Theo sách Những người thầy trong sử Việt, tháng 8 năm Đinh Sửu (1457), sứ thần nhà Minh là Hoàng Gián sang nước ta đàm phán về quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Biết sứ thần Trung Quốc hoạt ngôn và hay làm khó đối thủ, triều đình cử Nguyễn Trực ra ứng đối. Bằng tài biện bác xuất sắc của mình, Nguyễn Trực (1417-1474) đã khiến sứ giả phải kinh ngạc, thán phục.
Lưỡng quốc trạng nguyên
Ít lâu sau màn đối đáp đó, trạng nguyên Nguyễn Trực và bảng nhãn Trịnh Thiết Trường được cử đi sứ phương Bắc. Hai người đi từ mùa thu, đường xa xôi, mãi tới mùa đông buốt giá mới đến Yên Kinh (Bắc Kinh).
Bấy giờ, triều Minh đang mở khoa thi tuyển chọn nhân tài trong bốn cõi. Vua Minh nhân đó cũng muốn thử tài sứ thần Đại Việt nên bảo hai ông vào thi cùng.
Biết ý vua Minh, Nguyễn Trực và Trịnh Thiết Trường bàn nhau gắng sức để chứng minh trí tuệ nước Nam. Dù vừa trải qua chuyến hành trình mệt mỏi, thời tiết khắc nghiệt, áo không đủ ấm, hai vị sứ thần vẫn cắn răng làm bài.
Khi kết quả được công bố, Nguyễn Trực đỗ trạng ở Trung Quốc, được vua Minh ban tặng áo cẩm bào, còn Trịnh Thiết Trường đỗ bảng nhãn. Tính cả danh hiệu ở Đại Việt, đây chính là lần thứ hai Nguyễn Trực đỗ trạng nguyên còn Trịnh Thiết Trường cũng có lần thứ hai đỗ bảng nhãn.
Nguyễn Trực được vua Minh phong làm lưỡng quốc trạng nguyên. Khi về nước, cả hai ông được vua Lê Thánh Tông thăng làm thượng thư, ban cho 8 chữ vàng: Thành công danh Nam Bắc triều danh ngã (nghĩa là: Hoàn thành công danh ở cả hai nước).
Khi vua Lê Nhân Tông bị Lê Nghi Dân hãm hại, trạng nguyên Nguyễn Trực đã thảo bài văn tế với lời lẽ hết sức thống thiết, kể hết công đức của tiên đế - lên án tội ác của Lê Nghi Dân. Sau này, ông cùng nhiều đại thần khác lật đổ hôn quân Lê Nghi Dân để đưa vua Lê Thánh Tông lên ngôi.
Khi vua Lê Thánh Tông lên ngôi, Nguyễn Trực tiếp tục được tân vương tin dùng, đặc biệt coi trọng và lắng nghe ý kiến của ông. Giống như thời vua Lê Nhân Tông, dưới thời vua Lê Thánh Tông, Nguyễn Trực tiếp tục là bậc công thần được tin yêu.Trong những năm cuối đời, Nguyễn Trực cáo quan về quê sống ẩn dật. Năm 1474, ông qua đời tại quê nhà, hưởng thọ 57 tuổi.
Vua Lê Thánh Tông có lời điếu rằng: "Đời dõi Nho tông phát ấp bang; trong đạo đức, có từ chương; nối dòng thi lễ nhà truyền báu; tranh giải khôi nguyên bảng chói vàng; Nam - Bắc hai triều danh vang; phong lưu một cửa họ sang; từ đường ở đấy niềm tây lạnh; Dấu cũ càng thơm xạ có hương".
Bằng “Nước cờ Tam Điệp” đi vào sử sách, Ngô Thì Nhậm cho 290.000 quân Thanh ngủ trọ một đêm trước khi đuổi chúng chạy thoát thân không còn mảnh giáp.
Được vua vẽ chân dung đặt cạnh ngai vàng
Khoa bảng Việt Nam từng xuất hiện rất nhiều nhân tài xuất chúng, tài năng trải đều trên nhiều lĩnh vực nhưng chỉ duy nhất trạng nguyên Nguyễn Trực được vua vẽ chân dung đặt cạnh ngai vàng.
Nguyễn Trực vốn người làng Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Quốc Oai (Hà Nội ngày nay). Theo gia phả ghi lại, đến ông, gia tộc đã có đến 4 đời đỗ đại khoa. Trong đó, cụ nội, ông nội, bố ông đều là những tiến sĩ lừng danh đương thời. Có tiếng là siêng năng, chăm chỉ từ nhỏ, ông đi chăn trâu cũng mang theo sách học, được người đương thời mệnh danh là “thần đồng chăn trâu”.
Năm 18 tuổi, ông đỗ đầu kỳ thi Hương. Năm 1442, triều đình mở khoa thi tiến sĩ, chánh chủ khảo là Nhập nội Hành khiển Nguyễn Trãi, vua Lê Thái Tông trực tiếp chấm bài. Nguyễn Trực xuất sắc đỗ trạng nguyên với bài thi “luận về phép trị nước của các vương triều”. Năm đó, ông tròn 25 tuổi.
Theo sách Những người thầy trong sử Việt, nhận trọng trách của vua giao, Nguyễn Trãi chăm chú đọc kỹ từng quyển thi, rồi ông sửng sốt khi bắt gặp những kiến giải độc đáo, sâu sắc và có tính thiết thực với việc trị nước.
Cảm phục bài thi xuất sắc, Nguyễn Trãi đã không ngần ngại đề xuất vua Lê Thái Tông lấy Nguyễn Trực đỗ trạng nguyên, đứng đầu trong số 33 người đỗ tiến sĩ ở kỳ thi này.
Sau khi đỗ đạt vinh hiển, năm 1445, Nguyễn Trực được vua ban chức Thiếu trung khanh đại phu kiêm Ngự sử đài ngự sử thị Đô uy. Tuy vậy, nhận thấy mình còn trẻ đã giữ chức cao, trong khi nhiều công thần chống quân Minh giữ chức thấp hơn, Nguyễn Trực dâng biểu tạ ân và từ chối chức vị. Vua Lê Nhân Tông phải ra dụ 3 lần, ông mới chịu nhận.
Năm 1454, khi mẹ qua đời, Nguyễn Trực phải quay về chịu tang. Biết tin, sĩ tử khắp nơi đến nhờ ông dạy học, càng ngày, học trò theo học thầy Nguyễn Trực càng đông. Trong khi đó, ở kinh thành Thăng Long, vua Lê Nhân Tông vì nhớ quan trạng nên cho người vẽ chân dung ông đặt cạnh ngai vàng.
Đánh giá về trạng nguyên Nguyễn Trực, danh sĩ Thân Nhân Trung viết rằng: “Khai quốc trạng nguyên, văn chương vẻ vang trong nước, nổi tiếng một thời. Triều vua nào cũng được yêu chuộng, giữ việc văn hành, ở ngôi quán các, là người khiêm tốn, trước sau vẹn toàn”.
Nguyễn Trực chính là vị trạng nguyên của triều Hậu Lê, đồng thời ông cũng là vị trạng nguyên đầu tiên được dựng bia đá khắc ghi bảng vàng ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ông cũng là một trong bốn vị Lưỡng quốc trạng nguyên của sử Việt cùng Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Nghiêu Tư và Nguyễn Đăng Đạo.
Bình luận