• Zalo

Thầy giáo trường chuyên hầu tòa, sững sờ khi biết luật sư bào chữa là học trò cũ

Tin nóngThứ Ba, 14/03/2023 07:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Vẫn hy vọng không ai hay biết việc bản thân đi tù, nhưng trớ trêu thay, ngày ra tòa, cựu giáo viên phát hiện luật sư bào chữa cho mình lại chính là học trò cũ.

Nữ phạm nhân bật khóc khi cán bộ trại giam hát 'Gánh mẹ' trong ngày 8/3

Sáng 8/3, cán bộ phân trại số 4, Trại giam Vĩnh Quang (Cục C10, Bộ Công an), đóng trên địa bàn huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc, tổ chức buổi liên hoan cho các nữ phạm nhân nước ngoài đang chấp hành án tại đây.

Anh H. và một số nam phạm nhân khác được cán bộ giao các công việc hậu cần suốt buổi tiệc. Ngồi cạnh nhóm phóng viên, anh H. đon đả lấy bánh kẹo, nước ngọt mời tôi rồi hào hứng giới thiệu: "Chị kia trước khi vào đây là tổng giám đốc công ty lớn lắm. Anh đeo kính làm ngân hàng, có bằng thạc sỹ. Ở đây có nhiều người giỏi, được giúp việc cho cán bộ".

"Thế còn anh, tại sao anh lại vào đây?", tôi hỏi.

"Tôi là thầy giáo, đứng trên bục giảng 20 năm, nhưng vì tin bạn nên phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản", người đàn ông tuổi ngũ tuần trả lời.

H. kể lại, gia đình anh 3 đời làm nghề giáo. Bản thân anh ngay từ nhỏ đã chăm ngoan, học giỏi và nỗ lực để theo nghiệp truyền thống gia đình. Sự cố gắng của anh được đền đáp khi anh trở thành giáo viên của một trường THPT chuyên ở miền Bắc.

Đang có công việc ổn định, gia đình hạnh phúc cùng những đứa con ngoan thì sự nghiệp trồng người của anh H. bỗng không còn khi anh vướng vòng lao lý.

"Một người bạn cũ 10 năm không gặp nhờ tôi đứng ra thuê xe ô tô giúp, tôi đã đồng ý", nam phạm nhân chậm rãi kể cuộc gặp định mệnh khiến đời anh thay đổi.

Thầy giáo trường chuyên hầu tòa, sững sờ khi biết luật sư bào chữa là học trò cũ - 1

Anh H. đang chấp hành án 9 năm tù ở Trại giam Vĩnh Quang.

Mất hết sự nghiệp vì tin bạn

Gia đình anh H. mở dịch vụ cho thuê xe tự lái. Một hôm, người bạn cũ tìm gặp và thuê 2 xe ô tô của nhà anh. Vốn tính cẩn thận, anh H. đến tận nơi làm việc của người này để xác minh tình hình kinh tế. Thấy người đó đang công tác tại một ngân hàng lớn, anh phần nào yên tâm. 

Năm đầu tiên, người bạn thanh toán tiền thuê xe đều đặn. Một ngày, người này đặt vấn đề nhờ anh H. thuê thêm xe để mở rộng kinh doanh. Vốn là người có uy tín trong giới thuê xe ở địa phương, chỉ bằng cuộc điện thoại, anh H. nhanh chóng đứng ra thuê thêm 4 chiếc ô tô khác cho bạn mình.

Tuy nhiên, khi cả 6 chiếc xe tự nhiên mất định vị, anh H. lờ mờ đoán ra việc chẳng lành. Khi các chủ xe gọi điện hỏi, anh thừa nhận mình là người đứng tên thuê xe, sẽ chịu trách nhiệm. 6 chiếc xe bị người bạn mang đi cầm cố được công an thu hồi về đầy đủ nhưng bạn anh thì bỏ trốn không dấu vết.

Anh H. và gia đình gom góp được hơn 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả cho các chủ xe, mong người ta rút đơn kiện. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn khởi tố anh về hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" với mức án 9 năm tù giam.

"1-2 tỷ đồng cảm giác to thật nhưng để đánh đổi cuộc sống hay danh dự con người khi bản thân là người thầy thì nó quá đắt", H. chua chát nói.

Cuộc gặp gỡ học trò cũ tại tòa

Khi bị khởi tố, cựu giáo viên trường chuyên hiểu rằng mình đã đánh mất tất cả. 

"Tôi là Đảng viên, bố mẹ đều là công chức Nhà nước, 3 đời đều làm nghề giáo. Khi biết con trai vi phạm pháp luật, bố tôi thất vọng, gần 2 năm trời mới chịu đến thăm tôi", nam phạm nhân chia sẻ.

