• Zalo

Thầy giáo nổi tiếng bật mí cách ôn môn Văn đạt điểm tối đa phần Nghị luận xã hội

Giáo dụcThứ Năm, 12/04/2018 07:52:00 +07:00Google News

Mới đây, thầy giáo nổi tiếng Trịnh Quỳnh gửi tới VTC News bài viết chia sẻ về cách ôn luyện môn Văn đạt điểm tối đa phần Nghị luận xã hội trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018.

Nghị luận xã hội là một trong những nội dung mà học sinh thường rất hứng thú vì gần gũi và thiết thực với đời sống.

Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, nội dung và yêu cầu của câu nghị luận xã hội gắn với phần Đọc hiểu, dựa vào kết quả đọc hiểu.

Tuy nhiên, cần chú ý là đề thường chỉ lấy một ý trong phần Đọc hiểu thông qua một vài câu mang tính chất danh ngôn để yêu cầu người viết phát biểu, trình bày suy nghĩ của mình.

18893063_1388036814576862_3268542498507358320_n

 Thầy giáo Trịnh Quỳnh.

Đoạn văn nghị luận xã hội phải đảm bảo về hình thức: Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.

Đồng thời phải đảm bảo về nội dung: sử dụng hiệu quả các thao tác lập luận, dẫn chứng đưa ra thuyết phục, bài học đưa ra phải chân thành và sâu sắc không nên lặp ý đã có ở phần đọc hiểu.

Đặc biệt bài làm đạt điểm tối đa cần có những thông điệp giàu ý nghĩa để lại những triết lý trong lòng người đọc.

Học sinh có thói quen viết dài hơn 200 chữ, muốn viết rất nhiều ý nhưng thường viết lan man cảm nghĩ đến đâu thì viết đến đó hoặc viết chung chung các câu các ý lặp lại của nhau nên chỉ đạt điểm trung bình.

Video: Đề Ngữ văn THPT Quốc gia 2017: Sự "thấu cảm" không làm khó thí sinh

Dưới đây là 5 quy tắc đơn giản có thể ghi nhớ trên đầu ngón tay để làm bài. Quy tắc này tránh được viết thiếu ý, thiếu hệ thống.

Với mỗi nội dung, học sinh chỉ cần viết từ 2 – 3 câu văn là đảm bảo đủ ý, đúng dung lượng yêu cầu. Hãy ghi nhớ quy tắc này để tư duy nhanh và làm bài trong khoảng 15 phút.

1. Giải thích

Khái niệm: giải thích là vận dụng tri thức để hiểu vấn đề nghị luận một cách rõ ràng và giúp người khác hiểu đúng ý của mình.

Cách làm:

- Giải thích cơ sở: Giải thích từ ngữ, khái niệm khó, nghĩa đen, nghĩa bóng của từ.

- Trên cơ sở đó giải thích toàn bộ vấn đề, chú ý nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn.

- Trả lời cho câu hỏi What? (Cái gì).

2. Phân tích

Khái niệm:

Phân tích là chia tách đối tượng, sự vật hiện tượng thành nhiều bộ phận, yếu tố nhỏ để đi sâu xem xét kĩ lưỡng nội dung và mối liên hệ bên trong của đối tượng.

Cách làm:

- Khám phá chức năng biểu hiện của các chi tiết

- Trả lời cho câu hỏi Why? (Vì sao).

3. Bình luận

Khái niệm: Bình luận là bàn bạc đánh giá vấn đề, sự việc, hiện tượng… đúng/sai, hay/dở; tốt/xấu, lợi/hại…; để nhận thức đối tượng, cách ứng xử phù hợp và có phương châm hành động đúng.

Yêu cầu của việc đánh giá là sát đối tượng, nhìn nhận vấn đề toàn diện, khách quan và phải có lập trường tư tưởng đúng đắn, rõ ràng.

Cách làm:

- Đưa ra những nhận định về đối tượng nghị luận. Thông thường, những nhận định được rút ra từ kết quả phân tích.

- Trả lời cho câu hỏi When, Where? (Biểu hiện khi nào, ở đâu?).

4. Dẫn chứng

Chứng minh là đưa ra những cứ liệu - dẫn chứng xác đáng để làm sáng tỏ một lí lẽ một ý kiến để thuyết phục người đọc người nghe tin tưởng vào vấn đề.

Cách làm:

- Đưa lý lẽ trước.

- Chọn dẫn chứng và đưa dẫn chứng. Cần thiết phải phân tích dẫn chứng để lập luận chứng minh thuyết phục hơn. Đôi khi thuyết minh trước rồi trích dẫn chứng sau.

- Trả lời cho câu hỏi Who? (ai) để tìm dẫn chứng.

5. Bài học

Trên cơ sở của những nhận định, người viết đánh giá vấn đề, rút ra bài học về nhận thức và hành động.

Bài học là tổng kết những gì người đọc tiếp thu được và thay đổi chuyển biến sau khi nhận thức được vấn đề.

Khi viết bài học phải chân thành, giản dị tránh khoa trương, sáo rỗng, khuôn mẫu. Để bài làm có điểm nhấn nên lấy một bài học có thông điệp ý nghĩa, có hình ảnh ẩn dụ, gợi mở nhiều cảm xúc và tạo dư âm trong người đọc.

- Trả lời cho câu hỏi How? (làm như thế nào) để rút ra bài học cho bài làm nghị luận xã hội.

Kết luận: Muốn làm tốt phần nghị luận xã hội học sinh cần có rất nhiều trải nghiệm.

Đó là những trải nghiệm trong cuộc sống, sách vở, tiếp nhận các thông tin từ truyền thông, những bài học người đi trước để lại.

Vốn hiểu biết của người viết không nên chỉ dừng lại ở những việc học tập trên ghế nhà trường.

Trước mỗi vấn đề cũng cần nhìn nhận đa chiều, trong đó nên lựa chọn các vấn đề tích cực và nhìn nhận tích cực vấn đề. Cách tư duy và trình bày trong đoạn văn nghị luận xã hội quyết định rất nhiều đến sự thành công trong tương lai".

Video: Hướng dẫn làm hồ sơ đăng ký thi THPT Quốc gia 2018

Thầy giáo Trịnh Quỳnh
Bình luận
vtcnews.vn