Thấy tai nạn thương tâm, người ta xúm vào livestream để phát lên facebook; thấy vợ chồng đánh ghen, thay vì lao vào can ngăn, người ta cũng lao xao quay phim, chụp ảnh... Những hình ảnh phản cảm đó ngày càng trở nên phổ biến khiến không ít người rùng mình, lo lắng trước sự xuống cấp của ý thức và đạo đức xã hội.
Trả lời phỏng vấn VTC News, TS. Hoàng Trung Học (Chuyên gia Tâm lý học, Trưởng khoa giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục) cho rằng, sự lệ thuộc vào thế giới ảo trong chúng ta ngày càng gia tăng khiến nhiều người có những hành vi vô cảm, mất hết nhân tính, thậm chí là cực đoan.
- Gặp vụ tai nạn thương tâm, cả trăm người dân tràn xuống đường cầm điện thoại để livestream phát lên facebook, ông thấy sao trước cảnh tượng này?
Trước tiên cần khẳng định, mạng xã hội facebook không có tội. Vấn đề là ta dùng mạng và ứng xử thế nào trên mạng mới là điều đáng bàn.
Hành vi quay clip những vụ tai nạn và đưa lên mạng cũng có thể xem là một hiện tượng bình thường, thậm chí là nên làm nếu việc đưa những hình ảnh, clip lên mạng với mục đích tốt để cảnh báo cộng đồng về những hành vi nguy hiểm, giúp mọi người biết và tránh những tai nạn thương tâm tương tự.
Ngược lại, nếu chỉ nhằm mục đích câu like, hoặc nhận được nhiều comment với thái độ vô cảm, cười đùa trên nỗi đau của người khác thì thực sự rất đáng lên án.
Điều đó thể hiện sự lạnh lùng, hành vi thiếu văn hóa, thậm chí phi đạo đức của chính những người đăng tải. Rất tiếc, trên các trang mạng xã hội ngày nay, hiện tượng này không hiếm.
Đây là những hành vi thực sự đáng trách, đáng lên án dưới góc độ đạo đức, phản ánh sự xuống cấp đạo đức, thói vô cảm ở một số cá nhân.
TS Hoàng Trung Học
- Vậy theo ông đâu là nguyên nhân khiến đám đông hành động như vậy?
Theo tôi có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đó có thể là sự xuống cấp về đạo đức và thói vô cảm trước những nỗi đau của đồng loại ở một bộ phận cộng đồng dân cư.
Hoặc là sự hiếu kì và tò mò thái quá ở một bộ phận người chứng kiến tai nạn.
Cũng có thể kể đến cảm giác thiếu hụt những kết nối xã hội trong một bộ phận những người sử dụng mạng xã hội. Đôi khi họ thiếu hụt hoặc gặp khó khăn trong các mối quan hệ thực ngoài xã hội nên phải tìm đến những kết nối trong thế giới ảo.
Không loại trừ những người có hành vi này bị lệ thuộc, thậm chí nghiện mạng xã hội. Để làm mới trang giao diện cá nhân và thu hút cộng đồng mạng, những tin “hot”, tin giật gân kiểu như các vụ tai nạn thương tâm trở thành những phương tiện kết nối những người xung quanh để trao đổi, giao tiếp với họ qua mạng.
- Nhiều vụ tai nạn, chém giết... ngay trên phố, nhưng người đi đường vẫn thờ ơ. Ông có cho rằng sự vô cảm, ích kỷ của người Việt ngày càng đáng báo động?
Đây lại là một tình huống khác, mang một màu sắc khác. Trước ranh giới giữa sự sống - chết của người khác, người chứng kiến thờ ơ bỏ đi, không giúp đỡ thực sự là một hành vi đáng trách, thậm chí có biểu hiện vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, hành vi này cần được hiểu theo hai hướng: Thứ nhất, thực sự đó là biểu hiện của thói vô cảm, chủ nghĩa cá nhân, chỉ biết an toàn cho mình, bỏ mặc sự sống chết của đồng loại.
Thứ hai, nó phản ánh sự xuống cấp đến mức đáng báo động của niềm tin xã hội, niềm tin vào sự tử tế và niềm tin giữa những cá nhân với nhau, đồng thời nó cũng cho thấy sự bất an của các cá nhân khi chứng kiến những tình huống nguy hiểm và nhạy cảm.
Video: Tông chết cô gái ở TP.HCM, tài xế taxi xuống nhìn rồi bỏ đi gây phẫn nộ
Những hình ảnh vô cảm như vậy có thể lan truyền, ảnh hưởng rất tệ hại đến những hành vi của cộng đồng nói chung, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Vì vậy, chúng ta phải có những biện pháp tuyên truyền, giáo dục, định hướng để điều chỉnh lại những hành vi vô cảm, thờ ơ với sự sống chết của đồng loại như trong tình huống nêu trên.
- Ngăn chặn sự xuống cấp của đạo đức xã hội không phải là việc dễ, thưa ông?
Đây là vấn đề lớn, đòi hỏi giải pháp tổng thể của cả hệ thống chính trị. Đứng dưới góc độ của người làm công tác giáo dục, tôi cho rằng, nhà trường và gia đình giữ vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục đạo đức cho trẻ.
Trong các gia đình, cha mẹ phải quan tâm đến con một cách khoa học, là tấm gương đạo đức thực sự để con học tập.
Trong nhà trường, cần tăng cường giáo dục đạo đức, giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh.
Nhà trường, xã hội cùng chú trọng giáo dục niềm tin, hành vi đạo đức cho trẻ em kết hợp với những giải pháp xã hội tổng thể mới có thể củng cố thói quen đạo đức, góp phần đẩy lùi được nguy cơ về sự ích kỷ, vô cảm trong ứng xử giữa con người với con người trong tương lai.
Bình luận