• Zalo

Thầy giáo nổi tiếng lưu ý thí sinh làm câu Nghị luận văn học để giành điểm cao môn Văn

Giáo dụcThứ Ba, 12/06/2018 11:17:00 +07:00Google News

Thầy giáo Phan Trắc Thúc Định đưa ra một số lưu ý khi học sinh làm câu Nghị luận văn học (dạng đề so sánh, liên hệ) nhằm chinh phục môn Văn đạt điểm cao.

Video: Bản 'hit' Lạc trôi của Sơn Tùng M-TP vào đề Văn chuyên Vĩnh Phúc

Trong đề thi môn Ngữ văn THPT Quốc gia năm nay, câu Nghị luận văn học chiếm 50% số điểm.

Điểm mới và khác biệt là đề thi năm nay sẽ yêu cầu học sinh liên hệ so sánh kiến thức giữa hai lớp 11 với 12. Dù lượng kiến thức vẫn nằm chủ yếu trong chương trình lớp 12, nhưng vẫn có thêm phần kiến thức lớp 11.

Vì vậy, đề yêu cầu học sinh phải cảm nhận, phân tích, so sánh, liên hệ để làm rõ vấn đề.

Thầy giáo, Th.s Phan Trắc Thúc Định (giáo viên trường THPT Nguyễn Văn Cừ - Hà Nội) - người có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy và chấm thi THPT đã đưa ra một số định hướng chia sẻ, giúp đỡ các em nắm bắt được một số điểm mới trong việc ôn luyện môn Ngữ văn, đặc biệt ở câu Nghị luận văn học để đạt kết quả tốt nhất.

35049960_1927750024182570_5173562917219467264_n

 Thầy giáo, Th.s Phan Trắc Thúc Định.

1. Học sinh (HS) cần đọc kỹ đề để xác định đúng yêu cầu của đề

Thời gian làm câu nghị luận văn học, HS nên dành 70-80 phút/120 phút để làm. Đây là câu hỏi có tính phân hóa rất rõ nên sau khi nhận đề, HS cần đọc kỹ, gạch chân vào các từ khóa quan trọng trong đề, xác định đúng yêu cầu đề, dạng đề...

Trước khi viết bài, HS nên gạch dàn ý cơ bản ra nháp. Trong quá trình viết bài, HS có thể bổ sung, chỉnh sửa dàn ý cho hoàn thiện. HS không nên viết nháp các đoạn văn rồi mới lắp ghép chép vào bài làm văn, vì như vậy sẽ rất mất thời gian.

Dựa vào đề thi minh họa của Bộ năm 2018 và các đề thi thử THPT Quốc gia của các sở GD-ĐT và các trường THPT, dễ dàng nhận thấy điểm mới trong đề nghị luận văn học môn Ngữ Văn THPT Quốc gia 2018 có sự xuất hiện của chương trình lớp 11 với nhiều tác phẩm được đưa vào đề.

Dù là liên hệ, so sánh kiến thức lớp 11 và lớp 12 trong đề thi Văn không còn mới nhưng cấu trúc đề thi năm nay sẽ không còn là đề liên hệ, so sánh như các năm trước.

Đề thi liên hệ, so sánh của các năm trước lượng kiến thức thường rơi vào các tác phẩm lớp 12, với dạng câu hỏi thuần túy là “Cảm nhận hai đoạn thơ sau...”; “Cảm nhận hai chi tiết sau...”; “Cảm nhận hai nhân vật sau...”...

Ví dụ như:

- Đề khối C 2008 (diễn tả nỗi nhớ) trong hai bài: “Tây Tiến” của Quang Dũng và “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên.

Xét về yêu cầu, phạm vi kiến thức tương ứng của 2 đối tượng so sánh sẽ tương đương là 50 – 50. Năm nay, điểm mới là trong đề thi kiến thức lớp 12 vẫn là chính nhưng có thêm phần liên hệ so sánh với lớp 11. Do vậy, HS cần nắm vững mức độ yêu cầu của dạng câu hỏi đề ra để có cách thức làm bài phù hợp.

2. HS cần nắm vững hai dạng đề cơ bản

HS cần phân biệt hai dạng đề cơ bản cũng như hai cách làm và dung lượng kiến thức yêu cầu để phân bổ thời gian làm bài hợp lý.

Dựa trên đề thi năm 2017 và đề minh họa năm 2018, tôi nhận thấy có 2 dạng đề cơ bản với câu nghị luận văn học như sau:

a. Với dạng đề cảm nhận, so sánh: Đề bài sẽ xuất hiện các cụm từ yêu cầu như: “so sánh”, “cảm nhận” hoặc “cảm nhận và so sánh”...

HS lần lượt cảm nhận từng đối tượng xuất hiện trên đề bài, sau đó so sánh (chỉ ra điểm giống và khác nhau) rồi lý giải nguyên nhân và đưa ra nhận xét.

b. Với dạng đề liên hệ: Đề sẽ đưa ra một ngữ liệu đầu, yêu cầu HS “cảm nhận, phân tích...” sau đó đề yêu cầu HS “liên hệ với...” ngữ liệu thứ 2.

Ngữ liệu 1 thường là lớp 12; ngữ liệu 2 thường là tác phẩm lớp 11. Trọng tâm kiến thức nghiêng về lớp 12 chiếm 70-80%, phần lớp 11 học sinh chỉ dành dung lượng 20-30%.

Tạm hiểu kiến thức lớp 12 thuộc phần yêu cầu cơ bản; phần liên hệ so sánh với lớp 11 thuộc phần yêu cầu phân hóa, phân loại thí sinh. Vì thuộc phần nâng cao nên khi liên hệ, so sánh với lớp 11, thí sinh cần chỉ ra được điểm tương đồng (giống nhau), khác biệt (khác nhau) với tác phẩm lớp 12; sau đó lý giải nguyên nhân và đưa ra nhận xét.

