Nguyễn Đình Chiểu sinh năm 1822 trong một gia đình nhà Nho nghèo ở Tân Thới, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, nay thuộc quận 1, TP HCM. Cha ông là Nguyễn Đình Huy, người gốc Thừa Thiên Huế, làm thư lại ở Văn hàn ti thuộc Tổng trấn Gia Định thành.
Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, vào năm 1833, Lê Văn Khôi nổi lên chống triều Nguyễn, chiếm Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu theo cha về Thừa Thiên tránh loạn và học tập. Năm 1841, Nguyễn Đình Chiểu về Gia Định, thi đỗ tú tài và được người nhà họ Võ hứa gả con gái cho. Bốn năm sau, ông quay lại Huế học để chờ thi Hương, quyết chí đỗ cử nhân.
Trong lúc dùi mài kinh sử thì được tin mẹ mất ở Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu bỏ thi, theo đường bộ trở về Nam chịu tang mẹ.
Trên đường về, vì đường sá vất vả và thời tiết thất thường, lại do quá thương khóc mẹ nên đến Quảng Nam thì ông bị ốm nặng. May ông được một thầy thuốc vốn dòng dõi Ngự y chữa cho và cũng học được nghề thuốc. "Thoát khỏi chết, nhưng mắt không chữa được. Lâm cảnh đui mù, cửa nhà sa sút, ông lại bị gia đình vị hôn thê bội ước", sách Những người thầy trong sử Việt ghi lại.
Ông đồ Chiểu mù đi tới đâu dạy học tới đó
Sau ba năm chịu tang mẹ, Nguyễn Đình Chiểu mở trường dạy học và bốc thuốc ở quê nhà Gia Định. Học sinh đến rất đông. Thầy giáo Nguyễn Đình Chiểu được gọi là đồ Chiểu từ đó.
Theo cuốn Những người thầy trong sử Việt, đồ Chiểu được nhiều học trò quý mến vì tài năng, đức độ. Một môn sinh ở trường của Nguyễn Đình Chiểu vì lòng cảm mến, đã tác thành cho em gái cưới thầy giáo để ông có người nâng khăn sửa túi. Năm 1854, Nguyễn Đình Chiểu và bà Lê Thị Điền kết hôn.
Năm 1859, giặc Pháp tiến đánh Gia Định, rồi mở rộng xâm lược Nam Kỳ. Đang dạy học, ông cùng gia đình phải chạy về quê vợ ở Cần Giuộc (Chợ Lớn) để sinh sống. Tại đây, ông tiếp tục dạy học và bốc thuốc cứu người.
Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, trong thời gian ở Cần Giuộc, Nguyễn Đình Chiểu tham gia bàn bạc công việc cứu nước với các bạn hữu như Phan Văn Trị, Hồ Huân Nghiệp, Bùi Hữu Nghĩa, liên hệ mất thiết với Đốc binh Là, người chỉ huy anh dũng trong trận Cần Giuộc, tích cực giúp đỡ nghĩa quân. Trương Định vẫn thường đến hỏi ý kiến và coi ông như người tham mưu cho mình.
Năm 1867, sáu tỉnh Nam Kỳ bị giặc chiếm, Nguyễn Đình Chiểu vì mù lòa, không đi ra vùng tự do Bình Thuận được nên tiếp tục dạy học ở Bến Tre, và bất hợp tác với thực dân. Nhiều lần quan cai trị Pháp tìm cách mua chuộc ông, nhưng đều thất bại.
Lục Vân Tiên và những tác phẩm để đời của ông đồ Chiểu
Không chỉ là nhà giáo, thầy thuốc, Nguyễn Đình Chiểu còn là nhà thơ, "ngôi sao sáng nhất trong nền văn học ở miền Nam nửa sau thế kỷ 19". Khoảng năm 1851, ông viết truyện thơ Lục Vân Tiên, tỏ rõ lòng yêu chính nghĩa, ghét gian tà.
Số phận chàng Lục Vân Tiên có những điểm tương đồng với Đồ Chiểu như bỏ dở thi cử về quê chịu tang mẹ rồi bị bệnh và mù hai mắt. Vân Tiên sau đó còn bị sĩ tử đố kỵ với tài năng và gia đình đã hứa gả con gái cho hãm hại, hết đẩy xuống sông lại bỏ một mình vào hang sâu trong rừng.
Trong rừng sâu, Lục Vân Tiên may mắn được sĩ tử Hớn Minh cứu giúp, được tiên cho thuốc nên mắt sáng lại. Đến khoa thi, Lục Vân Tiên đỗ trạng nguyên, được nhà vua cử đi dẹp giặc Ô Qua. Trên đường thắng giặc trở về, chàng gặp lại Kiều Nguyệt Nga - người từng được Vân Tiên cứu giúp và nguyện gắn bó suốt đời. Trở về kinh sư, Vân Tiên tâu hết sự tình với nhà vua, kẻ gian ác bị trừng trị, người nhân nghĩa được đền đáp, Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga hạnh phúc.
"Đây là bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý trọng ở đời, ca ngợi những người trung nghĩa", cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận xét về tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu.
Truyện thơ Lục Vân Tiên đã có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều tầng lớp nhân dân và được lưu truyền dưới hình thức sinh hoạt văn hóa như "kể thơ", "nói thơ Vân Tiên", "hát Vân Tiên". Cho đến nay, tác phẩm vẫn giữ nguyên giá trị trong nền văn học Việt Nam. Lục Vân Tiên được chuyển thể thành phim, chèo, cải lương.
Cũng khoảng thời gian sau khi mở trường dạy học, Nguyễn Đình Chiểu viết Dương Từ Hà Mậu. Nội dung cuốn sách nhằm bênh vực Nho giáo chân chính, chống bọn đạo đức giả, tham danh lợi.
Ngoài Dương Từ Hà Mậu và Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu còn nhiều tác phẩm nổi tiếng khác như: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, bài thơ Chạy giặc, Tan chợ cùng nhiều tác phẩm thơ, văn tế, hịch góp phần cổ vũ, động viên nhân dân chiến đấu chống giặc.
Các tác phẩm văn chương của Nguyễn Đình Chiểu phần lớn được viết bằng chữ Nôm với ngôn ngữ nghệ thuật bình dị, giàu sức gợi cảm. "Thơ ông thể hiện tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước và là vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh chống xâm lược, phục vụ đất nước, nhân dân. Nguyễn Đình Chiểu là một chiến sĩ văn hóa, đồng thời là chiến sĩ giáo dục", cuốn Những người thầy trong sử Việt viết.
Năm 1888, nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Đình Chiểu qua đời. Ngày đưa tiễn ông, cánh đồng An Đức (Ba Tri, Bến Tre) rợp khăn tang. Tên của ông được đặt cho tên đường ở tỉnh, thành phố. Ngôi trường dành cho học sinh khiếm thị nổi tiếng của thủ đô cũng được đặt theo tên của nhà văn hóa yêu nước này.
Bình luận