• Zalo

Thầy giáo quân hàm xanh dạy chữ, nhận đỡ đầu 3 học sinh nghèo mỗi năm

Giáo dụcThứ Sáu, 20/10/2017 08:42:00 +07:00Google News

Đại úy Nguyễn Văn Vỹ cùng thiếu tá Trần Nho Quý cùng nhau trao nhiều suất học bổng, nhận đỡ đầu 3 học sinh nghèo/năm tại xã Hương Vĩnh, Hương Khê, Hà Tĩnh.

Nhận đỡ đầu 3 học sinh nghèo/ năm

Đại úy Nguyễn Văn Vỹ (1971), quê ở Can Lộc, Hà Tĩnh. Hiện tại, anh Vỹ đang là Đội phó đội phòng chống ma tuý và tội phạm, Đồn Biên phòng Bản Giàng, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh.

Khi được điều động về nhận công tác tại đây, trên cương vị chức trách nhiệm vụ được giao là Đội phó đội phòng chống ma tuý và tội phạm, bản thân anh luôn xác định rõ trách nhiệm của mình và không dao động trước các thế lực thù địch.

Tại đây, anh Vỹ luôn nắm chắc tình hình địa bàn, tham mưu kịp thời cho cấp uỷ, chỉ huy đơn vị và chính quyền địa phương giải quyết có hiệu quả các vụ việc xảy ra trên địa bàn. Ngoài ra, anh còn tham gia tuần tra, giữ gìn an ninh trật trự trong các dịp lễ, Tết hay các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước.

Đại úy Vỹ từng bắt 12 vụ và xử lý 36 đối tượng về vi phạm an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội.

1

 Bên cạnh việc mở lớp dạy người dân, học sinh Hương Khê để xóa mù chữ, đại úy Vỹ còn cùng các chiến sỹ tại đồn biên phòng tham gia chương trình "Nâng bước em đến trường".

Đồn Biên phòng Bản Giàng đóng quân trên địa bàn xã Hương Vĩnh, Hương Khê, Hà Tĩnh. Nhiệm vụ của các chiến sỹ là quản lý 3 xã biên giới dài 17,8 km gồm xã Hương Vĩnh, Hương Lâm và Hương Liên.

Đại úy Vỹ cho biết, về làm việc tại đây, anh làm công tác tuyên truyền. Tuyên truyền, định hướng cho các đối tượng phạm tội đã khó; vận động được người dân, học sinh ở đây đi học còn khó hơn, bởi trong họ luôn có ý nghĩ, học xong không để làm gì.

“Theo tôi, muốn đồng bào dân tộc đến lớp học, phải đưa ra những lợi ích trực tiếp liên quan đến họ. Nếu chỉ đặt ra những lợi ích xa vời, hiệu quả sẽ không được như mong muốn”, đại tá Vỹ nói.

Theo tìm hiểu, từ năm 2015 đến nay, đại úy Vỹ được Ban chỉ huy Đồn Bản Giàng giao nhiệm vụ khảo sát và trao quỹ học bổng “Nâng bước em tới trường”. Trong quá trình khảo sát, nhận thấy nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, đại úy Vỹ và thiếu tá Trần Nho Quý (cùng đơn vị) đã cùng nhau trao nhiều suất học bổng.

Ngoài ra, hai chiến sĩ còn nhận đỡ đầu 3 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại xã Hương Vĩnh (Hương Khê) với số tiền 400.000 đồng/tháng và thường xuyên thăm hỏi, giúp đỡ và hướng dẫn các em trong quá trình học tập.

Đến nay, các em học sinh nơi đây từ chỗ học lực trung bình đã vươn lên đạt danh hiệu học sinh giỏi mỗi năm.

Đặc biệt, vào dịp năm học mới, đại tá Vỹ cùng thiếu tá Qúy mua dụng cụ học tập, thường xuyên xuống tận nhà để dạy các em học tập.

