• Zalo

'Thầy giáo' Sầm Đức Xương dạy học trong trại giam

Giáo dụcThứ Sáu, 04/10/2013 08:38:00 +07:00Google News

Điểm đến lần này là Trại giam Quyết Tiến (Tổng cục VIII, bộ Công an), nơi Sầm Đức Xương đang thụ án.

Điểm đến lần này là Trại giam Quyết Tiến (Tổng cục VIII, bộ Công an), nơi Sầm Đức Xương đang thụ án.

Cũng như chúng tôi, chắc rất nhiều người quan tâm sẽ tự hỏi, giờ đây, trong trại giam, Sầm Đức Xương đang như thế nào?

Tôi muốn sớm trở về, bù đắp cho vợ con   

Cứ ngỡ khi gặp Sầm Đức Xương, “thầy giáo” này sẽ kín tiếng và e dè khi tiếp xúc với nhà báo. Nhưng không, sau khi được các cán bộ quản lý trại giam tạo điều kiện tiếp xúc với Sầm Đức Xương, chúng tôi đã không khỏi ngạc nhiên.

Hình như sau hơn một năm, lao động cải tạo, “thầy” Xương tỏ ra bình tĩnh hơn. Thậm chí còn tỏ ra bình thản. Buổi sáng hôm ấy, khi nghe quản giáo gọi có nhà báo đến gặp, Sầm Đức Xương gác lại việc chăm cây, nhổ cỏ để tiếp chúng tôi.


Gặp chúng tôi, Sầm Đức Xương chủ động đưa tay ra bắt và nở một nụ cười thân thiện. Câu đầu tiên, cựu hiệu trưởng này chia sẻ: “Tôi bây giờ an phận rồi nhà báo ạ! Cố gắng phấn đấu, cải tạo cho thật tốt để trở về bù đắp cho vợ con. Quan điểm của tôi là cứ cởi mở, thân thiện với mọi người cho cuộc sống dễ chịu hơn”. Và thật bất ngờ, Sầm Đức Xương chủ động “phỏng vấn ngược” chúng tôi: “Vậy nhà báo muốn hỏi tôi điều gì?”

Được trở lại giảng bài, Sầm Đức Xương tỏ ra rất vui vẻ
Được trở lại giảng bài, Sầm Đức Xương tỏ ra rất vui vẻ 
Nói rồi, Sầm Đức Xương từ tốn kéo ghế ngồi phía đối diện với chúng tôi. Bất giác chúng tôi liên tưởng khi ông Xương còn là một hiệu trưởng, chắc cũng không ít lần “oai vệ” trong những mối quan hệ và những cái bắt tay đầy “uy lực”.

Quả là, đời người, không biết đâu mà lần.


“Thầy giáo” Xương kể: “Cuối năm 2011, tôi được chuyển đến thụ án tại trại giam Quyết Tiến. Thời gian đầu, tôi được phân công vào tổ làm mây tre đan cùng các phạm nhân khác. Nhưng do tự thấy sức khỏe không được tốt như mắt mờ, tay run, không phù hợp với những công việc cần đòi hỏi phải có sự tỉ mẩn, khéo léo, nên tôi đề xuất xin chuyển công việc khác.

Sau khi xem xét nguyện vọng và cũng xét thấy lớp học xóa mù chữ dành cho phạm nhân ở phân trại số 2 trại giam Quyết Tiến đang cần một người đứng lớp, nên Ban Giám thị trại đồng ý để tôi làm thầy giáo của lớp học đặc biệt đó”.

"Thầy giáo" Sầm Đức Xương dạy học trong tù
Được biết, ở trong trại, mỗi khóa học xóa mù chữ chỉ học đến hết chương trình lớp 3 thôi, sau đó lại tổ chức một khóa xóa mù chữ cho các phạm nhân mới. Và từ đó, ngoài việc chăm cây, nhổ cỏ, Xương còn có một việc mới là dạy chữ cho những lớp học trong trại giam.

Điều ít biết về những chuyến thăm

Cũng ít ai biết rằng, khi Sầm Đức Xương rơi vào vòng lao lý, bị biết bao điều tiếng và người đời lên án, vẫn có những người âm thầm nhớ đến “thầy” Xương, ở góc khuất của một con người khác của “thầy”. Bởi ở đời, chẳng ai toàn ác hay toàn thiện.

Những người đó chính là những đồng nghiệp từng một thời gọi “thầy” Xương là “sếp”. Họ thi thoảng vẫn vào trại giam thăm “sếp” cũ. Xem ra “luật đời” vẫn còn khe ánh sáng cho Sầm Đức Xương, đi qua những tháng ngày phải trả giá cho tội lỗi đã gây ra, để chờ ngày về nẻo thiện.

Sầm Đức Xương tâm sự: “Tôi vốn bị huyết áp thấp, cộng thêm bệnh tiểu đường đã lâu nên sức khỏe trước đây luôn có vấn đề. Mỗi lần tụt đường huyết, chân tay lại run lẩy bẩy, tim đập nhanh, những lúc đó tôi phải cho một thìa đường vào miệng là khỏi. Cứ tụt huyết áp, hoa mày chóng mặt, tôi ngậm vài viên kẹo là ổn.

Giờ, tâm lý cũng ổn định hơn, lại có thêm niềm vui được đứng trên bục giảng nên sức khỏe của tôi cũng khá hơn trước, tôi ăn ngủ điều độ hơn.

Buổi chiều, hết giờ lao động hoặc những lúc có thời gian rảnh rỗi, tôi thường đi bộ vận động nhẹ nhàng trong khu giam giữ, cũng có khi là tập Yoga thì mắt cũng đỡ kém hơn.