Dễ nhận thấy, điểm giống nhau của 2 dạng đề trên là đề bài đều nên ra 2 ngữ liệu. Vì đề xuất hiện hai đối tượng trên đề bài, nên dù đề có hỏi “cảm nhận”, hoặc “so sánh”; hoặc “cảm nhận và so sánh”; hoặc “cảm nhận rồi liên hệ”... HS đều cần làm nổi bật lần lượt từng đối tượng, rồi đi đến so sánh, lý giải nguyên nhân và rút ra kết luận.

Ví dụ công thức viết với 2 dạng đề:

Dạng đề: Cảm nhận - so sánh        

I. Mở bài

- Nêu vấn đề: HS giới thiệu tác giả và tác phẩm của cả 2 đối tượng (dung lượng ngang bằng nhau). Sau đó giới thiệu tới 2 đối tượng - vấn đề của đề bài yêu cầu cảm nhận, so sánh.

II. Thân bài – Triển khai vấn đề:

* Cách 1: Phân tích nối tiếp, lần lượt:

1. Cảm nhận, phân tích, làm rõ đối tượng thứ nhất (ở các phương diện nội dung, nghệ thuật).

2. Cảm nhận, phân tích, làm rõ đối tượng thứ hai (ở các phương diện nội dung, nghệ thuật).

3. So sánh hai đối tượng:

a. Điểm tương đồng

b. Điểm khác biệt

4. Lý giải sự tương đồng/khác biệt

* Cách 2: So sánh - phân tích songsong:

a. Điểm giống nhau: HS phân tích 2 ngữ liệu đề bài để thấy sự giống nhau.

b. Điểm khác nhau: HS phân tích 2 ngữ liệu đề bài để thấy sự khác nhau.

c. HS đưa ra lý giải sự giống và khác nhau; đưa ra nhận xét.

Chú ý: Cách 2 này hay nhưng khó, đòi hỏi khả năng tư duy chặt chẽ, logic, sự tinh nhạy trong phát hiện vấn đề học sinh mới tìm được luận điểm của bài viết.

III. Kết bài: Tóm lược, đánh giá, nhận xét vấn đề.

Video: Đề tham khảo kỳ thi THPT Quốc gia 2018: Khó "mưa" điểm 10

Dạng đề: Liên hệ

I. Mở bài

- Nêu vấn đề: HS giới thiệu chủ yếu tác giả và tác phẩm của đối tượng thứ nhất; sau đó HS có nói đến tác phẩm thứ 2 “liên hệ với...”, và giới thiệu vấn đề của đề bài.

Vậy tác phẩm 2, được liên hệ đến, HS không cần giới thiệu kỹ càng chi tiết (như tác phẩm 1), mà chỉ cần nêu một câu dẫn dắt sang là được.

II. Thân bài - Triển khai vấn đề:

1. Cảm nhận, phân tích, làm rõ đối tượng thứ nhất (ở các phương diện nội dung, nghệ thuật). Đây là yêu cầu cơ bản  - yêu cầu chính – nên sẽ chiếm 70-80% kiến thức.

2. Từ đó, liên hệ đến tác phẩm thứ hai. Đây là yêu cầu nâng cao nên sẽ chiếm dung lượng là 20-30%.

- Cách 1: HS có thể cảm nhận, phân tích, làm rõ đối tượng thứ hai (ở các phương diện nội dung, nghệ thuật); sau đó mới so sánh với đối tượng thứ nhất, dựa trên yêu cầu đề.

- Cách 2: HS có thể so sánh với đối tượng thứ nhất luôn, dựa trên yêu cầu đề.

+ Điểm giống nhau

+ Điểm khác nhau

3. Lý giải sự giống và khác nhau, đưa ra nhận xét.

III. Kết bài: Tóm lược, đánh giá, nhận xét vấn đề.

Chú ý chung cho cả 2 dạng đề:

- Phần so sánh điểm giống và khác nhau: Cần chỉ rõ trên phương diện chủ đề, nội dung, hình thức nghệ thuật... HS vận dụng các thao tác lập luận phân tích, bình luận.

- Lý giải sự giống và khác nhau: Thường dựa trên bối cảnh thời đại, xã hội – hoàn cảnh ra đời; môi trường văn hóa mà từng đối tượng tồn tại; đặc trưng thi pháp văn học; phong cách, nét riêng biệt của mỗi nhà văn...

- Trong thực tế không phải đề nào chúng ta cũng có thể áp dụng theo đúng khuôn mẫu cách làm như đã trình bày ở trên, bởi mỗi cách làm đều có mặt mạnh, mặt yếu khác nhau.  HS cần bám sát cách hỏi trong mỗi đề cụ thể để áp dụng theo cách nào và áp dụng sao cho linh hoạt, phù hợp.

Thầy giáo Phan Trắc Thúc Định tốt nghiệp loại Giỏi ngành sư phạm Ngữ văn (Đại học Giáo Dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội).

- Thạc sỹ Văn học, khoa Văn - trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội.

- Ths. Phan Trắc Thúc Định là người có nhiều năm giảng dạy, ôn luyện và chấm thi 9 lên 10; chấm thi THPT Quốc gia môn Văn, giải các đề thi THPT Quốc gia; thường xuyên chia sẻ các bí kíp, kinh nghiệm làm bài thi hiệu quả tới các bạn học sinh...

Thầy giáo Phan Trắc Thúc Định
Bình luận
vtcnews.vn