Thới gian qua, tình trạng giáo viên ứng xử thiếu chuẩn mực với học sinh ngày càng gia tăng gây bức xúc trong dư luận.
Mới đây,thầy giáo nổi tiếng Trần Mạnh Tùng (giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) đã gửi tới VTC News bài viết chia sẻ về nghề giáo, về việc giáo viên dùng bạo lực, xúc phạm học sinh...
Cụ thể bài viết:
“Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều vụ thầy cô xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể học sinh. Dù bị xã hội lên án nhiều nhưng thực tế vẫn phức tạp và chưa có chiều hướng giảm.
Cũng là nhà giáo, tôi viết bài này với mong muốn những thầy cô có ý định như vậy cần dừng lại trước khi quá muộn, tránh thành những con sâu làm rầu nồi canh.
Hành lang pháp lý trong môi trường giáo dục đầy đủ và rõ ràng
Làm nghề gì cũng cần phải đúng quy định và đúng pháp luật. Hiện nay, nhiều nhà trường, nhiều thầy cô giáo vẫn còn áp dụng những hình phạt tùy tiện, sai quy định, chứng tỏ các thầy cô không biết hoặc không đếm xỉa đến những quy định ấy.
Theo điều lệ trường tiểu học: Đối với học sinh có khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện, giáo viên không được công bố tên học sinh trước cả lớp và tùy theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp sau:
- Nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn.
- Thông báo với gia đình nhằm giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.
Theo điều lệ trường THCS – THPT: Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỉ luật theo các hình thức sau đây:
- Phê bình trước lớp, trước trường.
- Khiển trách và thông báo với gia đình.
- Cảnh cáo ghi học bạ.
- Buộc thôi học có thời hạn.
Theo Luật Giáo dục năm 2005, điều 75: Nghiêm cấm nhà giáo xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể học sinh.
Theo nghị định 65/2015/NĐ-CP: Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ngược đãi, xâm phạm thân thể người học. Đình chỉ giảng dạy từ 1 đến 6 tháng.
Ngoài ra, với các hành vi trên, nhà giáo có thể chịu tránh nhiệm hình sự như Tội làm nhục người khác (Điều 155), Tội cố ý gây thương tích (Điều 134: Tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên)
Giáo viên dùng bạo lực: Làm xấu hình ảnh của ngành giáo dục
Ngay cả trong gia đình, giáo dục đòn roi đã bị lên án và rất nhiều gia đình đã từ bỏ. Lập luận “yêu cho roi cho vọt” hiện nay không còn đúng nữa, không được xã hội chấp nhận dù dưới bất cứ mục đích nào.
Trong các lớp học của tôi, khi được hỏi về việc cha mẹ đánh đòn, rất nhiều em trả lời rằng, 17, 18 năm nay chưa một lần bị bố mẹ đánh.
Với con cái của tôi, tôi cũng chủ trương không dùng bạo lực. Bởi vậy, tôi hiểu được sự phẫn nộ của phụ huynh khi con họ bị giáo viên đánh đập.
Dạy học gần 20 năm, tôi chưa đánh học sinh một cái nào, nhiều người hỏi thì mình nói vui: “Không đánh học sinh vì sợ học sinh đánh lại”.
Các thầy cô nhất định phải học cách kiềm chế và từ chối bạo lực. Ở thời đại công nghệ 4.0 này, thông tin rất nhanh và rộng. Dùng bạo lực với học sinh là một sai lầm rất lớn, dù chỉ một lần.
Theo tôi, việc giáo viên sử dụng bạo lực sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý, sức khỏe và sự phát triển nhân cách của học sinh. Học sinh sẽ không còn hứng thú khi đến trường, không tập trung học tập, không còn sự tôn trọng với thầy cô.
Là nạn nhân của bạo lực, học sinh dễ sinh tư tưởng tiêu cực, hình thành các hành vi chống đối, bất mãn, thậm chí trầm cảm, tự tử.
Những sự việc đau lòng gần đây cũng báo động về sự xuống cấp đạo đức của một số giáo viên, làm xấu đi hình ảnh của ngành giáo dục, làm gia đình và xã hội cảm thấy bất an.
Video: Cô giáo Hải Phòng phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng
Giáo viên không trở thành “con sâu” trong ngành giáo dục
Trong giai đoạn hiện nay, nhiều nhà trường, giáo viên mới chỉ chú trọng dạy chữ. Họ xem nhẹ dạy làm người, vì thế học sinh thiếu lễ phép, coi thường nội quy nhà trường.
Tôi thấy, giáo viên chưa được quan tâm đào tạo kỹ năng sống như đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng ứng phó với khủng hoảng,… Vì vậy, khi có nhiều bức xúc dồn nén, các thầy cô rất dễ mất kiểm soát và mắc sai lầm trong việc ứng xử với học sinh.
Trong một số trường hợp, có thể do thầy cô quá cứng nhắc, nghiệp vụ sư phạm yếu kém hoặc do tình thương với học sinh chưa đủ lớn.
Để tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra, mỗi giáo viên cần hoàn thiện kỹ năng cho riêng mình để có cách ứng xử phù hợp trong mỗi tình huống, khiến học trò tâm phục, khẩu phục mà vẫn đạt được các mục tiêu giáo dục.
Nhà trường nên có các buổi sinh hoạt chuyên đề, tuyên truyền, đào tạo thêm cho giáo viên, rút kinh nghiệm từ những sự việc đã xảy ra trong ngành.
Ngành giáo dục cần tiếp nhận thông tin kịp thời và có cách xử ý nghiêm khắc để răn đe những thầy cô còn có những cách ứng xử không phù hợp với học sinh.
Gia đình cần quan tâm hơn đến việc học tập của các con, liên hệ kịp thời với nhà trường nếu có các vấn đề bất thường; giáo dục các con cách cư xử phù hợp với thầy cô và bạn bè; tôn trọng nội quy trường học.
Lâu nay, hàng trăm ngàn giáo viên đang miệt mài dạy dỗ học sinh đầy tâm huyết, những sự việc đáng tiếc vừa qua chỉ là thiểu số song đã để lại nhiều hệ quả xấu. Mong các thầy cô cố gắng cả về cái tài lẫn cái tâm để không trở thành những “con sâu” trong ngành".
Bình luận