Ông Ngô Chí Cương (1935) sinh ra ở Đan Đông, Liêu Ninh (Trung Quốc). Sau khi đất nước bước vào thời bình, ông nhận thức rõ tầm quan trọng của kiến thức, nên chăm chỉ học để lấy bằng đại học. Ra trường, ông Cương được phân vào Cục Viễn thông Đan Đông đảm nhận vị trí nhân viên điện báo.
Thầy giáo về hưu khởi nghiệp tuổi 62
Tuy nhiên, ông không hứng thú với nghề, mong muốn được đứng trên bục giảng để dạy học. Thời điểm đó, nguồn lực giáo dục thiếu nhiều, ông quyết định đổi nghề. Nghỉ việc ở Cục Viễn thông địa phương, ông xin vào dạy tại Trường Tiểu học Tơ lụa Đan Đông 1 (trường dành cho con công nhân tại nhà máy). Sau vài năm, ông Cương chuyển công tác sang Trường Công nghiệp Tơ lụa Đan Đông cho đến khi nghỉ hưu.
Năm 1995, ông Cương về hưu sau hơn 20 năm đứng lớp. Ở tuổi 60, ông tách khỏi cuộc sống bận rộn ở trường. Sự an nhàn của tuổi già thôi thúc ông Cương cần phải làm gì đó. Lúc này, ở Trung Quốc nhiều cơ hội kinh doanh, không ít người đã khởi nghiệp và đạt thành công, cuộc sống dần được cải thiện.
Quyết định khởi nghiệp ở tuổi xế chiều, ông Cương vô cùng lo lắng. Vô tình ông nhìn thấy bánh mì ăn sáng được phục vụ sẵn, ý tưởng kinh doanh bắt đầu lóe lên. Sau nhiều đắn đo, ông Cương quyết định bán bánh mì ăn sáng trên xe đẩy. Bởi sự tiện lợi của bánh mì khi bán trên xe di động, không chỉ giải quyết được vấn đề mặt bằng, còn có thể mở rộng khắp nơi.
Ở tuổi 62, bắt đầu khởi nghiệp ông Cương lấy toàn bộ tiền tiết kiệm để mua nguyên liệu làm bánh mì và thuê nhân công. Gắn bó với ngành giáo dục hơn nửa đời, ông đặt tên thương hiệu là Toly Bread - Bánh mì Đào lý (đào lý thường ví với học trò). Thành ngữ Đào lý mãn thiên hạ, nghĩa là học trò ở khắp nơi được người Trung Quốc dùng để chúc giáo viên. Do đó, lấy tên là Bánh mỳ Đào lý, ông Cương mong muốn thương hiệu có ở khắp nơi.
Sau quá trình chuẩn bị, thương hiệu Bánh mì Đào lý ra đời năm 1997. Để đảm bảo hương vị, bánh mì tươi được sản xuất từ sáng sớm, gửi đi lúc 3h và bày bán trước 6h. Ngoài ra, ông còn quan tâm đến chất lượng và giá thành sản phẩm bán ra.
Khi mới thành lập Toly Bread, ông tập trung phát triển thương hiệu và lan rộng độ nhận biết sản phẩm. Mỗi loại bánh đều có hương vị riêng, đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng. Sau thời gian ngắn ra mắt thương hiệu, sản phẩm được đánh giá chất lượng ổn định và giá cả hợp lý, nên lượng tiêu thụ lớn.
Tuổi 88 sở hữu khối tài sản 124.000 tỷ đồng
Năm 2005, thương hiệu Toly Bread ông Cương sáng lập trở thành nhà máy sản xuất bánh mì tươi lớn nhất Đông Bắc Trung Quốc. Một năm sau, ông khởi động mô hình bán sỉ, mỗi xưởng chỉ cung ứng sản phẩm trong bán kính 200km. Ở Đông Bắc (Trung Quốc) các nhà máy chi nhánh được mở tại Thạch Gia Trang, Thành Đô, Tây An, Thượng Hải và Thanh Đảo.
Vì bánh mì tươi không có chất bảo quản nên yêu cầu đối với chuỗi cung ứng sản phẩm cao. Nếu sản xuất ít không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, ngược lại làm nhiều quá hạn sử dụng phải tiêu hủy. Do đó, để tránh tình trạng thua lỗ, ông Cương áp dụng phương thức 'sản xuất dựa trên doanh số bán hàng'.
Sau gần 30 năm phát triển, đến nay Toly Bread có 22 nhà máy sản xuất ở Trung Quốc và hơn 310.000 điểm bán lẻ, trở thành công ty dẫn đầu trong ngành thực phẩm với thị phần chiếm 29%.
Để phát triển mạnh thị trường trong nước, Toly Bread được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải, trở thành công ty bánh mì đầu tiên có cổ phiếu. Hiện nay, giá trị thị trường của Toly Bread khoảng 40 tỷ NDT (137.150 tỷ đồng).
Với tư cách là nhà sáng lập Toly Bread, ông Cương đã dẫn dắt doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn trên thị trường trong gần 30 năm qua. Ở tuổi 88, khối tài sản ông Ngô Chí Cương đang sở hữu khoảng 36 tỷ NDT (124.000 tỷ đồng).
Trước đó, ông cũng lọt vào danh sách tỷ phú giàu nhất ở Thiểm Tây (Trung Quốc) do tạp chí Forbes. Hiện tại, nhà sáng lập Toly Bread đã rút khỏi công việc kinh doanh. Toly Bread được giao lại cho 2 con trai của ông.
Câu chuyện của ông Ngô Chí Cương - thầy giáo về hưu lập nghiệp ở tuổi 62 mang đến thông điệp: "Ước mơ không bao giờ là muộn, chỉ cần nghiêm túc thực hiện điều gì cũng có thể làm".
Bình luận