Để nâng cao kỹ năng dạy học, anh Vỹ luôn trao đổi phương pháp sư phạm đối với giáo viên trong vùng. Không chỉ vậy, anh còn say mê tìm tòi các phương pháp giảng dạy hay, đạt hiệu quả.

Sống để cống hiến

Trên cương vị đội phó đội phòng chống Ma tuý và tội phạm, anh Vỹ luôn xác định cho mình lập trường tư tưởng, chính trị kiên định vững vàng.

Anh chia sẻ: “Công việc đầy gian nan, thử thách khi thường xuyên phải đối mặt với tội phạm nguy hiểm, vì vậy, bản thân phải xác định rõ chức trách, nhiệm vụ, không dao động trước khó khăn thử thách.

Tôi luôn nêu cao tinh thần ham học hỏi, cầu tiến bộ, chịu khó nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, luôn nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao”.

“Đến với bà con Hương Khê, tôi càng sôi sục ý chí phấn đấu, dành thời gian để xóa mù chữ nơi đây. Theo tôi, sống là để cống hiến, làm những điều bản thân cảm thấy ý nghĩa nhất”, đại úy Vỹ nói.

Được biết, những xã thuộc huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) có địa bàn hiểm trở, đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp nên việc vận động học sinh, người dân đi học chữ là rất khó.

Anh Vỹ cho biết, thời gian gần đây, đồn Biên phòng Bản Giàng phối hợp với đồn Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh giúp đỡ bà con nơi đây với hàng nghìn ngày công.

Video: Thầy giáo diển trai Đại học Ngoại thương: "Cuộc đời tôi thay đổi nhờ tiếng Anh"

Thiếu tá Trần Nho Quý (Đồn Biên phòng Bản Giàng) cho biết, quá trình tuyên truyền, vận động người dân ở đây đi học là cả một thời gian dài, vất vả.

Anh Quý tâm sự: “Để vận động người dân, học sinh đi học không phải là chuyện dễ, trong một sớm một chiều, nhất là các cháu thuộc dân tộc Chứt ở bản Rào Tre. Thường ngày, chúng tôi phải đến từng nhà vận động. Những ngày mưa,tôi cùng các chiến sỹ làm nhiệm vụ cõng các cháu đến lớp. Buổi tối, chúng tôi dạy thêm để học sinh sớm biết và thông thạo chữ hơn”.

Để động viên tinh thần của các em, các chiến sỹ này đã mua nhiều dụng cụ học tập.

“Được góp một phần công sức nhỏ bé của mình giúp các cháu nghèo vượt khó là niềm vui, động lực, cũng là tình cảm gắn bó trách nhiệm của mình cùng nhân dân, vì trẻ em nghèo nơi biên giới. Vì vậy, sau nhiều hành động ý nghĩa, tôi và đại úy Vỹ đã nhận đỡ đầu 3 em có hoàn cảnh gia đình khó khăn”, anh Qúy cho hay.

Được biết, quá trình nhận đỡ đầu học sinh bắt đầu từ tháng 9/2015. Khi đó, được Đảng uỷ, Ban chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ khảo sát các em học sinh trên địa bàn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vươn lên trong học tập để nhận đỡ đầu trong chương trình “Nâng bước tới trường”.

Năm 2017, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp Bộ GD-ĐT, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và Tập đoàn Thiên Long tổ chức chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" nhằm tuyên dương gương cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên bộ đội biên phòng có nhiều thành tích trong dạy học, vận động học sinh đến trường cũng như xóa mù chữ ở vùng biên giới và hải đảo. Đại úy Nguyễn Văn Vỹ là một trong những chiến sỹ biên phòng Hà Tĩnh được tuyên dương.

Sau hai năm thực hiện (năm 2015 và 2016), chương trình đã vinh danh 106 giáo viên công tác tại các trường học điểm lẻ tại 64 huyện nghèo và các trường học nằm trên đảo thuộc các huyện đảo và các đơn vị hành chính cấp huyện có xã đảo.

Lưu Ly
Bình luận
vtcnews.vn