Vợ anh H. kinh doanh khá thành đạt. Khi biết chồng vướng tù tội, chị không chịu nổi đả kích, đòi ly hôn vì cho rằng chồng đã phá vỡ một gia đình thanh danh, gia giáo. 

"Suốt 4 tháng tạm giam, theo quy định, tôi không được gặp người thân. Thời điểm đó tôi tủi thân lắm, cảm giác suy sụp vì mình đang là công chức, là một người thầy bỗng thành kẻ tù tội. Nhớ lại những ngày tháng đi dạy học sinh, tôi càng thấy xấu hổ", nam phạm nhân tâm sự.

Anh H. coi sai lầm trên là nỗi ô nhục lớn nhất trong cuộc đời, chỉ muốn chôn chặt mọi chuyện, hy vọng người đời không ai hay biết. Nhưng trớ trêu thay, đến lúc bị đưa ra xét xử, anh sững sờ khi nhận ra luật sư bào chữa do toà chỉ định lại chính là học sinh khoá đầu tiên của mình.

"Khi chạm mặt, cả hai đều ngượng ngùng. Tôi rất xấu hổ. Bạn đó động viên 'thôi thầy ạ, bây giờ việc đã rồi, thầy cố gắng để sớm về với gia đình'", nam phạm nhân kể lại.

Gần 3 năm chấp hành án tại Trại giam Vĩnh Quang, nam phạm nhân vùi mình vào lao động sản xuất. Thời gian rảnh rỗi, anh đọc sách để quên đi quá khứ lỗi lầm và cho thời gian nhanh trôi. Nhưng mỗi dịp gần đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, xem các hình ảnh trên tivi, cựu thầy giáo trường chuyên lại chạnh lòng.

"Cứ đến gần đến ngày 20/11, tôi thường mất ngủ. Tôi nhớ lại ngày này mình thường mặc comple, đeo cà vạt, tôi vừa làm giáo viên chủ nhiệm, vừa làm công tác văn nghệ cho các em. Rồi tôi được xem học trò biểu diễn văn nghệ, được các em tặng hoa, chúc mừng... Nghĩ lại tôi càng buồn, chỉ biết phải cố gắng thôi", anh H. chia sẻ.

Năm nay, cựu thầy giáo được cán bộ giao chuẩn bị lễ kỷ niệm ngày 8/3 cho các phạm nhân nữ. Nhìn mọi người vui vẻ, hát hò, bất giác anh nhớ về gia đình. Lẽ ra dịp này, anh sẽ mua hoa, mua quà và đưa mẹ, đưa vợ đi nhà hàng để làm lễ kỷ niệm thật ý nghĩa.

"Những ngày này tôi luôn nghĩ về mẹ, mẹ là người luôn sát cánh bên tôi cho dù tôi gặp khó khăn nhất. Nhưng tôi bất lực vì phải trả giá cho sai lầm của mình. Tôi nhớ về thời điểm bắt đầu đi dạy trên chiếc xe máy cũ, trường cách nhà mười mấy cây số. Có hôm trời mưa, tôi về đến nhà đã gần 12h trưa. Tôi đã trải qua rất nhiều vất vả. Gần 20 năm đứng trên bục giảng, sắp về hưu rồi, vậy mà.... Tôi rất tiếc nuối!", H. buồn rầu nhớ lại.

Vốn là người trí thức nên dù đang chấp hành án tù nhưng anh H. vẫn dành thời gian đọc sách và giao tiếp với những phạm nhân người nước ngoài. Qua những cuộc trò chuyện, anh được mọi người quý mến, tin tưởng. Trong số các phạm nhân, có người từng là chủ trung tâm ngoại ngữ. Họ hẹn anh khi nào mãn hạn tù sẽ giúp anh làm lại cuộc đời, tiếp tục được đứng lớp tại trung tâm của họ.

Nhắc về phạm nhân H., Thượng uý Lã Văn Duy, cán bộ giáo dục phân trại số 4, Trại giam Vĩnh Quang cho biết: "H. là thành viên trong đội văn hoá văn nghệ. Thời gian đầu vào đây, H. có tâm lý bất ổn, thường hay ngồi một mình. Chúng tôi và ban giám thị nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của phạm nhân nên thường xuyên động viên. Bây giờ anh rất thoải mái tinh thần, yên tâm và cải tạo tốt. Phạm nhân H. sắp đến thời gian được giảm án theo quy định".

Theo Thượng úy Duy, phạm nhân H. ý thức tốt, nỗ lực và giúp cán bộ trong vấn đề tuyên truyền, giáo dục phạm nhân khác.

* Tên phạm nhân đã được thay đổi.

Minh Tuệ
Bình luận
vtcnews.vn