Đồng nghiệp trước đây của tôi ở trường THPT Việt Lâm có lần vào trại thăm tôi cũng khen da dẻ dạo này hồng hào, cơ thể hoạt bát nhanh nhẹn hơn nhiều so với ngày ra tòa xét xử…”.


Cảm động khi thấy “trò” viết được thư gửi về gia đình

Trò chuyện với chúng tôi, Sầm Đức Xương cho biết, bình thường mỗi tuần đứng lớp giảng bài cho các bạn tù 2 buổi vào thứ Bảy, Chủ nhật, còn các ngày khác trong tuần thì đi làm vệ sinh, chăm cây, nhổ cỏ, hoặc dành thời gian soạn giáo án.

 Khóa học xóa mù chữ vừa kết thúc của Sầm Đức Xương lúc đầu có khoảng hơn 40 phạm nhân theo học, nhưng sau đó do có một số người có thành tích cải tạo tốt, được giảm án ra tù trước thời hạn, vì thế cuối cùng có khoảng 27 phạm nhân ở phân khu 3  tốt nghiệp khóa học này.

 “Trò” của “thầy giáo” Xương trong trại giam có đủ các thành phần với đủ các loại tội danh khác nhau, có người kém Xương tới gần 30 tuổi, có người lại hơn “thầy” mười mấy tuổi.

Sầm Đức Xương kể rằng, trong số những bạn tù theo học khóa xóa mù chữ, chủ yếu là người dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu vùng xa, hẻo lánh.

Bên cạnh đó cũng có nhiều trường hợp là người dân tộc Kinh, quê ở Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nội nhưng do điều kiện hoàn cảnh khó khăn, trước khi vào đây chưa từng được cắp sách đến trường.


“Những người tham gia lớp học đặc biệt này vì tuổi tác khác nhau, lại có người còn chưa hiểu nhiều tiếng phổ thông nên việc dạy học cho họ đòi hỏi phải kiên trì, vừa dạy vừa động viên, khuyến khích họ. Dẫu sao việc tiếp thu kiến thức của những người lớn tuổi rồi sẽ không nhanh nhạy như các em học sinh của mình trước đây.

Có người rất chăm chỉ học hành nhưng phải mất một thời gian khá lâu vẫn cứ viết ngược con số 3, hay lại có người quay ngang số 8. Tuy nhiên, nhìn chung những học sinh trong lớp học đặc biệt này đều rất chịu khó ôn luyện, chịu khó lắng nghe tôi giảng bài. Sau một năm học, nhiều phạm nhân đã biết đọc, biết viết và làm các phép tính đơn giản.
 Tủ sách giáo trình để phục vụ lớp học xóa mù chữ cho phạm nhân ở phân trại K3
Tủ sách giáo trình để phục vụ lớp học xóa mù chữ cho phạm nhân ở phân trại K3 
Nhiều người còn viết thư về cho gia đình, được gia đình viết thư gửi lại động viên khiến họ vui lắm, càng cố gắng học hành chăm chỉ hơn. Thấy được sự tiến bộ của các bạn tù trong lớp học, tôi vui lắm. Tôi cảm thấy đó là phần thưởng rất lớn dành cho mình. Bởi những cố gắng của mình đã có thành quả” - Sau một hồi trút bầu tâm sự, Sầm Đức Xương nở nụ cười mãn nguyện.

Hiện tại, “thầy giáo” Xương đang sửa soạn giáo án để chuẩn bị cho một khóa học mới và khoe rằng: “Tôi nghe quản giáo nói đang thống kê lại những trường hợp phạm nhân không biết chữ ở phân trại số 3, để tạo điều kiện cho họ theo học khóa xóa mù chữ.

Thấy bảo, khóa sắp tới tôi chuẩn bị dạy có khoảng hơn ba chục phạm nhân. Nhà báo biết không, ở phân trại nào của trại giam Quyết Tiến cũng có lớp học xóa mù chữ đấy.

Các cán bộ chọn những người trước đây từng làm giáo viên và có kinh nghiệm đứng lớp lâu năm để giảng bài. Chúng tôi được các cán bộ của trại động viên tinh thần nhiều lắm, có những lúc tâm sự với họ tôi cứ có cảm giác như đang nói chuyện cùng với người thân của mình…”.


Và thật bất ngờ, sau khi nói về những lớp học trong trại giam mà Sầm Đức Xương làm giáo viên, bất giác chúng tôi thấy Xương đưa ánh mắt nhìn xa xăm.

Hai bàn tay đan vào nhau, Xương nhắc đến các “học trò” của mình và cả những đứa con của Xương. Chúng tôi cũng thật sự bất ngờ với những điều Xương nói. Dường như khi được lắng nghe, những tâm tư sẽ dần bộc lộ…

Cảm giác muốn khóc khi được cầm lại viên phấn

“Thú thực với nhà báo, cái cảm giác được cầm viên phấn, đứng trước bục giảng khiến tôi rất xúc động, như muốn khóc. Những ngày đầu khi nghe cán bộ nói tôi chuẩn bị soạn giáo án để dạy chữ cho các bạn tù khiến tôi khấp khởi mất mấy đêm không ngủ.

Nó khiến tôi nhớ lại những cảm giác trước đây mỗi khi được đứng trước các em học sinh phổ thông.

Khi mới đứng lớp dạy chữ cho các bạn tù, vì lâu ngày không được cầm phấn nên chữ tôi cũng xấu tệ nhà báo ạ, nhiều bạn tù không thể luận được chữ thầy, nhưng sau đó, tôi cố gắng rèn rũa, tập luyện, giờ thì chữ viết trên bảng đã đẹp hơn rất nhiều”.





Theo Đời sống Pháp luật
Bình luận
vtcnews.vn