảng 8 năm. Sau 2 lần phẫu thuật vào năm 2014 và 2016, khối u vẫn không biến mất hoàn toàn mà tái phát sau một khoảng thời gian. Khối u xuất hiện ở vùng bẹn đùi gây vướng víu và đau mỏi, căng tức khi đi lại. Những cơn đau về đêm làm cho chị thường xuyên thức giấc, dẫn đến tình trạng thiếu ngủ, mệt mỏi, ăn không ngon.

Sau khi thăm khám ở nhiều nơi, chị Ngọc Huyền gần như tuyệt vọng khi được thông báo rằng, phương pháp điều trị duy nhất là tháo bỏ nửa khung xương chậu và toàn bộ chân phải. Điều này đồng nghĩa với việc mất khả năng đi lại, tàn phế trong suốt phần đời còn lại.

Thông qua lời giới thiệu của người quen, chị Ngọc Huyền tìm đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM để được điều trị. TS.BS Văn Đức Minh Lý thuộc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình cho biết, người bệnh nhập viện trong tình trạng khối u rất lớn, choán chỗ vùng bẹn và gốc đùi bên phải. Khối u gây căng tức và đau tại chỗ, hạn chế nghiêm trọng khả năng vận động khớp háng và xoay trở của chi dưới.

Thay xương chậu in 3D cho bệnh nhân có khối u xương ác tính nặng 2kg - 1

Bác sĩ chỉ ra vị trí khối u trên phim chụp MRI. (Ảnh: BVĐK Tâm Anh)

Người bệnh được thăm khám lâm sàng, thực hiện sinh thiết khối u và thực hiện các xét nghiệm hình ảnh học cần thiết như chụp Xquang, chụp CT dựng hình khung chậu, chụp MRI đánh giá mức độ xâm lấn của khối u, chụp CTA mạch máu… Các kết quả kiểm tra chỉ ra rằng người bệnh mắc phải bệnh lý u xương sụn (sarcoma sụn), một loại ung thư ác tính của hệ cơ xương khớp.

Bác sĩ Minh Lý đánh giá, đây là ca bệnh phức tạp, khối u rất lớn, xâm lấn từ đùi đến vùng chậu, ổ cối và bàng quang. Ngoài ra, khối u còn chèn ép và đẩy bó mạch máu chính của đùi ra ngoài. Nếu không được điều trị sớm, khối u sẽ không ngừng phát triển, chèn ép nội tạng (bàng quang, niệu quản, trực tràng…) và các cấu trúc mạch máu, thần kinh chính của chi, có nguy cơ không giữ được chi sau này.

Để có thể quan sát một cách tốt nhất về tình trạng khối u, ThS.BS Đỗ Văn Lợi của Trung tâm Chấn thương chỉnh hình đã in 3D khung chậu của người bệnh. Đồng thời, nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị tối ưu, các bác sĩ đã hội chẩn cấp toàn viện 2 lần liên chuyên khoa: Chấn thương Chỉnh hình, Tiêu hoá, Tiết niệu, Gây mê hồi sức…

24 giờ trước ca phẫu thuật, người bệnh được chụp mạch máu hoá xoá nền DSA. Kỹ thuật này làm tắc bớt các mạch máu nuôi khối u, từ đó giúp kiểm soát tình trạng mất máu khi phẫu thuật. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ rạch mở 2 vị trí là trước đùi và ở vùng chậu bẹn. Đường mổ trước đùi nhằm bộc lộ động mạch đùi và các dây thần kinh, bác sĩ sẽ thông qua đường mổ thứ 2 ở vùng chậu bẹn để cắt bỏ khối u.

Bác sĩ Minh Lý, trưởng kíp mổ cho biết, bó mạch chính của đùi bị khối u chèn ép, đẩy lệch ra ngoài, dính sát vào khối u nên việc bóc tách, cô lập bó mạch khỏi khối u là một trong những vấn đề quan trọng và khó khăn nhất.

Sau gần 7 giờ, ekip đã thành công tách khối u khỏi mạch máu, bảo vệ an toàn bó mạch máu nuôi chi; đồng thời, khối u đã được cắt rộng nguyên khối, có trọng lượng lên đến gần 2kg, xét nghiệm giải phẫu bệnh kiểm tra ở rìa khối u không còn tế bào ác tính, bảo tồn được xương chậu và chân phải của người bệnh, loại bỏ hoàn toàn nguy cơ tàn phế.

Ngoài ra, trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ thuộc khoa Tiết Niệu cũng kiểm tra tình trạng tổn thương bàng quang, bác sĩ Ngoại Tiêu hóa tái tạo lại thành chậu bẹn bằng mesh chuyên dụng để ngăn ngừa nguy cơ thoát vị bẹn. Nhờ có sự chuẩn bị tốt từ ban đầu nên dù đây là một ca phẫu thuật phức tạp với khối u lớn đã xâm lấn nhiều nơi nhưng người bệnh chỉ cần truyền 2 đơn vị máu, tiên lượng khả năng phục hồi tốt.

Sau mổ 12 ngày, tình trạng bệnh đã được kiểm soát tốt, các dấu chỉ sinh hiệu ổn định xuyên suốt, vết mổ khô ráo nên người bệnh được xuất viện. Sau khi về nhà, người bệnh chỉ cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ trong việc chăm sóc và vận động tại nhà, thăm khám định kỳ. 

U xương sụn là bệnh lý có thể phát triển trong vài năm đến vài chục năm. Đặc điểm của loại ung thư này là mô bướu kém đáp ứng với hoá, xạ trị, do đó, phẫu thuật cắt rộng khối u là phương pháp điều trị tối ưu nhất.

Trong một số trường hợp, bệnh không gây đau mà tiến triển âm thầm, khi được phát hiện, khối u có thể đã rất lớn, ảnh hưởng tới đường tiêu hoá, tiết niệu, sinh dục và các cấu trúc mạch máu, thần kinh quan trọng nuôi chi. Lúc này, các bác sĩ không thể cắt u để bảo tồn được chi mà buộc phải tháo nửa khung chậu, dẫn đến tàn phế cho người bệnh.

Với sự phát triển của y học ngày nay, u xương đã có thể được phát hiện và điều trị khi còn ở giai đoạn sớm. Vì vậy, người bệnh nên thăm khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh hoặc gặp bác sĩ ngay khi cơ thể có những dấu hiệu bất thường.

Thanh Hải
Bình luận
vtcnews.vn